Rơi nước mắt nhớ đồng đội đã ngã xuống tại “địa ngục trần gian” Côn Đảo

21/07/2019 19:38 GMT+7

Hôm nay chúng tôi, những người trẻ khi chứng kiến các bác, các cô rơi nước mắt nhớ đồng đội khi trở lại chốn lao tù khổ ải ngày xưa, nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian” Côn Đảo, cũng không kiềm nén được cảm xúc.

Trong 2 ngày 21 và 22.7, T.Ư Hội LHTN VN phối hợp với Ban Tổ chức Lễ giỗ Côn Đảo và Ban Liên lạc Cựu tù chính trị - tù binh TP.HCM tổ chức Lễ giỗ Côn Đảo lần thứ 8. Chiều nay, các cựu tù và đoàn viên thanh niên đã về dự lễ cúng 51 chiến sĩ cách mạng án tử hình bị giặc Pháp xử bắn tại Bãi xử bắn gần Lò Vôi, lễ cúng 31 liệt sĩ tại Trại 6 khu B (trại Phú An) và lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và đồng bào yêu nước đã hy sinh trong 113 năm tồn tại của Nhà tù Côn Đảo tại nghĩa trang Hàng Dương (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).

Đoàn viên tìm hiểu về 15 anh hùng của lực lượng tù chính trị câu lưu bảo vệ khí tiết cách mạng ở nhà tù Côn Đảo được vinh danh

HOA NỮ

Vừa bước vào Trại 6 khu B, bác Lê Của (cựu tù từ năm 1965-1973) nghẹn ngào lấy tay quệt nước mắt vì nhớ thương đồng đội. Rồi bác Của kể: “Ngày đó khổ lắm con ơi, khổ về ăn uống là chuyện thường rồi, hỉnh thoảng nó bắt mình đi chuồng cọp, nơi mà giống như nó nhốt cọp vậy đó, một trại giam khắc nghiệt nhất ở "địa ngục trần gian" Côn Đảo này. Nên sống được quý lắm con. Bởi thế ra đây, bác nhớ đồng đội của mình, họ đã ngã xuống trong gông cùm xiềng xích…”.

Bác Của kể về những năm tháng khổ ải trong phòng giam số 7

HOA NỮ

Nói đến đây, bác Của nghẹn lại. Rồi bác dẫn chúng tôi đến phòng giam số 7 nơi bác đã từng bị giam giữ. Chỉ vào cái bồn vệ sinh trong phòng giam, bác nói: “Đây là chỗ đi vệ sinh, nhưng cũng đâu có được đi vào đây thường xuyên. Ngày nào nó không còng mình lại thì còn dễ chịu, còn đi tự do trong phòng được. Còn lại là hầu như nó còng chân mình, một chân thì còn được, có lúc nó còng luôn cả hai chân thì khổ lắm con ơi. Đi vệ sinh nó phát cho cái thùng to rồi chuyền hết người này đi đến người kia đi…”.

Các cựu tù về với Lễ giỗ Côn Đảo

HOA NỮ

Còn bác Nguyễn Hồng Phúc (77 tuổi) con của tử tù Nguyễn Kim Cúc cũng xúc động nghẹn ngào về thăm lại nơi mà bố của mình đã từng bị đánh chết ngay tại Trại 6 khu B. Nhìn vào tấm bảng có tên của bố mình trước phòng giam số 4, bác Phúc với chất giọng trầm buồn, chia sẻ: “Bố tôi đó, tháng 9.1967 đưa tôi vào trong rừng rồi về thì tháng 11.1967 bị bắt ra Côn Đảo và đến năm 1973 thì bị đánh chết tại chỗ. Tôi vừa buồn vừa ân hận vì không được gặp bố trước khi bố mất. Còn cây bàng đằng kia nữa, tôi nghe các cựu tù ở đây kể lại ngày xưa bố tôi tranh thủ những ngày được cho ra tắm để lấy nước tưới cho cây bàng đó. Giờ nó đã trở thành cây cổ thụ rồi, nếu bố tôi còn sống, giờ cũng 103 tuổi rồi”.

Bác Phúc tại phòng giam của bố mình

HOA NỮ

Trên tấm bảng trước phòng giam nơi bố của bác Nguyễn Hồng Phúc hi sinh, có ghi lại nơi đây ngày 2.5.1973 một đại đội cảnh sát dã chiến và trật tự an ninh, tầm nã tiến hành cuộc khủng bố bắt đưa sang Trại 7 để thanh lọc, chuyển tù chính trị sang thường án, sau khi tấn công bắt người ở 3 phòng 1,2 và 3, địch phải điều động máy phát điện để cắt khóa cửa sắt phòng 4. Sau đợt tấn công bằng lựu đạn cay, phi tiễn địch xông vào đánh đập và lôi từng người ra xe đưa sang Trại 7 tiếp tục khủng bố bắt chụp hình, lăn tay chuyển sang thường án. Hai người bị đánh chết tại chỗ là Nguyễn Kim Cúc (bố bác Phúc) và Hồ Chí Tặng, người thứ 3 bị đánh chết tại chỗ là Huỳnh Tấn Lợi vào ngày 4.5.1973. Tử tù Phạm Ngô, án tử hình ở Trại 7 đấu tranh hô la hỗ trợ cũng bị đánh chết ngày 4.7.1973.

Vui mừng gặp lại thầy giáo cũ

HOA NỮ

Về với nhà tù Côn Đảo, các cô cựu tù cùng hàn huyên về những năm tháng khổ ải

HOA NỮ

Nghe được câu chuyện mà các bác, các cô cựu tù kể lại, anh Hoàng Tiến Hưng, bí thư Đoàn Tập đoàn bựu chính Viễn thông Việt Nam, xúc động chia sẻ: “Nhà tù Côn Đảo, tôi đã được biết đến qua sách vở và báo chí như là "địa ngục trần gian" Côn Đảo, nhưng khi được đặt chân đến mảnh đất này, được chứng kiến tận mắt những di tích nhà tù còn để lại và nghe những câu chuyện của các bác, các cô đã từng bị giam giữ tại đây, tôi mới thấy hết được sự tàn bạo và dã man của kẻ thù tới những người cộng sản yêu nước. Với vai trò là thanh niên, chúng tôi sẽ cố gắng hơn nữa để đóng góp sức trẻ trong công cuộc xây dựng, bảo vệ tổ quốc, làm tốt hơn trong công tác đền ơn đáp nghĩa và đẩy mạnh giáo dục chính trị tư tưởng cho thế hệ mai sau”.
Ngoài các chương trình Lễ cúng, tối nay, Ban tổ chức lễ giỗ Côn Đảo năm 2019 phối hợp cùng Công ty CP Báo Thanh Niên thực hiện đêm nhạc chủ đề Đất mẹ - Ơn đời tại Đền thờ liệt sĩ Côn Đảo để kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh - liệt sĩ và tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại nhà tù Côn Đảo.

Tại Trại 6 khu B, từ ngày 15.12.1971, địch đã giam cầm cố gần 900 chiến sĩ cách mạng. Đây là lực lượng nối tiếp truyền thống đấu tranh của tù chính trị câu lưu chống ly khai cộng sản giai đoạn 1957 -1963, đã tái lập vị trí bảo vệ khí tiết từ cuối năm 1963, được lần lượt tổ chức bổ sung bởi lực lượng đấu tranh kiên cường qua các phong trào, tiêu biểu cho tinh thần kiên trung bất khuất, bảo vệ lý tưởng cách mạng của tù nhân chính trị Côn Đảo giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Ngày 3.2.1972, Đảng bộ cộng sản của trại 6 khu B mang tên Lưu Chí Hiếu được thành lập. Ngày 26.3.1972 Đảng ủy tổ chức thêm đoàn thành niên cộng sản mang tên Nguyễn Văn Trỗi.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, từ cuối năm 1972, phong trào đấu tranh ở trại 6 khu B ngày càng phát triển. Tù chính trị đã giành được quyền tự quản từng phân, biến nơi đây như một “lóm giải phòng” trong chốn ngục tù.

Ngày 20.1.1975, địch chuyển toàn bộ nhân trại 6 khu B đến giam trong các xà lim trại 7 (tức trại Phú Bình).

Đêm 30.4.1975, được lực lượng yêu nước bên ngoài báo tin và hỗ trợ mở cửa nhà lao, Đảng ủy Lưu Chí Hiếu nhanh chóng nắm bắt thời cơ, xác định vai trò lịch sử, quyết định mở rộng thành phần, chuyển thành Đảng ủy lâm thời, tiến hành lãnh đạo giải phóng hoàn toàn các trại giam trong đêm, kết thúc 113 năm địa ngục trần gian Côn Đảo.

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.