Nghề chọn mình
Khi tốt nghiệp ngành tạo dáng công nghiệp (Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn), Lê Rin làm thiết kế đồ họa trong lĩnh vực thời trang suốt 4 năm. Cái duyên đến với họa sĩ minh họa ẩm thực bắt đầu khi Rin nghỉ việc tại một thương hiệu thời trang lớn và loay hoay tìm công việc mới.
Rin kể: “Lúc đó, mình thực hiện một chuyến đi bụi bằng xe máy từ Sài Gòn ra đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Hơn 10 ngày, trải qua nhiều vùng đất dọc duyên hải Nam Trung bộ, mình may mắn có cơ hội thưởng thức khá nhiều món ăn ngon của từng địa phương. Điều này rất thú vị và thôi thúc mình nảy ra ý tưởng vẽ lại các món ăn khắp các vùng miền sau chuyến đi này. Từ đó, các bức vẽ cứ thế nối tiếp nhau ra đời. Ban đầu là những món quen thuộc như: canh chua cá hú, cá lóc kho tộ, bánh mì… được vẽ theo cảm hứng là chính”.
Ban đầu, Rin nghĩ việc vẽ món ăn chỉ là sở thích nhất thời và không mấy hy vọng về tương lai. Nhìn qua ngó lại, anh thấy mình đang làm một việc khá mơ hồ và bơ vơ một mình. Mặt khác, Rin giấu gia đình ở quê vì một phần không biết giải thích về công việc của mình như thế nào, phần sợ ba má lo lắng con thất nghiệp. Nhưng may mắn, Rin được những người bạn thân bên cạnh ủng hộ hết mình và động viên nên có chút tự tin hơn. Sau khi có ý tưởng làm cuốn sách đầu tay về ẩm thực VN, mọi thứ dần trở nên tốt hơn. Khi đó, Rin nhận ra nên lập một kế hoạch cụ thể và khoa học hơn để hoàn thiện cuốn sách tập hợp các món ăn VN. Từ đó, mọi thứ cứ đến một cách tự nhiên dù trước đó Rin chưa bao giờ nghĩ sẽ theo đuổi hay có khái niệm rõ ràng về công việc này.
|
Nhìn hình vẽ là muốn ăn
Đến nay, Lê Rin đã vẽ hơn 200 món ăn Việt và một vài món Nhật. Có nhiều món tuy thân thuộc hằng ngày với chàng trai này nhưng món nào cũng có cái khó riêng. Món càng có nhiều nguyên liệu và chi tiết phức tạp thì càng khó vẽ. Theo Rin, món ăn miền Bắc khó vẽ hơn. Khó ở đây không phải cách thể hiện mà ở chỗ anh chưa có nhiều dịp tiếp xúc với các món này nên khi vẽ sẽ khó cảm hơn.
Trung bình với mỗi món, Rin vẽ khoảng 3 - 4 tiếng. Với các món phức tạp hơn, thời gian vẽ lâu hơn. Như món bún bò, anh vẽ đến 3 lần mới đạt yêu cầu. Món anh vẽ nhanh nhất là bánh mì. Món này Rin thích từ nhỏ và đã quá quen thuộc nên khi vẽ cũng nhanh hơn. Với từng món, mỗi lần vẽ đều khác nhau nên anh phải đau đầu suy nghĩ cách thể hiện thế nào để không bị lặp lại.
“Theo mình, điều quan trọng nhất khi vẽ một món ăn là cho người xem thấy được nó “ngon” và “hấp dẫn” như thế nào. Mình vẽ đồ ăn nhìn không đủ sức thuyết phục đến thị giác, sao có thể thôi thúc vị giác của người xem trỗi dậy được”, Rin cho biết.
Để truyền tải được hình ảnh cũng như chi tiết các món ăn lên bức vẽ, Rin phải tìm hiểu rất kỹ. Ví dụ, món gồm nguyên liệu gì, nấu như thế nào (chiên, xào, nước lèo…). Từ đó, anh sẽ dễ dàng hình dung hơn khi vẽ. Còn việc thể hiện chân thật món ăn, nguyên liệu hay các chi tiết hay không, tùy vào kỹ năng của mỗi người. Theo Rin, khi vẽ món ăn, người họa sĩ phải có am hiểu nhất định về hình dáng, kích thước, màu sắc cũng như gọi tên được những nguyên liệu, món ăn quen thuộc. Từ đó, việc thể hiện như thế nào sẽ dễ dàng hơn.
Công việc họa sĩ minh họa ẩm thực giúp Rin có nhiều khách hàng. Anh đang là một trong những họa sĩ của Monosketch (Art studio ở Sài Gòn chuyên in ấn các tác phẩm của anh thành sổ tay, tranh in, bưu thiếp).
“Mỗi ngày thức dậy, mình lại được làm đúng công việc yêu thích. Từ nhỏ, mình đã thích vẽ nên rất hạnh phúc vì được sống với đam mê. Điều vui nhất là mình được khá nhiều người biết đến và khi nhắc tới minh họa đồ ăn, họ lại nhắc thêm tên mình”.
Lê Rin cũng đã cho ra mắt quyển sách Việt Nam Miền Ngon, tập hợp hơn 100 món ăn VN nổi tiếng từ 3 miền Tổ quốc. Rin làm cuốn sách này với mong muốn sẽ là một quyển từ điển nhỏ bằng hình vẽ về món ăn Việt để giới thiệu đến tất cả mọi người rằng ẩm thực VN rất tuyệt vời. Anh muốn quảng bá đến du khách nước ngoài một cái nhìn có thể gọi là tạm đầy đủ về bức tranh ẩm thực VN qua hình thức mới mẻ là tranh minh họa.
Bình luận (0)