Sinh viên sản xuất 'gạch' chống ngập

25/12/2016 10:33 GMT+7

Công trình được Trung tâm phát triển khoa học công nghệ trẻ (Thành đoàn TP.HCM) chuyển giao cho Công ty công trình giao thông TP.HCM để tính toán, đưa vào sản xuất

Công trình “Nghiên cứu chế tạo thử nghiệm bê tông rỗng thoát nước, sử dụng cho vỉa hè và các công trình giao thông nội bộ” của nhóm sinh viên: Trần Việt Long, Lê Hùng Quốc, Đào Anh Phi, Lữ Quang Huy (Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM) đã đoạt giải nhì cuộc thi Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học -Euréka năm 2016.
Công trình được Trung tâm phát triển khoa học công nghệ trẻ (Thành đoàn TP.HCM) chuyển giao cho Công ty công trình giao thông TP.HCM để tính toán, đưa vào sản xuất đại trà nhằm áp dụng trong thực tế ở các công trình giao thông bộ hành ở TP.HCM.
Trưởng nhóm Trần Việt Long chia sẻ: “Ngập nước là một trong những vấn nạn ở TP.HCM, hệ quả của nó là làm ách tắc hệ thống giao thông nội đô, ô nhiễm môi trường và thậm chí là ảnh hưởng tới cả các tuyến giao thông trọng điểm. Nhóm mình nghiên cứu tìm ra được công thức tối ưu để sản xuất ra được loại vật liệu đáp ứng được quá trình đô thị hóa, đồng thời có thể khắc phục được tác động của tự nhiên gây ra như: triều cường, mưa bão kéo dài gây ngập lụt…”.
Theo Việt Long, bê tông rỗng là một loại vật liệu có khả năng thấm nước, thoát nước rất tốt và thân thiện với môi trường. “Khi hệ thống công trình sử dụng bằng vật liệu bê tông rỗng thì sẽ có khả năng thoát nước mặt và trữ một lượng nước rất lớn, do đó giảm được lượng nước cho hệ thống cống thoát nước hiện nay của TP.HCM. Có thể sử dụng sản phẩm trong nhiều kết cấu công trình như: xây dựng mới vỉa hè, bãi đỗ xe, sân bãi, đường nội bộ...
Đào Anh Phi, thành viên của nhóm, cho biết nguyên liệu để làm loại bê tông này khá đơn giản. Đá dăm là vật liệu chính, chiếm tỷ lệ về khối lượng nhiều nhất trong thành phần cấp phối của bê tông. Chất lượng và kích thước đá có ảnh hưởng rất lớn tới cường độ và khả năng thấm nước của bê tông. Cấu tạo của bê tông có độ rỗng lớn nên có khả năng thoát nước tốt.
Lê Hùng Quốc, thành viên của nhóm, cho biết: “Không giống với bê tông thường, lượng nước dùng cho bê tông rỗng rất ít. Do đó, cần kiểm soát lượng nước một cách chặt chẽ. Dùng đúng lượng nước sẽ làm cho hỗn hợp bê tông có được các đặc tính mong muốn, không xuất hiện hiện tượng vữa chảy tràn xuống đáy lớp hoặc bị khô đóng cục do thiếu nước”.
Cũng là thành viên của nhóm, Lữ Quang Huy mong muốn: “Với điều kiện thủy văn tại TP.HCM hiện nay, tính thêm khả năng lượng mưa có xu hướng tăng trong tương lai thì vận tốc thấm tối thiểu của bê tông rỗng phải đảm bảo đủ khả năng thoát nước với cường độ bê tông yêu cầu cho công trình vỉa hè, đường giao thông nội bộ là rất cao và đây là sản phẩm có thể đưa vào áp dụng cho các công trình để chống ngập nước”.
Đánh giá về tính khả thi của công trình này, PGS-TS Lê Văn Cảnh, Phó trưởng bộ môn kỹ thuật xây dựng, Trường ĐH Quốc tế TP.HCM, cho rằng: “Bê tông rỗng được ứng dụng phổ biến trong các công trình xây dựng và giao thông nhằm tăng khả năng thoát nước bề mặt. Đây là một trong những giải pháp chống ngập cần quan tâm hiện nay trên địa bàn TP.HCM. Nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu và thực hiện các thí nghiệm cần thiết nhằm đề xuất cấp phối bê tông rỗng phù hợp với điều kiện của thành phố. Từ kết quả nghiên cứu, nhóm đã sản xuất thử nghiệm gạch block bằng bê tông rỗng (hay còn gọi gạch con sâu) có thể phát triển ứng dụng trong việc xây dựng vỉa hè nhằm tăng cường khả năng thấm nước bề mặt vào trong đất, hoặc có thể phát triển kết hợp với các hệ thống thoát nước chống ngập hiện nay ở TP.HCM”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.