Tuần qua, Giang lên đường thực hiện chuyến đi thứ 8 lên dãy Himalaya hùng vĩ. Trước khi đi, Giang đã có cuộc trò chuyện cùng Thanh Niên.
Vượt qua giới hạn bản thân
|
|
Thử thách đầu tiên và quan trọng nhất tôi đặt ra là vượt qua chính mình. Hồi nhỏ, tôi bị béo phì. Đến giờ tôi vẫn chưa chia tay được căn bệnh hen suyễn. Thỉnh thoảng tôi vẫn còn lên cơn hen.
Thế nhưng tôi nghĩ có thể lắng nghe được cơ thể của chính mình. Tại sao một người mắc chứng hen suyễn lại không thể leo núi? Trong mỗi chuyến đi, tôi đều muốn tìm câu trả lời thật ra giới hạn của mình ở đâu và có thể vượt qua giới hạn đó hay không.
Câu châm ngôn mà tôi thích nhất là: "Nếu bạn muốn, bạn sẽ tìm được cách; còn nếu bạn không muốn, bạn luôn tìm được lý do".
Nếu tóm gọn tính cách của mình trong ba tính từ?
Nổi loạn, bình tĩnh, ngẫu hứng.
Từ khi nào bạn nghĩ mình sẽ đi đến "nóc nhà châu Âu"?
Dự định này có cách đây 2 năm. Khi đó tôi ước mơ đi đến 7 đỉnh cao nhất của các châu lục, trong đó có châu Phi, châu Úc, châu Á, Bắc Mỹ, Bắc cực, Nam cực và châu Âu.
Một trong những đỉnh đầu tiên tôi muốn đi là châu Âu. Đó là điểm khởi đầu để mình có thể đi những điểm về sau. Ví dụ như đi châu Phi và châu Úc dễ hơn, không quá khó như Bắc Mỹ, Nam Mỹ, không quá tốn kém như châu Nam cực và đỉnh Everest cao nhất thế giới. Trong suốt hai năm, tôi mua đồ đạc, chuẩn bị hành trang, tiền bạc, tập luyện thể lực để sẵn sàng cho hành trình.
Thật ra Elbrus (trong dãy Kavkaz, Nga) cao 5.642 m không phải ngọn núi cao nhất mà tôi từng đi. Năm ngoái tôi có leo đỉnh núi ở Ấn Độ cao 6.150 m. Tuy nhiên độ cao không nói lên hết sự khó khăn. Đỉnh Elbrus tuyết rất nhiều, xốp và rét. Khi mình phải ở lâu trong tuyết trong điều kiện giá rét thì sẽ rất mau kiệt sức.
Bạn có nghĩ mình quá liều lĩnh và những chuyến đi ấy cho bạn điều gì?
Đôi khi những người bạn đồng hành của tôi cũng đặt câu hỏi như vậy. Những cuộc đi rất tốn kém và nguy hiểm. Có nhiều người leo núi bỏ mạng trên đường. Nhưng khi đặt ra mục tiêu, tôi tập luyện, phấn đấu vì nó.
Thực sự mỗi lần đi, tôi không chắc là mình có thể chinh phục thành công, nhưng mục tiêu tôi đề ra là phá vỡ những giới hạn. Rồi tôi đi, tôi hạnh phúc lúc đó và trân trọng cuộc sống hằng ngày. Khi đi leo núi mới cảm nhận bữa cơm ở nhà rất ngon, cái giường ở nhà mình ngủ mỗi ngày rất là thoải mái. Nhiều khi đi rồi thấy rất yêu quý gia đình. Những lúc gặp bão tuyết nguy hiểm, lúc đó tôi chỉ nghĩ đến gia đình.
Khi lên một đỉnh núi cao, bạn sẽ nhìn xuống hay nhìn lên nữa?
Tôi sẽ nhìn lại chặng đường đã qua để biết được ngày hôm nay mình đứng ở đây nhờ sự nỗ lực tập luyện và một phần may mắn có gia đình cùng những người thân ủng hộ. Đồng thời, tôi cũng muốn đi đến những nơi khó khăn hơn, cao hơn để thử đâu là giới hạn của mình.
|
Đi để thấy cuộc sống quý giá hơn
Trở ngại lớn nhất của bạn?
Đó là việc cân bằng thời gian. Muốn đi đâu cũng phải có tiền. Tôi phải làm việc để có tiền phục vụ cho đam mê. Ở TP.HCM, tôi đi làm cho một công ty và làm chủ hai tiệm cà phê - trà sữa nho nhỏ. Tôi cũng phải dành thời gian cho gia đình, người yêu, bạn bè, đối tác... Rồi còn phải rèn luyện thể lực cho những chuyến đi tiếp theo nên nhiều lúc cảm thấy khó khăn trong việc cân bằng thời gian.
Bạn nghĩ sao nếu có người cho rằng những chuyến đi của bạn là ngông cuồng? Thực tế những chuyến đi đó có đáng để bạn trả giá bằng sự nguy hiểm đến tính mạng?
Tôi nghĩ tôi biết mình đang làm gì và cần gì. Lúc đầu, tôi đi để thỏa mãn đam mê cá nhân. Nhưng qua những tin nhắn và chia sẻ của các bạn trẻ, tôi nhận ra rằng chuyến đi của mình gợi cảm hứng cho các bạn. Đầu tiên là việc tập luyện thể lực, thể dục thể thao. Thứ hai, khi các bạn trẻ đi ra nước ngoài thì họ sẽ mở mang đầu óc và có thể trở về làm việc tốt hơn. Tôi cảm thấy rất vui khi có thể gợi cảm hứng như vậy.
Phải quan sát, trang bị kỹ năng và lắng nghe được cơ thể của mình. Tôi thường lên mạng, tìm hiểu rất kỹ về địa hình và điều kiện những nơi mình sẽ đến, trang bị trang phục, thuốc men và tìm hiểu từ những người đi trước. Từ đó xác định mình không liều lĩnh. Có những chuyến đi tôi đã phải dừng như lần đi trên sông băng. Nếu đi cũng có thể đi được, nhưng rủi ro là băng có thể tan bất cứ lúc nào.
|
Có nhiều bạn trẻ đặt mục tiêu kiếm tiền là lý tưởng của cuộc đời. Bạn nghĩ thế nào về tiền?
Tiền là một phương tiện. Nếu không có tiền, sẽ rất khó thực hiện những ước mơ. Ví dụ những chuyến đi của tôi đều cần có tiền. Từ trang bị, trang phục, vé máy bay, visa, ăn ở, tất cả đều cần tiền.
Sau này có chuyến tôi được tài trợ một phần nhưng cũng không thể nào đủ. Quan niệm của tôi là làm việc thật tốt, kiếm được nhiều tiền. Khi có tiền, có thể đi bất cứ đâu mình đam mê. Tôi cũng không tiêu pha hết số tiền đã dành dụm mà có một khoản an toàn, để đầu tư và cho những hành trình kế tiếp.
Sau những chặng đường gió bụi và rét mướt, bạn rút ra được bài học gì?
Tôi học được về bà mẹ thiên nhiên vĩ đại, cách ứng xử với thiên nhiên cũng như tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường. Những nơi tôi đã đi qua, người dân địa phương đều nói rằng khí hậu nơi đó thay đổi nhanh chóng trong những năm gần đây do sự tác động của con người.
Tôi cũng có tham gia những dự án về môi trường của các tổ chức quốc tế, tham gia vận động không xây cáp treo ở Sơn Đoòng, đi nhặt rác trên núi Bà Đen, tham gia làm sạch bờ biển Phước Hải... Tôi đang viết một quyển sách về hành trình đi Bắc cực, trong đó đề cập người Bắc Âu đã mang rác đi và mang rác về như thế nào.
Khi chia sẻ trải nghiệm với các bạn trẻ, bạn thường nói gì về những chuyến đi?
Hãy đi vượt qua giới hạn bản thân để trưởng thành hơn, đi ra khỏi biên giới quốc gia để mở mang hơn, đi để yêu quý những điều gần gũi ở bên mình hơn, và đi để trở về làm việc tốt hơn.
Đừng đi theo kiểu sách vở hướng dẫn kiểu như 5 hay 10 điểm cần đến trước khi chết, mà cứ đi theo tiếng gọi của con tim. Đi và trải nghiệm những điều mình thực sự đam mê. Sống bằng mọi nhiệt huyết có thể. Cứ sống hết sức, làm việc hết lòng và tràn ngập đam mê như thể ngày mai ta có thể chết.
Nếu có một điều ước, bạn sẽ ước gì?
Mãi mãi một cuộc sống đầy nhiệt huyết và sức trẻ.
Tiểu sử
Sinh năm 1988 2003 - 2006: Học cấp 3 tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM).
2006 - 2007: Học tại Trường ĐH Ngoại thương TP.HCM.
2007 - 2010: Được học bổng ngành marketing tại Trường ĐH Jönköping (Thụy Điển).
2013 - 2015: Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, Marketing, Trường ĐH Bristol (Anh).
Hiện làm nhân viên tại Công ty Cốc Cốc; chủ hai cửa hàng cà phê và trà sữa tại Q.1, TP.HCM.
2016: Top 10 cuộc thi Iron Man 2016, Huy chương vàng cuộc thi Obstacle Run - Champion Dash (TP.HCM).
l 2011 - 2016: 7 lần chinh phục những đỉnh núi trong dãy Himalaya. Tháng 4.2017: Là người VN đầu tiên chinh phục Bắc cực (3 - 8.4.2017) sau khi nhận được gần 120.000 lượt bầu chọn của cộng đồng mạng VN để đoạt vé đi Bắc cực cùng 19 người khác trên thế giới, do Fjällräven Polar (Thụy Điển) tổ chức.
2.9.2017: Đặt chân lên “nóc nhà châu Âu” (đỉnh Elbrus cao hơn 5.600 m, trong dãy núi Kavkaz, Nga).
Mặc dù có thành tích leo núi “khủng” như thế, ít ai biết Giang bị bệnh thông liên nhĩ lỗ thứ phát (giữa hai buồng tim có 1 lỗ nhỏ khiến máu bị rỉ qua) và bệnh hen suyễn. Giang từng bước khắc phục nhược điểm của mình như đạp xe 10 km mỗi ngày đi học, tập bơi, chạy bộ... liên tục 15 giờ/tuần.
|
Truyền đam mê cho người trẻ
Có một ý mà tôi rất tâm đắc: Không phải vượt qua được ngọn núi này, đỉnh núi kia thì cho là ta thành công, ta mạnh mẽ, mà là cách bản thân ta vượt qua như thế nào… Vì không ai có thể chinh phục được thiên nhiên, mà chỉ chinh phục được bản ngã của ta. Một điều nữa về Giang là bạn ấy đã truyền cho các bạn trẻ mê di chuyển một tinh thần đam mê và quyết thực hiện đam mê ấy.
Võ Hà My, giáo viên mỹ thuật tại TP.HCM
Luôn khát khao chinh phục
Tiếp xúc bên ngoài thì Giang rất hiền lành. Nhưng tìm hiểu thêm mới thấy Giang "kinh khủng". Mọi giới hạn bị san bằng. Giang bị bệnh tim, vẫn tập luyện hết sức để leo núi khắp nơi, rồi đến cả Bắc cực. Nhưng mọi thách thức ấy được chinh phục không phải từ trên trời rơi xuống. Giang tập luyện như điên. Thậm chí trước khi đi Bắc cực, Giang sang tận Alaska (Mỹ) để tập làm quen cái lạnh. Cũng để xem tim mình, bệnh hen suyễn của mình chịu đựng được đến giới hạn nào.
Cái hay nhất ở Giang là hướng đến những giá trị lớn hơn các chuyến đi. Giang tham gia chuyến đi Bắc cực ngoài sở thích chinh phục, còn vì chuyến đi chú trọng bảo vệ môi trường. Giang nói say sưa về chuyện trái đất ấm dần lên, về chuyện nâng cao ý thức về môi trường cho nhiều người hơn qua các hình ảnh chụp ở Bắc cực.
Giang lại lên đường. Mang theo những khao khát chinh phục với trái tim không hoàn hảo.
Nhà báo Đăng Nguyên
|
Bình luận (0)