Gen Xanh là nhóm bạn trẻ yêu môi trường, cùng nhau thực hiện những chiến dịch đổi rác lấy quà khắp mọi nơi tại TP.HCM. Dù đang làm một hoạt động mà yếu tố quyết định lại liên quan đến ý thức của con người, nhưng nhóm vẫn không nề hà những khó khăn bước đầu, bởi đối với các bạn, chỉ cần thay đổi và tác động được đến một người thì chắc chắn sẽ lan tỏa thêm một người khác và nhiều hơn thế nữa, để cùng nhau sống xanh bảo vệ môi trường.
Những bạn trẻ yêu môi trường
Thật bất ngờ khi người điều hành và sáng lập ra nhóm này lại là cô học trò lớp 11 tại Củ Chi (TP.HCM). Đó là Đặng Thị Thơm (Trường THPT Trung Phú, Củ Chi), Thơm yêu môi trường và có nhiều ấp ủ cho các hoạt động vì môi trường.
|
Kể về cơ duyên thành lập Gen Xanh, Thơm cho biết từ đầu năm lớp 10 đã rất thích những hoạt động đổi rác lấy quà nhưng lúc đó dường như những hoạt động này chỉ có ở các quận trung tâm, mà Thơm thì không có điều kiện để lên các quận trung tâm để tham gia. Thế là cô quyết tâm thành lập một nhóm để thực hiện các chiến dịch đổi rác lấy quà tại Củ Chi.
|
Lúc đầu, Thơm cùng nhóm bạn đi quyên góp những tập vở của các bạn đã xài rồi, về những trang nào còn giấy trắng thì các bạn xé ra, gom lại và làm thành những cuốn sổ, để làm quà đổi cho mọi người và lấy lại rác.
|
Sau một thời gian thì nhóm của Thơm phát triển dần lên và được nhiều người biết đến. Cũng nhờ mạng xã hội nên nhóm đã gắn kết được những bạn trẻ đồng chí hướng, đến tháng 2.2020 thì cái tên Gen Xanh ra đời.
Hiện nay, nhóm tổ chức các điểm thu gom rác và đổi lấy quà. Mọi người chỉ cần mang rác đến như pin, thiết bị điện tử hay quần áo cũ… thì nhóm sẽ đổi lại cho các bạn những phần quà nào là sổ tay, ống hút gạo, ống hút tre, các sản phẩm từ xơ mướp, mo cau…
|
“Chủ yếu là để mọi người hiểu được những tác hại của quần áo cũ khi thải ra môi trường và từ đó dần dần hình thành ý thức, thói quen không vứt bỏ quần áo cũ khi không còn sử dụng nữa”, Thơm chia sẻ.
Sau khi thu gom những rác này về, đối với pin và thiết bị điện tử thì nhóm chuyển đến tổ chức Việt Nam tái chế (đơn vị chuyên thu hồi và tái chế rác thải điện tử) để xử lý, còn đối với quần áo cũ thì nhóm bắt đầu phân loại. Nếu chất lượng quần áo còn tốt thì sẽ chuyển lên cho trẻ em và người dân vùng cao (như Kon Tum và Gia Lai), còn quần áo nào quá cũ các bạn sẽ gửi đến cho các đơn vị cứu trợ chó mèo, vì ở những đơn vị này họ rất cần quần áo cũ để sử dụng lốt ổ cho chó mèo.
Mong muốn khơi dậy “gen” sống xanh của mỗi người
Chia sẻ về lý do chọn tên của nhóm là Gen Xanh, Thơm cho biết gen ở đây được hiểu như gen di truyền, tức là một điều mà khó thể thay đổi được trong mỗi người và nhóm tin rằng ai cũng mang trong mình một “gen” sống xanh nên chỉ cần được khơi dậy thì tất cả mọi người sẽ đều có ý thức để sống xanh và thân thiện với môi trường.
|
Hiện nay, nhóm có những địa điểm thu gom rác đổi quà cố định hằng ngày như tại địa chỉ160/29 Bùi Đình Túy (P.12, Bình Thạnh), Trường mầm non Eijiko Q.10, số 3A đường An Nhơn Tây (An Nhơn Tây, Củ Chi), 888/6A Lạc Long Quân (P. 8, Q.Tân Bình). Ngoài ra còn các điểm mà nhóm đang chuẩn bị để đặt nơi thu gom như Q. 6, Q. 1 và Q.Bình Tân.
Bên cạnh đó, nhóm còn thường xuyên tổ chức những chương trình nói chuyện với các bé về môi trường và tạo sân chơi để các bé tìm hiểu về tác hại của rác thải đối với môi trường xung quanh.
|
Do tất cả thành viên trong nhóm đều còn rất trẻ nên việc tổ chức và phát triển được dự án cho đến ngày hôm nay là một điều hoàn toàn không phải dễ. “Tất cả các phần quà của nhóm đều nhờ vào các đơn vị cùng đồng hành và hỗ trợ. Mà lúc đầu với một nhóm chỉ toàn là học sinh như tụi em, để cho mọi người tin tưởng và tài trợ thì thật sự cũng rất khó. Nhưng cũng nhờ thế, khi có được những đơn vị đồng hành và đi cùng nhóm ngay từ những ngày đầu cho đến ngày hôm nay, thì đó lại là động lực để tụi em cố gắng mỗi ngày”, Thơm chia sẻ.
|
Hiện nay, ngoài những phần quà được tài trợ thì các chi phí còn lại để tổ chức chương trình đều do các thành viên nhóm tự bỏ tiền túi ra, mà đây cũng chính là điều các bạn trăn trở. “Bình thường mỗi đợt tổng thu gom (1 tháng/1 lần) thì tụi em phải thuê xe ba gác để chuyển từ dưới Hóc Môn lên trung tâm thành phố, rồi từ trung tâm phân loại đồ sau đó gửi đi các nơi như Gia Lai, Kon Tum… thì chi phí vận chuyển là rất lớn. Mà nếu chỉ phụ thuộc vào tiền túi của các thành viên như hiện nay thì sẽ hạn chế số lượng tình nguyện viên tham gia vào nhóm. Nên sắp tới nhóm cũng sẽ nghiên cứu và tổ chức thêm các hoạt động gây quỹ để có kinh phí duy trì dự án”, Đào Thu Uyên, sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, thành viên nhóm tâm huyết.
|
|
|
Với các thành viên nhóm, dù biết rằng việc thay đổi ý thức của mọi người là vấn đề phải cần có nhiều thời gian và sự kiên trì, nhưng các bạn vẫn không nản chí mà ngược lại luôn quyết tâm mỗi ngày. “Chỉ cần hôm nay tụi mình tác động được một người và thay đổi được một hành động dù là rất nhỏ, nhưng tụi mình tin dần dần sẽ được lan rộng và tác động đến nhiều người hơn để cùng nhau sống xanh bảo vệ môi trường sống của chúng ta”, Thơm bày tỏ.
Bình luận (0)