Sinh viên đổ xô vay vốn

20/11/2008 23:17 GMT+7

Trước thông tin sẽ tăng học phí ở bậc ĐH, CĐ từ cuối năm 2008 cộng với việc hàng loạt các trường ngoài công lập ồ ạt tăng học phí, sinh viên đã đổ xô đi làm đơn xin vay vốn ưu đãi. * Nhiêu khê thủ tục

“Để tránh bị động”

Theo Chỉ thị về giáo dục ĐH năm học 2008-2009, Bộ GD-ĐT đã khẳng định sẽ áp dụng đề án học phí mới bắt đầu từ cuối năm nay. Trước thông tin này, nhiều sinh viên - học sinh (SV-HS) lập tức làm các thủ tục xin vay vốn để đến khi học phí tăng sẽ không quá bị động.  

Tại trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, chúng tôi bắt gặp khá nhiều SV đang đi xin giấy chứng nhận để làm thủ tục vay vốn tín dụng HS-SV. Tạ Thị Loan, khoa Tài chính - Ngân hàng (K.12) cho biết, trước việc học phí sẽ tăng, Loan quyết định vay vốn ưu đãi của ngân hàng để trang trải việc học. “Với mức 1 triệu đồng/tháng em đã phải tiết kiệm hết mức: không ăn vặt, hạn chế mua sắm, chấp nhận thuê nhà trọ rẻ tiền và ở chung cùng nhiều người chật chội, nhưng vẫn không đủ cho những nhu cầu tối thiểu”, Loan tâm sự. 

Còn M.L.A (K21), trường ĐH dân lập Thăng Long thì lo lắng: “Làm thủ tục nhập học em mới biết năm nay trường tăng học phí tới 10 triệu đồng/năm (mức tăng 40%). Với những người ở tỉnh lẻ như em, học phí, cộng với tiền nhà trọ, ăn uống... tất tật mọi thứ đều tăng như hiện nay thì em cũng không dám chắc gia đình em có đủ tiền để cho em học hết 4-5 năm ĐH không. Nhưng trước mắt, em cứ xin vay vốn để có tiền trang trải thời gian đầu, rồi sau đó sẽ xin đi làm thêm”...

Mức cho vay quá ít

Ông Trần Quốc Bình, Phó trưởng phòng Công tác chính trị - SV, trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội thông tin: Từ đầu năm học đến nay, đã có khoảng hơn 80% SV của trường làm đơn xin xác nhận để vay vốn. Con số này đã tăng gấp đôi so với năm ngoái. Tương tự, ông Ngô Trí Tuệ - Trưởng phòng Công tác HS-SV (trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội) cho hay: Từ đầu năm học đến nay, số SV-HS vay vốn tăng khoảng gấp rưỡi so với năm học vừa qua. 

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Văn Toàn, Phó hiệu trưởng trường ĐH dân lập Công nghệ và Kinh doanh Hà Nội nói, trường có hơn 50% SV là con em ở vùng nông thôn đang theo học và đến thời điểm này cũng có một tỷ lệ tương đương làm đơn xin nhà trường xác nhận để vay vốn tín dụng. “Cũng có những trường hợp gia đình có hoàn cảnh khó khăn mà dù có vay mức vốn tối đa theo quy định hiện nay cũng không thể đủ để tiếp tục theo học, nên đã mang giấy báo nhập học đến xin nhà trường đổi lại thành giấy chứng nhận đỗ vào trường để về quê học trung cấp, cao đẳng” - ông Toàn nói.

Đại diện Ngân hàng Chính sách - Xã hội cho PV Thanh Niên biết: Rất nhiều ý kiến của SV cũng như phụ huynh đều cho rằng mức cho vay tối đa là 800.000 đồng/SV/tháng trong bối cảnh mọi thứ đều tăng như hiện nay đã trở nên lạc hậu. Không ít SV dù được vay ở mức cao nhất nhưng vẫn rơi vào cảnh “giật gấu vá vai”, chính vì vậy Nhà nước cần quy định lại mức cho vay phù hợp với tình hình thực tế, tránh tình trạng SV vừa học vừa canh cánh nỗi lo phải bỏ học vì không đủ tiền đóng học phí. T.N

Nhiêu khê thủ tục

 

Nhiều SV nghèo ở Phú Yên vẫn chưa được vay vốn học tập - Ảnh: Xuân Huy

Mặc dù năm học 2008 – 2009 đã qua được vài tháng, nhưng đến nay nhiều SV-HS ở Phú Yên vẫn chưa vay được vốn, dù đã có giấy xác nhận của nhà trường. Trong khi đó, còn khoảng 70 tỉ đồng đang chờ giải ngân! Lê Văn Vinh (trường CĐ Công nghiệp Tuy Hòa) cho biết: “Khi hay tin có chính sách cho SV-HS nghèo vay vốn, em nhanh chóng làm đơn xin xác nhận của trường rồi đem về cho gia đình đi đến xã để xác nhận, chờ cơ quan LĐ-TB-XH ký rồi nộp cho Hội Phụ nữ xã. Theo lời người nhận đơn, chỉ cần chờ vài ngày sẽ được giải ngân ngay nhưng giờ đã hơn 2 tháng trôi qua vẫn không có tin tức gì”. Còn Đinh Văn Khánh, hiện đang theo học trường ĐH Ngoại thương TP.HCM, con gia đình chính sách, thuộc diện khó khăn ở thôn Phú Khê, xã Hòa Xuân Đông, huyện Đông Hòa dù nhiều lần xã gọi về để bổ sung thủ tục vay vốn nhưng đến nay vẫn vay chưa được!

Ông Đào Tấn Nguyên, Giám đốc Ngân hàng Chính sách - xã hội Chi nhánh tỉnh Phú Yên cho biết: Các địa phương xét duyệt các đối tượng vay vốn hơi khắt khe. Chúng tôi đã làm văn bản đề nghị các xã, phường, thị trấn cùng cấp đẩy nhanh tiến độ bình xét và ký giấy xác nhận đủ điều kiện vay vốn, không để một HS-SV nào phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí.

Nhiều hộ nghèo ở Phú Yên có con em nhập học không thể đợi đến ngày được giải ngân đã phải ra ngoài vay với lãi suất cao; hy vọng một khi được giải ngân, sẽ lấy số tiền đó bù vào khoản tiền vay nóng. Bà Đỗ Văn Nhĩ (thôn Đông Lộc, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa), phụ huynh của em Đỗ Thị Duyên (SV trường CĐ Nghề Phú Yên) cho biết: “Ở chỗ tôi, con em muốn vay phải đăng ký tại các tổ vay vốn. Do chờ đợi quá lâu nên tôi phải vay ở quỹ tín dụng xã với lãi suất 1,5%/tháng để có tiền cho con đi học”.

Theo phản ánh của nhiều gia đình có con em đang theo học tại các trường ĐH, CĐ,TCCN dù đã có giấy xác nhận của trường, nhưng họ chưa tiếp cận được nguồn vốn vay của ngân hàng vì chính quyền địa phương quá khắt khe trong việc ký xác nhận đủ điều kiện vay vốn. Nhiều địa phương ở Phú Yên chỉ ký giấy xác nhận cho những HS-SV là con em của những gia đình thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo theo danh sách do Sở LĐ-TB-XH tỉnh cung cấp. Những trường hợp không thuộc diện này thì không thể ký được giấy xác nhận đủ điều kiện vay vốn.

Mức vay dành cho mỗi SV cũng khác nhau. Có địa phương cho vay 4 triệu đồng/trường hợp/học kỳ, có nơi thì 3,5 triệu đồng, có nơi chỉ 3 triệu đồng! Trong học kỳ 1 năm 2008 – 2009, nguồn vốn dành riêng cho HS-SV trên địa bàn Phú Yên vay là gần 80 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chỉ mới giải ngân được trên 11,2 tỉ đồng, giải quyết cho 2.700 lượt vay; số tiền còn lại gần 70 tỉ đồng đang chờ giải ngân tiếp!

Xuân Huy

Cần Thơ: Mệt mỏi vì “lệ làng”. Giữa tháng 11, chúng tôi đã tiếp xúc với nhiều SV miền Tây đang theo học tại các trường ĐH Cần Thơ, ĐH Y Dược Cần Thơ về việc vay vốn học tập. Bạn H.T quê Duyên Hải (Trà Vinh) cho biết, cha mẹ em phải vượt hơn 20 cây số mới đến được Chi nhánh Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện. Hôm đó, giám đốc chi nhánh đi vắng nên cán bộ dưới quyền không thể duyệt cho gia đình H.T mà hẹn 2 ngày sau quay lại. Ra vô nhiều lần, cha mẹ H.T mới nhận được tiền vay cho con.

Các bạn T.T (Bình Thủy, Cần Thơ), T.N (Tịnh Biên, An Giang) khi trao đổi với chúng tôi cũng đều cho rằng hồ sơ xác nhận vay dù được chính quyền địa phương ủng hộ nhưng cái khó lại đến từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách - Xã hội. Cán bộ phụ trách tín dụng bảo “giải quyết đơn lẻ mất thời gian lắm, đợi đông đủ làm một lần cho xong”.

Một SV (quê ở xã Hựu Thành, Trà Ôn, Vĩnh Long) đã thổ lộ rằng hồ sơ xin vay của bạn khi về địa phương xác nhận bộ phận phụ trách tín dụng tại xã “đòi” phải có chữ ký của trưởng ấp. Phó ban nhân dân ấp thò bút vào coi như hỏng. Cái “lệ làng” lạ lùng này đã thật sự gây mệt cho gia đình SV. (Quang Minh Nhật)

Bình Định: Còn 47 tỉ đồng chờ SV vay ! Ngày 14.11, ông Nguyễn Đình Sơn, Phó giám đốc Ngân hàng Chính sách - Xã hội – Chi nhánh tỉnh Bình Định cho biết, kế hoạch cho HS – SV ở Bình Định vay vốn học tập trong năm 2008 là 170 tỉ đồng, nhưng mới giải ngân được 123 tỉ cho hơn 19.000 lượt vay, số còn lại (47 tỉ ) rất có thể sẽ không giải ngân hết trong những tháng cuối năm.

Nhu cầu vay vốn của HS - SV khá cao, nhưng thực tế có một vài đơn vị liên quan ở cấp cơ sở tham gia ký xác nhận đủ điều kiện vay vốn còn chậm. Cũng theo ông Sơn, nguồn vốn vay đã có sẵn, quy định của Chính phủ đã rõ ràng, được thông báo rộng rãi, nên các đơn vị liên quan không nên gây khó dễ đối với những trường hợp HS – SV thuộc diện được vay vốn học tập. (Đình Phú) 

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.