Nữ 9X xinh đẹp ung thư máu: Bệnh tật không đánh gục giấc mơ làm cô giáo

20/12/2016 22:01 GMT+7

Đang ở tuổi trẻ trung, xinh đẹp và nhiều hoài bão nhất của đời người, Phạm Thị Huỳnh Nga (sinh năm 1997) bị căn bệnh ung thư máu đổ ập xuống số phận. Dù đau đớn hóa trị, ngưng việc học nhưng em vẫn chiến đấu với bệnh tật đến cùng cho giấc mơ làm cô giáo của mình.

Bệnh nhân lạc quan, điều trị sẽ hiệu quả
Thạc sĩ - bác sĩ Lê Phước Đậm, Khoa Huyết học, Phó đơn vị Ghép tế bào gốc, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) là người trực tiếp điều trị cho Huỳnh Nga.
Bác sĩ Đậm cho biết, bệnh nhân bị mắc bệnh bạch cầu cấp, hay dân gian hay gọi là bệnh máu trắng. Đây là bệnh lý ung thư máu cấp tính.
Từ khi phát bệnh đến nay, Huỳnh Nga đã được điều trị kéo dài hơn một năm. Em đã qua hai chu kỳ điều trị. Hôm nay, sau một tuần kết thúc chu kỳ điều trị, tình trạng sức khỏe của em đã tốt hơn. Em có thể tự đi lại, tự sinh hoạt.
VIDEO: Giấc mơ làm cô giáo của Nga vẫn luôn cháy bỏng

tin liên quan

Nữ 9X xinh đẹp bị ung thư máu: Mơ 1 ngày làm cô giáo xoa đầu trẻ
Em đạt danh hiệu học sinh khá giỏi suốt 12 năm liền và được thầy cô tin tưởng giao cho vị trí lớp trưởng. Dù bệnh tật nhưng nữ sinh 9X luôn dặn lòng: 'Phải cố gắng, không được bỏ cuộc, dù cho còn một ngày cũng phải cố gắng. Cuộc sống còn nhiều điều tươi đẹp mà mình chưa được biết lắm!'
Để có được hiệu quả điều trị như thế, bác sĩ Đậm đánh giá phải có sự phối hợp hài hòa, tốt của ba yếu tố: thuốc điều trị, dinh dưỡng - chăm sóc bệnh nhân và đặc biệt là tinh thần của người bệnh.
“Tâm lý là một trong những yếu tố quan trọng góp phần giúp điều trị hiệu quả”, bác sĩ Đậm nhìn nhận.
Theo bác sĩ Đậm, bệnh bạch cầu cấp rất dễ “đánh gục” tinh thần của bệnh nhân, nhất là người trẻ. Ở tuổi đôi mưới, các bạn có rất nhiều hoài bão, nhiều ước mơ. Bỗng đùng một cái, nghe bị bệnh ung thư máu, bệnh lại xuất hiện một cách đột ngột thì tâm lý sẽ rơi ngay vào chán chường, bi quan.

Tâm lý là một trong những yếu tố quan trọng góp phần giúp điều trị hiệu quả. Sau giai đoạn điều trị thì em rất lạc quan. Nga và gia đình có sự hợp tác điều trị rất tốt

Thạc sĩ – bác sĩ Lê Phước Đạm, Khoa Huyết học, Phó đơn vị Ghép tế bào gốc, Bệnh viện Chợ Rẫy 

Tuy nhiên, đối với Nga, trong quá trình điều trị, cũng có đôi lúc em mệt mỏi, chán nản. Đó là những lúc vô hóa chất. Bởi lẽ, theo lời bác sĩ, mỗi lần vô hóa chất như vậy, bệnh nhân rất mệt, cực kỳ khó chịu và đau. Thế nhưng, căn bệnh đã không thể “đánh gục” em.
“Sau giai đoạn điều trị thì em rất lạc quan. Nga và gia đình có sự hợp tác điều trị rất tốt”, bác sĩ Đậm nói.
Ngay chính bản thân Nga cũng tâm sự: “Phải cố gắng, không được bỏ cuộc, dù cho còn một ngày cũng phải cố gắng. Cuộc sống còn nhiều điều tươi đẹp mà mình chưa được biết lắm!”
Sự kiên cường của em một là để “bệnh tật không ăn hiếp mình”, để vơi đi nỗi buồn, sự lo lắng của mẹ. Bên cạnh đó, là để nuôi ước mơ trở thành cô giáo mầm non. Ước mơ mà mỗi khi trò chuyện, em đều nhắc đến, coi đó là động lực cho em chiến đấu với bệnh tật.
“Giải mã” căn bệnh của Nga
Theo bác sĩ Đậm, bạch cầu cấp là một dạng ung thư máu cấp tính. Bệnh không có biểu hiện nào báo trước mà thường xảy ra đột ngột, diễn tiến nhanh.
Triệu chứng thường gặp của bệnh có thể là: xuất huyết (chảy máu răng, chảy máu mũi, xuất huyết dưới da), nhiễm trùng (nhiễm trùng đường hô hấp, tiêu hóa) và thiếu máu (biểu hiện là mệt mỏi, chán ăn và đau đầu).
Mẹ chăm sóc Nga những ngày điều trị ở bệnh viện - Ảnh: Nguyên Mi
“Điều nguy hiểm của bệnh là xuất hiện đột ngột, không báo trước. Ở đây, chúng tôi từng gặp những trường hợp trước đó bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh. Thậm chí đi khám sức khỏe định kỳ một tuần trước đó các kết quả xét nghiệm, đánh giá sức khỏe đều bình thường. Tuy nhiên, sau đó một tuần, bệnh nhân xuất hiện một trong ba triệu chứng trên và bị bệnh bạch cầu cấp”, bác sĩ Đậm cho biết.
Cho đến thời điểm hiện tại, y học vẫn đang tìm nguyên nhân gây ra bệnh và cũng không có một phương pháp nào phòng ngừa.
“Hiện tại, việc điều trị giúp kéo dài cuộc sống cho bệnh nhân chứ khoa học vẫn chưa có cách điều trị khỏi bệnh”, bác sĩ Đậm cho biết.

tin liên quan

Cha mẹ giữ lại cuống rốn cho con, cần những gì?

Máu cuống rốn có thể ứng dụng điều trị nhiều bệnh. Hiện nay, không ít cặp vợ chồng khi sinh con đã quyết định lấy và gửi ngân hàng tế bào gốc máu cuống rốn như một cách “bảo hiểm sinh học” cho con.

Đối với các bệnh nhân dưới 60 tuổi, phương pháp điều trị tốt nhất là ghép tế bào gốc (có thể chọn tế bào gốc từ người cho trong gia đình hoặc người cho từ cộng đồng có sự phù hợp).
Tuy nhiên, theo bác sĩ Đậm, cách điều trị này có chi phí tốn kém và hiện tại, nước ta vẫn chưa có đủ nguồn tế bào gốc từ cộng đồng. Chủ yếu, các trường hợp bệnh nhân đều được ghép từ tìm nguồn tế bào gốc trong gia đình.
Trong trường hợp của Nga, vẫn chưa chọn được nguồn tế bào gốc phù hợp từ người thân. Thế nên, phương án ghép tế bào gốc đối với cô gái 9x này không khả thi.
Phương án điều trị thứ hai đối với bệnh bạch cầu cấp là hóa trị. Quá trình điều trị kéo dài, qua nhiều giai đoạn và phải lặp đi lặp lại nhiều lần.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.