Đó là khẳng định của anh Lê Quốc Phong, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam trong cuộc giao lưu trực tuyến chiều nay 22.3, với cộng đồng thanh niên, du học sinh đang học tập, sinh sống ở hơn 10 quốc gia trên thế giới.
Theo anh Lê Quốc Phong, trong thời gian qua, các cơ quan trong nước đã tăng cường các hoạt động giao lưu kết nối với thanh niên, sinh viên ở nước ngoài. Chương trình giao lưu trực tuyến thường niên này tiếp tục khẳng định Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam đặc biệt quan tâm, mong muốn được lắng nghe tâm tư, nguyện vọng từ cộng đồng sinh viên, thanh niên Việt Nam ở nước ngoài, để có các hoạt động phù hợp hỗ trợ các bạn trong học tập, đời sống.
Chương trình do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, Báo Tiền phong, Báo Sinh viên Việt Nam phối hợp tổ chức trong dịp kỷ niệm 84 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Anh Lê Quốc Phong phát biểu khai mạc giao lưu trực tuyến - Ảnh: Ngọc Thắng
|
Hỗ trợ nghiên cứu khoa học
Hội Sinh viên Việt Nam tại Đức nêu việc nghiên cứu khoa học đang là vấn đề cộng đồng sinh viên
du học đặc biệt chú trọng, quan tâm, nhưng hiện tại, trên trang web của Trung ương Hội chưa có thông tin về các đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên.
Nhóm du học sinh Việt Nam tại Đức đề nghị Trung ương Hội cho biết có dự định thành lập và triển khai kênh thông tin này để giúp tăng nguồn thông tin giao lưu học hỏi lẫn nhau trong nghiên cứu khoa học của sinh viên trong thời gian tới hay không.
Anh Lê Quốc Phong cho rằng đây là một ý kiến rất hay, Trung ương Hội sẽ triển khai thực hiện trong thời gian sớm nhất. Theo anh Phong, ngoài việc hình thành chuyên mục để sinh viên Việt Nam trong và ngoài nước chia sẻ kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu khoa học, kết nối các nhóm nghiên cứu để hỗ trợ nhau, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam cũng sẽ xây dựng chương trình hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học.
Chương trình dự kiến hướng đến việc hỗ trợ các điều kiện cần thiết để sinh viên nghiên cứu khoa học. Cụ thể là kết nối thông tin, hỗ trợ một số điều kiện để thực hiện các đề tài nghiên cứu, giới thiệu các đơn vị tiếp nhận và sử dụng kết quả nghiên cứu của sinh viên, một số điều kiện để sinh viên có thể tham gia các hoạt động giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu khoa học với sinh viên các nước.
“Mong rằng khi chương trình được triển khai, các bạn du học sinh, với lợi thế về môi trường học tập, nghiên cứu khoa học tiên tiến, sẽ tích cực tham gia, hỗ trợ chúng tôi thực hiện hiệu quả chương trình này”, anh Phong bày tỏ.
Anh Lê Quốc Phong trực tiếp giao lưu với thanh niên, du học sinh Việt Nam ở nước ngoài - Ảnh: Ngọc Thắng
|
Nối tiếp chủ đề này, du học sinh tiếp tục đặt câu hỏi: Trong trường hợp sinh viên ở nước ngoài tiến hành các nghiên cứu khoa học tại Việt Nam, Trung ương Hội có nguồn kinh phí nào hỗ trợ, hoặc Trung ương Hội có thể giới thiệu tới các tổ chức, doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ kinh phí nghiên cứu khoa học cho sinh viên, du học sinh hay không?
Anh Lê Quốc Phong cho rằng điều này tùy thuộc vào đề tài cụ thể mà các bạn du học sinh triển khai tại Việt Nam. Trung ương Hội sẽ cố gắng kết nối với các cơ quan chức năng có liên quan, kể cả các doanh nghiệp, để tìm kiếm những hỗ trợ đối với các nghiên cứu.
“Nếu có những đề tài nghiên cứu cụ thể, các bạn cứ liên hệ với chúng tôi để cùng nhau trao đổi và tìm hướng hỗ trợ”, anh Phong đề nghị.
Dạy tiếng Việt cho con em Việt kiều
Gửi câu hỏi giao lưu từ Đức, anh Ngọc, chị Lan Việt kiều đang làm ăn tại Berlin cho rằng người trẻ gốc Việt thế hệ thứ 2, thứ 3 có quốc tịch tại nước sở tại (nhưng vẫn là người Việt Nam) đang sinh sống và học tập tại Đức nói riêng và trên toàn thế giới nói chung đang tăng lên nhanh. Vậy Hội sinh viên Việt Nam, các ban ngành liên quan trong nước có chương trình cụ thể nào để truyền thông đến đối tượng này không, cụ thể là gì, liệu có chương trình giáo dục về ngôn ngữ, văn hóa, kỹ năng sống nào không để chúng tôi tham khảo và bảo ban các cháu hướng về đất nước.
Giải đáp câu hỏi này, ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục - Đào tạo khẳng định người Việt Nam ở nước ngoài nói chung, thế hệ trẻ gốc Việt nói riêng là bộ phận quan trọng trong việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với các nước sở tại, đồng thời đóng góp vào việc xây dựng mối đoàn kết giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.
Việc cung cấp thông tin, hỗ trợ các điều kiện để thế hệ trẻ này tiếp tục sử dụng thông thạo ngôn ngữ tiếng Việt, giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc là một trong nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước.
Ông Bùi Văn Linh giải đáp thắc mắc của du học sinh - Ảnh: Ngọc Thắng
|
Ông Bùi Văn Linh khẳng định các bộ ngành Trung ương, trong đó có Bộ Giáo dục - Đào tạo rất quan tâm đến việc cung cấp các thông tin kịp thời về tình hình phát triển kinh tế xã hội, thành tựu giáo dục... cho các bạn trẻ hiện đang sinh sống, lập nghiệp tại nước ngoài.
Cụ thể, trong thời gian qua, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Ngoại giao, Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài đã phối hợp triển khai giai đoạn 1 chương trình dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài.
Hiện nay, Bộ Giáo dục - Đào tạo tiếp tục được Chính phủ giao nhiệm vụ chuẩn bị cho việc triển khai giai đoạn tiếp theo, đó là biên soạn bộ tài liệu, chương trình dạy tiếng Việt cho bà con Việt kiều, nhất là cho thế hệ trẻ. Trong đó, ngoài việc dạy tiếng Việt, giáo trình còn đề cập nhiều vấn đề về văn hóa, ngôn ngữ, các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Ngoài ra, bà con Việt kiều có thể cập nhật, tham khảo nội dung các hoạt động giáo dục, kỹ năng sống trải nghiệm sáng tạo mà ngành giáo dục đang triển khai trong các cơ sở giáo dục ở Việt Nam để chủ động hướng dẫn cho con em mình.
Ông Bùi Văn Linh bày tỏ hi vọng thế hệ trẻ gốc Việt ở các nước trên thế giới không chỉ tiếp thu các giá trị văn hóa, sự tiến bộ và văn minh của nước sở tại mà vẫn duy trì được khả năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt, tham gia vào việc xây dựng nền
văn hóa Việt Nam để bồi đắp tinh thần yêu nước và luôn hướng về quê hương Việt Nam thân yêu.
Nhiều chính sách thu hút nhân tài
Cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với cộng đồng du học sinh mong muốn trở về xây dựng quê hương, đất nước cũng là vấn đề được đặt ra trong chương trình giao lưu. Nguyễn Hoàng Duy, sinh viên Đại học Sydney, bang New South Wales (Úc) đề nghị các khách mời cập nhật thông tin trong các chính sách này.
Theo ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội vụ giải đáp: Tại Nghị định 24/2010/NĐ-CP ngày 15.03.2010 hướng dẫn việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, Chính phủ đã có một số quy định về ưu tiên trong tuyển dụng đối với sinh viên tốt nghiệp đại học ở nước ngoài.
Cụ thể tại Khoản b Điểm 1 Điều 9 quy đinh: “Người có bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học ở nước ngoài hoặc tốt nghiệp đại học, sau đại học tại cơ sở đào tạo bằng tiếng nước ngoài ở Việt Nam” được miễn thi môn ngoại ngữ trong kỳ thi tuyển công chức.
Ông Vũ Đăng Ninh cho biết có nhiều chính sách khuyến khích thu hút du học sinh về nước làm việc - Ảnh: Ngọc Thắng
|
Còn tại Khoản b điểm 1 Điều 19 quy định: “Người tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài” được người đứng đầu cơ quan quản lý công chức được xem xét, tiếp nhận không qua thi tuyển.
Gần đây nhất, ngày 24.1.2014, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 86 về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Mục tiêu này là thu hút những người có triển vọng để đào tạo, bồi dưỡng để trở thành nhân tài của đất nước, những chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực. Trong đó, có quy định nhiều chính sách ưu tiên thu hút sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, người tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ đang học tập tại nước ngoài về nước công tác.
Theo đó, những người đang học tập, công tác ở nước ngoài có nhiều cơ hội được trở về nước đóng góp sức lực, trí tuệ để phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc, nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. Còn hiện tại, Bộ Nội vụ đang khẩn trương xây dưng nghị định về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ trình Chính phủ xem xét, ban hành để tổ chức thực hiện Kết luận 86 của Bộ Chính trị.
Gỡ khó kết nạp Đảng ở nước ngoài
Liên quan đến thủ tục và quy trình kết nạp Đảng trong đối tượng sinh viên du học các chuyên ngành quân sự, đại diện Chi đoàn Đại học Trung Y Dược Thượng Hải (Trung Quốc) chia sẻ dù đã nỗ lực học tập rèn luyện nhưng việc được kết nạp vào Đảng là rất khó khăn do chỉ tiêu ít, trong khi việc kết nạp Đảng đối với học viên quân sự là rất quan trọng. Có cách nào xem xét, tạo điều kiện cho học viên quân sự ở nước ngoài được kết nạp Đảng hay không.
Theo ông Phạm Văn Mích, Phó trưởng Ban Công tác quần chúng, Đảng ủy ngoài nước, việc xem xét quần chúng ưu tú có đủ điều kiện, tiêu chuẩn để kết nạp Đảng phải tuân thủ theo nguyên tắc, quy trình quy định của Đảng nhằm nâng cao chất lượng đảng viên.
Sinh viên Việt Nam ở nước ngoài sau một năm phấn đấu mới được xem xét vào đối tượng cảm tình Đảng. Sau một năm nữa là cảm tình Đảng, nếu đạt đủ điều kiện và tiêu chuẩn mới được xét và tiến hành các thủ tục theo quy trình
kết nạp đảng viên mới. Như vậy thường phải sau năm học thứ 2, thứ 3 mới có thể kết nạp một quần chúng ưu tú vào Đảng.
Ông Phạm Văn Mích cho biết thủ tục kết nạp Đảng cho du học sinh quân sự sẽ có
thay đổi thuận lợi hơn - Ảnh: Ngọc Thắng
|
Ông Mích cũng chia sẻ do khoảng cách về địa lý nên việc tiến hành các thủ tục xét kết nạp Đảng cho các sinh viên ở nước ngoài gặp nhiều khó khăn hơn ở trong nước và khẳng định: đối với du học sinh quân sự hiện nay, Đảng ủy ngoài nước và Bộ Quốc phòng rất quan tâm việc rèn luyện, bồi dưỡng kết nạp Đảng và đang tích cực có những giải pháp tháo gỡ những khó khăn như nêu ở trên.
Theo đó, việc xét chọn sinh viên du học sinh quân sự ra nước ngoài sẽ chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn, nâng cao chất lượng hơn, có đủ điều kiện để bồi dưỡng, rèn luyện trở thành đảng viên. Nhưng một số thủ tục, hồ sơ xét kết nạp Đảng sẽ được chuẩn bị trước khi sinh viên quân sự ra nước ngoài học tập… Như vậy, những năm tới, việc kết nạp sinh viên quân sự vào Đảng sẽ thuận lợi hơn.
Bình luận (0)