Nhóm kịch Tía Lia để lại ấn tượng với nhiều khán giả trẻ - Ảnh: X.P
|
Khoái diễn
Tối 24.6, Sân khấu kịch Tía Lia (đường Đặng Văn Ngữ, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) thu hút hơn 90 khán giả. Ai nấy cũng háo hức chờ đến giờ diễn để xem vở kịch Hoàng tử cà phê. Theo Huỳnh Lập (đạo diễn kiêm biên kịch của nhóm Tía Lia), đây là suất diễn thứ 17, nhưng vẫn thu hút nhiều người đến xem.
Suốt hơn 3 giờ đồng hồ, khán giả được trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Từ bất ngờ, phấn khích cười vui, rồi nghẹn ngào rơi nước mắt với những câu chuyện xúc động. Họ dường như bị hớp hồn bởi diễn xuất lôi cuốn của các diễn viên. Những tràng vỗ tay tán thưởng liên hồi. Hết vở diễn, khán giả nán lại hồi lâu để xin chữ ký, chụp hình chung với các thành viên nhóm kịch.
Không chỉ riêng nhóm Tía Lia, hiện ở TP.HCM có khá nhiều nhóm kịch do giới trẻ thành lập. Có thể kể đến những nhóm: Chuồn chuồn giấy, UP, Hướng Dương, Sóng, Sắc, Gạo, Đời…
Điểm chung của những nhóm kịch này là ra đời từ niềm đam mê diễn xuất của các thành viên. Dẫu có học những chuyên ngành khác nhau, không liên quan đến điện ảnh, kịch nói, nhưng chỉ cần cùng yêu nghề diễn là lập nhóm.
Huỳnh Phạm Đoan Trang (nhóm Chuồn chuồn giấy) cho biết nhóm có 15 thành viên, tất cả đều là sinh viên. Mặc dù học các chuyên ngành như múa, tài chính ngân hàng… nhưng vì khoái diễn xuất, nên đã rủ nhau lập nhóm kịch đi diễn. Tính đến nay, sau 3 năm hoạt động, Chuồn chuồn giấy đã diễn hàng chục vở, không chỉ tại TP.HCM mà còn ở nhiều tỉnh lân cận.
Ngoài ra, họ cũng “tự biên tự diễn”, tự viết kịch bản hàng tháng trời, rồi cùng bàn bạc thêm thắt tình tiết sao cho hấp dẫn. Sau đó, cũng mất chừng ấy thời gian hỗ trợ nhau diễn xuất để có thể tạo nên những cá tính riêng của nhân vật giúp tác phẩm hay hơn.
Và hằng đêm, tại các quán cà phê, ở các sân khấu, những nhóm kịch này đã cho khán giả thưởng thức nhiều tiết mục đặc sắc, vừa hội tụ cả kịch nói, hài, chuyện ma, tình tiết kinh dị…
Đại diện các nhóm cũng chia sẻ hiện có nhiều nhóm kịch ra đời, ngày càng nhiều hơn, thế nhưng không lo bị cạnh tranh. Bởi họ đều có lượng “khán giả thân thiết” riêng.
Chuyên nghiệp
Vũ Hường, sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, cho biết: “Mình thích xem kịch của những nhóm kịch trẻ hơn là xem phim. Đừng nghĩ những vở diễn của họ không hay, không có nội dung ý nghĩa bằng những vở kịch trên sân khấu lớn, hoặc trong các bộ phim. Có khi còn hay hơn đó”.
Thực tế, sau khi xem xong vở Hoàng tử cà phê, nhiều khán giả phấn khích nhận xét: “Hay quá. Cách hóa trang và diễn xuất như diễn viên chuyên nghiệp vậy”, hay “chỉnh âm thanh, ánh sáng tạo hiệu ứng không khác gì ở những sân khấu lớn”.
Qua khảo sát, không ít vở diễn của các nhóm kịch trẻ đã để lại ấn tượng với khán giả như: Thanh bạch xà, Lạc giữa thâm cung (nhóm Chuồn chuồn giấy), Tháng 6 cuối cùng, Chỉ còn lại tình yêu (nhóm UP), Nơi gọi là nhà, Yêu tui đi (nhóm Tía Lia)… Và dù là kịch ngắn hay kịch dài, mỗi vở đều để lại những thông điệp ý nghĩa. Đôi khi đó là tình yêu nhẹ nhàng, dễ thương của tuổi trẻ; hay chia sẻ tư tưởng của những người làm nghệ thuật bị mụ mị; hoặc nói về tình cảm gia đình...
Cũng chính từ những vở diễn trong các sân khấu kịch nhỏ ở quán cà phê như thế đã giúp nhiều bạn trẻ có cơ hội gia nhập các sân khấu lớn. Như Hoàng Bá Sơn, Khả Như, Huỳnh Quý, Anh Tú (nhóm UP) đều đang là diễn viên của các sân khấu Trần Cao Vân, Thế giới trẻ, Nụ cười mới.
Hay những gương mặt: Huỳnh Lập, Lê Nhân, Quang Trung, Vy Vân (nhóm Tía Lia) cũng được giới trẻ yêu thích qua các vở diễn. Từ đó giúp họ nhận được nhiều lời mời diễn kịch từ các sân khấu cũng như đóng phim sitcom (hài kịch tình huống) từ các kênh truyền hình.
Bình luận:
"Cứ nghĩ với sân khấu nhỏ như thế thì kịch bản không hay, không có thông điệp. Thế nhưng, với mỗi kịch bản, chúng tôi phải bỏ ra hàng tháng trời để viết, chỉnh sửa, thêm thắt sao cho hay nhất".
Phan Thành
(nhóm kịch Trong Trắng) "Nhiều khi xem kịch xong lại hỏi nhau sao giá vé rẻ quá vậy? Bởi chưa đến 100.000 đồng, bao gồm cả nước uống, nhưng được coi hơn 3 tiếng đồng hồ, cả kịch nói, ca nhạc, hài kịch xen lẫn vào mỗi vở kịch".
Thu Thủy
(SV Trường ĐH Tài nguyên - Môi trường TP.HCM) "Sự ra đời của các nhóm kịch trẻ ngày càng nhiều là tín hiệu vui. Vì giúp người trẻ yêu diễn xuất có thêm sân chơi, là nơi để trui rèn kỹ năng, giúp khán giả có thêm nơi thư giãn, xả stress".
Đức Cường
(SV Trường ĐH Mở TP.HCM) |
Bình luận (0)