Nghị lực mùa thi: Nữ sinh mồ côi cha mẹ khao khát được học

Thúy Hằng
Thúy Hằng
21/06/2019 08:17 GMT+7

Mẹ mất từ năm 4 tuổi, chưa học xong lớp 12, bố đã qua đời, ngoài khao khát được học để vượt lên nghịch cảnh, Võ Thị Diễm Trang không có gì ở tuổi 18.

Dù được các thầy cô giới thiệu trước về hoàn cảnh của Võ Thị Diễm Trang, học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Minh Xuân, khi bước chân vào ngôi nhà nằm sâu tít trong ấp 1, xã Vĩnh Lộc B, H.Bình Chánh, TP.HCM, chúng tôi vẫn không thể cầm được nước mắt.

Mồ côi cha mẹ, nhiều người thân đau bệnh

Mọi sự giúp đỡ, xin bạn đọc gửi về Báo Thanh Niên theo thông tin sau: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 14710000000115 - Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển VN - chi nhánh Ba Tháng Hai, TP.HCM. Nội dung ghi: Giúp đỡ em Võ Thị Diễm Trang. Hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước. Chúng tôi sẽ chuyển đến em Trang trong thời gian sớm nhất.
Bên bàn thờ nghi ngút khói nhang của cha, Trang dựa lưng vào tường, đẫm nước mắt kể lại tuổi thơ của mình. Ngày đó, gia đình Trang sống ở Cà Mau, khi mẹ vừa sinh em bé thứ 2 được 6 tháng, do bất cẩn ăn phải đồ trúng độc mà đột ngột qua đời, người em trai phải nhờ dì ở Cà Mau nuôi nấng.
Cha bồng Trang lên TP.HCM mưu sinh, tá túc trong căn nhà xập xệ, dột nát tứ bề của ông nội ở H.Bình Chánh rồi gà trống nuôi con suốt mười mấy năm. Những đồng bạc lẻ kiếm được từ việc chạy xe ôm, sửa xe thuê quần quật mỗi ngày mười mấy tiếng đồng hồ, cha dành để lo cho Trang, bà cố ngoài 90 tuổi và một người bác của Trang mù lòa. Vậy mà chưa được một ngày an nhàn, chưa nhìn thấy con của mình trưởng thành, cuối năm 2018, bệnh tật đã mang cha Trang đi mãi mãi.
“Ngày mẹ mất, em còn nhỏ chưa hiểu được rằng mình vừa mất mẹ, vừa trải qua nỗi đau đớn nhất đời. Em nghĩ là mình còn ba. Dù cuộc sống thiếu thốn, nhưng em luôn được ba yêu thương, ba là mẹ, là bạn, nói chuyện với em, động viên em học, vui buồn gì cũng có ba, bây giờ thì cả ba và mẹ đều không còn, nhiều lúc em cô đơn, tuyệt vọng…”, Trang ngước nhìn di ảnh ba.

Bác Võ Ngọc Thông, 46 tuổi, bác của Trang, buồn bã nói: “Cha bé Trang vì làm việc quá sức, ăn uống không ra gì nên bệnh, rồi chết, trước khi chết còn nằm nhà một thời gian dài, đi cứ phải lết trên sàn, tội lắm. Ông nội bé Trang bị mù. Tôi bị mù, một người chú và một người cô khác của con bé cũng mắt lòa rồi, không nhìn rõ nữa rồi. Bà cố năm nay 93 tuổi, chỉ nằm đó thôi, không nhớ gì hết”.
Bác Thông cũng cho hay, vì bà cố chuyển từ Nha Trang vào Sài Gòn, không có giấy tờ tùy thân, hằng tháng không được trợ cấp gì. Riêng bác mỗi tháng có hơn 700.000 đồng tiền hỗ trợ của nhà nước. Mỗi tuần, bà nội Trang (đã già nhưng vẫn phải chạy xe ôm, giao hàng) gửi về cho bé và bà cố 700.000 đồng, vừa lo ăn học cho Trang, vừa lo cháo, tã, sữa cho bà cố đã nằm liệt một chỗ.
Căn nhà lợp bằng tôn chắp vá, ngày mưa nước chảy từ đằng sau lên đằng trước, dâng cả vào giường ngủ. Sàn nhà lồi lõm, nhiều lần bác cõng bà cố đi vệ sinh trong nhà tắm thì ngã bật ngửa, bà cố sưng u đầu, bác lại quờ quạng trong bóng tối bế bà trở lại.

“Em có những người bạn tốt”

Võ Thị Diễm Trang cho biết, em đã từng suy nghĩ rất tiêu cực, không biết sẽ phải làm gì, bắt đầu từ đâu để thay đổi cuộc sống của mình và những người thân, may mắn em có những người thầy, bạn bè tốt ở Trường THPT Lê Minh Xuân, động viên em phải lạc quan, học tập tốt.
[VIDEO] Mất cả ba lẫn mẹ, người thân mù lòa, nữ sinh quyết tâm học tiếp
“Mỗi ngày các bạn chạy ngang rủ em đi học, cần giúp gì các bạn lại giúp nhiệt tình. Không có các bạn, em cũng không biết em ngày nay sẽ ra sao”, Trang nói. Là người khỏe mạnh, minh mẫn nhất trong gian nhà ấy, mỗi ngày ngoài việc học, em lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc bà cố và bác. Nhiều tháng qua, để có thêm tiền trang trải trong nhà, Trang đi phụ quán ăn, rửa bát đũa, dọn bàn trong huyện từ chiều tối tới khuya mới về.
Trang nói em luôn biết ơn bà con lối xóm, trong những lúc em và gia đình khó khăn nhất, mọi người đều san sẻ. Cô Phạm Thị Ngọc Trâm, 43 tuổi, trú H.Bình Chánh, người quen với gia đình mấy chục năm qua, cho hay cô đi chợ gặp quần áo, giày dép hạ giá đều chọn mua về để Trang có cái mặc, nhà có nải chuối, gói mì cũng để dành, hôm nào mang sang để Trang, bà cố và người bác mù lòa có thêm một bữa ăn.
Con bé nó khổ vô cùng, có cha có mẹ thì hơn, đằng này mất cả cha lẫn mẹ. Có bữa tôi sang thấy mâm cơm có mỗi ít canh rau.
Cô Phạm Thị Ngọc Trâm, trú H.Bình Chánh
“Con bé nó khổ vô cùng, có cha có mẹ thì hơn, đằng này mất cả cha lẫn mẹ. Có bữa tôi sang thấy mâm cơm có mỗi ít canh rau. Cả một cái tết, cả nhà có 1 kg thịt rồi kho mặn lên, ăn dần. Con bé có duy nhất một bộ áo dài cô may cho nó, mặc suốt 3 năm học. Không có bàn học, nó lắm hôm vừa trông bà cố, vừa ngồi dựa vào tường để ôn bài...”, cô Trâm ngậm ngùi kể.
Võ Thị Diễm Trang lượng sức học của mình nên chỉ nhắm mục tiêu thi đậu cao đẳng, để có một cái nghề, sau này xin việc làm, có thu nhập để đỡ đần mọi người trong nhà. Chi phí để lo ăn học trong những năm học cao đẳng, có lẽ cũng rất lớn, Trang chưa biết sẽ lo liệu ra sao, nhưng em tin mình sẽ đi làm thêm, để nuôi giấc mơ đến trường. “Mọi người đều khuyên em phải học tốt, quyết tâm cao, bởi chỉ có học mới giúp mình thoát khỏi hoàn cảnh này. Em không muốn phụ lòng của tất cả mọi người”, Trang nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.