Tết mùng 5 tháng 5 trong ký ức người trẻ

18/06/2018 17:03 GMT+7

Những chén chè cùng vài chiếc bánh giò, bánh ú, xôi, rồi dùng nồi nước nấu đủ loại lá để tắm, uống… là những ký ức còn đọng lại trong người trẻ về ngày Tết Đoan Ngọ 5.5 âm lịch.

[VIDEO] Lò bánh tro tất bật dịp Tết Đoan Ngọ

Có lẽ, với những người con rời quê hương đi làm nơi thành thị, mỗi khi ngày mùng 5 tháng 5 đến, họ lại nhớ nhung về mâm cúng khi cùng gia đình họ hàng chuẩn bị tươm tất, rồi cùng quay quần ăn uống với nhau những món ăn thân thuộc của quê nhà.

Chị Dương Kim Thanh, 33 tuổi, chủ quán ăn ở Q.Thủ Đức, TP.HCM, chia sẻ kỷ niệm về Tết Đoan Ngọ khi còn ở quê: “Hồi ở quê, cứ mùng 5.5 là sáng tinh mơ phải dậy sớm đi chợ để mua loại hoa quả như dưa hấu, mít, trầu cau, rồi mua nếp về nấu xôi, chè. Phải đi thật sớm, may ra còn có đồ để mua. Vì ở quê, nhà ai cũng cúng dịp tết này. Giờ ở thành phố, thấy mùng 5 tháng 5, không nhộn nhịp như ở quê, lâu lâu mới thấy có nhà chuẩn bị đồ cúng. Trẻ em thành phố, nhiều khi cũng chẳng quan tâm đến ngày này, còn ở quê, tụi trẻ háo hức lắm! Vì cứ tết này là có bánh trái, hoa quả ăn không hết”.

Riêng Nguyễn Thanh Phương, quê Quảng Nam, sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM, thì luôn nhớ đến ngày mùng 5 ở quê với công việc đi hái lá cây rừng. “Cả đám trẻ ở làng mình rủ nhau đi hái đủ loại lá hết. Lá me, lá chó đẻ, lá thuốc cứu… Thường thì phải mất hai ba ngày để chuẩn bị “lá mùng 5” (tổng hợp nhiều loại lá rừng – NV) mới có đủ lá để cúng. Lắm lúc ham chơi không hái đủ lá, về bị mắng quá trời!”.

Phương cho biết quê Phương có tục lệ hái “lá mùng 5”, rồi băm nhỏ, canh đúng 12 giờ trưa, khi trời đứng nắng đem ra phơi, nấu thành nước để uống. “Bà nội mình khi xưa hay nói uống nước “lá mùng 5” khi phơi đúng giờ ngọ, sẽ chữa được bách bệnh”, Phương giải thích.

Bên cạnh hái “lá mùng 5”, thì quê Phương còn hái trái điều (hay còn gọi trái đào), để vắt nước và đúng 12 giờ cũng mang phơi nắng. Theo Phương nước đó có thể chữa hết đau bụng.

Những nồi chè được nấu lúc nữa đêm hay những chiếc bánh ú được làm lúc rạng sáng, cũng là ký ức ngày mùng 5 trong nhiều người. “Mỗi lần gói bánh ú là mình ám ảnh. Gói bánh cho gia đình, cho hàng xóm, có khi một mình gói cả trăm cái. Cũng tại khéo tay, gói bánh đẹp nên ai cũng nhờ hết! Bánh ú là loại bánh đặc trưng cúng mùng 5, và nhà mình thường làm chứ ít khi mua. Mỗi lần thấy mẹ chở cả xe nguyên liệu nếp, thịt heo, đậu xanh, lá chuối là thấy sợ vì biết sẽ ngồi gói đau cả lưng. Nhưng giờ đi làm xa, ngày này lại nhớ hương vị bánh ú quê”, Hồ Thanh Dung, làm tại công ty giày da ở Bình Dương cho biết.

[VIDEO] Phong tục kỳ lạ: Tắm biển giữa trưa Tết Đoan Ngọ để trị bệnh

Ký ức về biển, trong ngày mùng 5 luôn là ký ức đong đầy trong những người trẻ lớn lên gần vùng biển. Huỳnh Ngọc Vũ, 28 tuổi, quê Quảng Nam, hiện đang làm tại Đồng Nai, chia sẻ: “Ở biển quê mình, Tết Đoan Ngọ là ngày thu hút đông người đến nhất trong một năm. Gia đình mình, sau buổi trưa cúng, ăn uống xong đều rủ nhau xuống biển. Hầu như năm nào cũng như năm nào, làm mình chỉ chực chờ đến ngày đó để được xuống tắm biển, đi dạo tìm lượm vỏ ốc về nhà làm kỷ vật. Bởi nhà cách biển 15 km, nên khi nhỏ muốn đi biển không phải là chuyện dễ”. Vũ cũng cho biết, việc tắm biển ngày mùng 5 sẽ xả đi bớt xui rủi, để những điều không may mắn cuốn trôi ra biển, nên ngày đó luôn tụ hội rất đông người.

Phạm Văn Đức, cựu sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng, thì chẳng thể quên hương vị rượu nếp ngày mùng 5. “Rượu nếp là thứ không thể thiếu trong cúng ngày mùng 5 ở quê. Cái loại rượu đặc trưng mà chỉ có ở quê mới thịnh hành. Mỗi khi cúng xong, pha thêm ít sữa vào rượu, uống vừa nồng vừa ngọt. Rất dân dã, nhưng lại luôn làm tôi mê đắm. Và cũng vì mỗi mùng 5, má tôi hay nấu loại rượu nếp dùng gạo nếp cái hoa vàng lên men để nấu, rượu tỏa hương thơm lựng, làm tôi nhớ mãi”, Đức bộc bạch.

Những hương vị ngày mùng 5 trong mỗi người có thể khác nhau, nhưng chỉ cần đến ngày này, ai cũng cùng đau đáu một nỗi niềm… nhớ quê.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.