Họ là những tình nguyện viên không quản ngại vất vả, gian khổ, tình nguyện đến nơi núi rừng hoang vu của Vườn quốc gia Cát Tiên (H.Tân Phú, Đồng Nai) để làm công tác cứu hộ, nuôi dưỡng và thả về thiên nhiên những con thú đang có nguy cơ tuyệt chủng từ mối hiểm họa của con người.
Anh Trần Văn Quản, đội trưởng đội cứu hộ đang trộn thức ăn cho gấu - Ảnh: Tiểu Thiên |
Vườn quốc gia Cát Tiên có 2 trung tâm gồm: Trung tâm cứu hộ gấu và Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp Đảo Tiên. Hai trung tâm này được hình thành từ sự phối hợp giữa Vườn quốc gia Cát Tiên với các tổ chức phi chính phủ Anh, Đài Loan. Hằng ngày, hàng chục cán bộ, tình nguyện viên ở đây luôn tận tình với công việc cứu hộ, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng hoang dã cho động vật bị thương, bị dính bẫy để thả về môi trường tự nhiên.
Anh Nguyễn Thế Việt, Phó giám đốc Trung tâm cứu hộ gấu, cho biết trung tâm hiện đang nuôi dưỡng 35 cá thể gấu, trong đó có 8 gấu chó, 27 gấu ngựa. Ngoài ra còn có 1 con báo hoa mai, 4 con công Ấn Độ, 2 cá sấu và một cặp chồn …Tất cả đều được cứu hộ từ các chuồng nuôi chật hẹp, tù túng, thân mang đầy vết thương do dính bẫy được đưa về từ các địa phương như TP.HCM, Long An, Bình Phước, Lâm Đồng, Đồng Nai…
Vốn là một kiểm lâm của Vườn quốc gia Cát Tiên, anh Việt được cử đi học và sau đó được điều động sang công tác tại Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã với vai trò là bác sĩ thú y. Gắn bó với núi rừng Cát Tiên hơn 16 năm nay, anh Việt cùng anh em nhân viên ở đây đã cứu hộ và chăm sóc cho hàng trăm động vật quý hiếm. Anh Trần Văn Quản (45 tuổi, đội trưởng đội cứu hộ) chia sẻ: “Công việc ở đây khá nhiều nên anh em rất vất vả. Buổi sáng phải dậy sớm để nấu cháo, chặt hoa quả và chế biến thức ăn cho gấu. Sau đó lại tất bật vệ sinh khu vực bán hoang dã, kiểm tra hàng rào điện tử trước khi thả gấu ra. Tiếp đến là dọn rửa khu nuôi nhốt, tập cho gấu các bản năng sinh tồn ngoài tự nhiên. Buổi chiều lại chuẩn bị thức ăn, cho gấu vào chuồng... Để hoàn thành công việc các nhân viên cứu hộ không quản ngại nguy khó, thầm lặng bám rừng, bỏ công sức cưu mang động vật bằng tình yêu và trách nhiệm với thiên nhiên.
|
Đảo Tiên, cách trung tâm quản lý Vườn quốc gia Cát Tiên khoảng 1 km, nằm cách biệt trên một cù lao giữa thượng nguồn sông Đồng Nai. Nơi đây là “đại bản doanh” của Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp chuyên về cứu hộ, nuôi dưỡng và thả những loài linh truởng gặp nguy hiểm về cuộc sống hoang dã. Anh K’Hoài (50 tuổi, người Châu Mạ, đội trưởng của Trung tâm) giới thiệu: “Ở trung tâm hiện đang nuôi dưỡng 29 con vượn má vàng, 17 con cu li nhỏ (động vật cực kỳ quý hiếm). Từ trước tới nay, trung tâm đã thả được 3 gia đình với 8 cá thể vượn về với tự nhiên”. Anh K’Hoài thú nhận trước đây anh cũng là một “sát thủ” rừng xanh. Sau này được tuyên truyền giáo dục, anh tham gia lực lượng kiểm lâm, đi trồng rừng, rồi theo học lớp làm du lịch, nhờ đó ý thức bảo vệ rừng, động vật được nhem nhóm. Là người dân tộc, am hiểu tập tính sinh hoạt, thức ăn của động vật nên K’Hoài được lãnh đạo Trung tâm gọi về “đầu quân” và giao cho công việc làm đội trưởng cứu hộ các loài linh trưởng. Ngoài việc cứu hộ, chăm sóc các con vật ở trung tâm, hàng ngày anh thường rong ruổi vào rừng tìm kiếm hạt cây rừng, lá cây để nhân giống và làm thức cho linh trưởng.
Ông Nguyễn Văn Diện, giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên chia sẻ: “Anh em ở đây ai cũng tâm huyết, có tình yêu động vật, yêu thiên nhiên nên đã vượt qua nhiều khó khăn, bám trụ với trung tâm để làm tốt công tác cứu hộ và bảo tồn sự đa dạng sinh học cho Vườn quốc gia Cát Tiên”.
Bình luận (0)