Sinh viên 'ăn bẩn' tại nhà ăn ký túc xá, ai chịu trách nhiệm?

16/06/2016 13:34 GMT+7

Câu hỏi ai sẽ phải chịu trách nhiệm khi sinh viên đã và đang phải sử dụng thực phẩm bẩn lại nổi lên sau sự kiện phát hiện dòi trong thực phẩm mua tại nhà ăn thuộc KTX ĐHQG TP.HCM hôm 14.6.

Sau vụ việc phát hiện có dòi trong thực phẩm tại nhà ăn khu B, Ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM (KTX ĐHQG TP.HCM), ngay trong ngày 14.6, Ban quản lý KTX được cho là đã có những phản ứng rất kịp thời, bao gồm trực tiếp xuống hiện trường kiểm tra, lấy mẫu giám định và đình chỉ hoạt động nhà ăn.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, tình trạng thực phẩm bẩn đã tồn tại từ rất lâu ở khu vực Làng Đại học (phường Linh Trung, Thủ Đức) nói chung và KTX ĐHQG nói riêng. Trước đây, sinh viên thường “nhắm mắt cho qua”, chấp nhận “sống chung với lũ”. Nhưng, sau khi sự việc ngày 14.6 bùng nổ trên mạng xã hội, các bạn cho rằng không thể giữ im lặng lâu hơn được nữa.
Bác sĩ Tô Thị Thoa, Trưởng khoa An toàn thực phẩm, Trung tâm y tế TX.Dĩ An (Bình Dương), cho biết: “Từ đầu năm đến nay, chúng tôi chỉ đi kiểm tra liên ngành được một ngày. Còn việc đi kiểm tra các quán ăn thì... chưa lên kế hoạch, chỉ kiểm tra một, hai quán thôi”.
Bà Thoa thông tin thêm: “Năm ngoái kiểm tra thì các quán lớn lấy thực phẩm có nguồn gốc, có giấy kiểm dịch, có thể an tâm. Nhưng là mấy quán lớn thôi, chứ còn mấy quán nhỏ thì chưa đảm bảo cho lắm”.
Bà Thoa cũng thừa nhận: “Chưa kiểm tra các căn tin ở trường học, KTX”.
Thanh Nam
Theo ghi nhận, nhiều sinh viên đặt ra thắc mắc rằng tại sao không kiểm soát, phát hiện thực phẩm kém chất lượng, vệ sinh từ trước khi chúng được đem vào sử dụng mà phải để chuyện “đã rồi” thì mới bắt đầu vào cuộc? Trách nhiệm trong vấn đề này sẽ thuộc về ai?
B.Q., sinh viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, đưa ra ý kiến: “Theo mình, trách nhiệm trước hết thuộc về nhà ăn B3 vì đã để cho sự việc khá ghê gớm ấy xảy ra. Tiếp đó là trách nhiệm của Ban quản lý KTX”.
Cụ thể, Q. cho rằng về phía Ban quản lý, nhân viên chuyên giám sát an toàn thực phẩm cho tòa nhà B3 nói riêng và cả khu KTX ĐHQG nói chung đã không làm hết trách nhiệm.
Tương tự với quan điểm của Q., D.B., sinh viên ĐH Bách khoa, nhận định: “Chắc chắn trong vụ việc này, KTX phải nhận phần trách nhiệm lớn về mình".

[CLIP] Dòi bò lúc nhúc trong thức ăn của sinh viên ở KTX ĐHQG TP.HCM - Nguồn: sinh viên cung cấp
KTX ĐHQG TP.HCM được chia ra thành 2 khu A, B, với sức chứa khoảng 50.000 sinh viên. Do số lượng đông như vậy nên hàng, quán phục vụ nhu cầu ăn uống trong và ngoài KTX tồn tại rất nhiều, thực đơn gồm các mức giá tương đối rẻ, dao động từ 8.000 đến 15.000 đồng cho một phần com, phở, bánh giò, bún... thông thường.
Với số tiền bỏ ra như thế, D.B. cho rằng việc sử dụng thực phẩm kém chất lượng là điều không thể tránh khỏi. Bạn lấy ví dụ: “Một tô bún có nhiều thứ như thịt, bún, chả, rau… cộng thêm chi phí khác và tiền công nữa mà chỉ có 15.000 đồng. Vậy thì những thực phẩm gốc người ta dùng chắc hẳn còn rẻ hơn nữa”.
T.G., sinh viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, nhận định: “Cũng không thể hoàn toàn đổ lỗi cho KTX. Nếu đã muốn dùng thực phẩm bẩn, các hàng quán có rất nhiều cách để qua mặt Ban quản lý. Giải quyết vấn đề thực phẩm bẩn là chuyện lâu dài và liên quan đến nhiều đơn vị”.
Dòi bò lúc nhúc trong phần cơm được sinh viên mua tại nhà ăn B3, KTX ĐHQG hôm 14.6 - Ảnh chụp màn hình Facebook
Khi được hỏi về đầu vào của nguồn thực phẩm cung cấp cho các nhà ăn ở KTX, cũng như cách bảo quản thực phẩm, ông An cho biết: “Mua ở chợ nào, mua ở đâu, cách bảo quản như thế nào... thì không thể trả lời cụ thể được nhưng chúng tôi có giấy tờ đầy đủ cả”.
Tuy nhiên, ông An cho hay sau sự việc này, KTX sẽ rút kinh nghiệm, kiểm tra sâu sát hơn, làm tốt hơn, tỉ mỉ và cẩn trọng hơn trong từng khâu. “Tại đây có 10 nhà ăn phục vụ 21.000 con người nên không thể thờ ơ nữa. Chúng tôi đã có quy trình hẳn hoi và đang xây dựng lại nó một cách trách nhiệm hơn, lương tâm hơn”, ông An nói.
Thanh Nam
Nếu chú ý, có thể thấy Làng ĐHQG TP.HCM nằm gần ngã ba TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai, “tam giác đen” về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì thế, muốn dẹp bỏ triệt để thực phẩm bẩn cho sinh viên, cần có sự ra tay đồng bộ trên cả khu vực, thậm chí toàn quốc.
T.H., sinh viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, cho rằng, cần có biện pháp thật mạnh tay từ cơ quan chức năng trong việc xử lý những trường hợp vi phạm.
“Mình nghĩ chuyện này cũng giống như vấn đề đội mũ bảo hiểm nhiều năm trước đây. Lúc đầu, người dân chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc đội mũ đến tính mạng của mình nên còn thờ ơ. Khi nhận thức được đội mũ có lợi, trước hết cho bản thân, họ sẽ thực hiện. Vấn đề an toàn thực phẩm cũng vậy, rồi sẽ đến lúc họ nhận thức được ảnh hưởng to lớn của thực phẩm bẩn với sức khỏe con người”, T.H. bổ sung.
Phải thừa nhận rằng vẫn còn rất nhiều chông gai nếu chúng ta muốn giải quyết triệt để vấn đề thực phẩm bẩn. Tuy nhiên, trước mắt, Ban quản lý KTX cần quy định chặt chẽ, kiểm tra gắt gao hơn đối với các hàng quán, nhà ăn dành cho sinh viên để họ, những “chủ nhân tương lai của đất nước” không còn bị ám ảnh vì những sự kiện tương tự như vụ “nhà ăn B3”.

[CLIP] Đóng cửa nhà ăn KTX ĐHQG TP.HCM bán phần cơm có dòi bò lúc nhúc -
Nguồn: Trung tâm quản lý KTX ĐHQG TP.HCM
Trả lời Thanh Niên vào sáng 15.6, ông Trần Thanh An, Giám đốc Trung tâm quản lý KTX ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết: “Chúng tôi kiểm tra an toàn thực phẩm hằng ngày với đầy đủ quy trình, từ nguồn gốc thức ăn, bếp nấu nướng, lưu mẫu...”.
Chúng tôi đặt vấn đề đã kiểm tra đầy đủ quy trình, kỹ lưỡng, vậy tại sao lại có chuyện không thể phát hiện dòi trong thức ăn như SV phản ánh. Ông An giải thích: “Đây là tắc trách của một nhà ăn nên dẫn đến sự việc này. Ngay sau khi sự việc xảy ra, chúng tôi lập tức đi kiểm tra. Chúng tôi đã lôi cả mâm cơm ra nhưng không có. Từ mùi vị, màu sắc... đều bình thường. Chỉ có con cá SV đưa xuống là có dòi bò. Khi đã được 'nói có sách, mách có chứng' như vậy, chúng tôi thừa nhận. Trách nhiệm thuộc về chúng tôi, về nhà ăn, đó là điều không thể chối cãi được”.
Thanh Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.