Theo bước chân tình nguyện

22/07/2016 09:35 GMT+7

Vượt nắng, thắng mưa để thực hiện những công trình mang lại lợi ích thiết thực, mở ra cơ hội giúp người dân vượt khó thoát nghèo, đó là thanh niên tình nguyện...

Xây cầu bê tông vượt lũ
Ngày 14.7 vừa qua, cầu bê tông thôn Ngoàn (xã Nguyên Phúc, H.Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn) được khánh thành và đưa vào sử dụng, với niềm hân hoan của cộng đồng các dân tộc thiểu số sinh sống tại địa phương. Khởi công đầu tháng 6, cầu bê tông thôn Ngoàn có chiều rộng 2,5 m, dài 6 m được hoàn thành sau 25 ngày thi công với mố cầu xây bằng đá kiên cố, dầm và mặt cầu đổ bê tông cốt thép giúp phương tiện cơ giới, xe thồ dễ dàng qua lại.
Chị Đỗ Thị Hiền, Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Kạn, cho biết công trình này là trí tuệ, sức sáng tạo của thanh niên tình nguyện được huy động tối đa. Trên công trường, các đội tình nguyện sát cánh cùng bà con địa phương thay phiên nhau lao động. Đặc biệt, toàn bộ bản vẽ thiết kế và thi công cầu Ngoàn do một cán bộ đang công tác tại Tỉnh đoàn Bắc Kạn có chuyên môn ngành xây dựng cầu đường thiết kế, và được hỗ trợ tư vấn miễn phí từ các cơ quan chuyên môn.
Ông Đinh Xuân Bằng, Bí thư Đảng ủy xã Nguyên Phúc (H.Bạch Thông), thông tin thêm thôn Ngoàn có 50 hộ dân. Trong đó, 20 hộ có đất canh tác và công trình nhà văn hóa thôn cũng nằm bên kia suối Ngoàn. Mùa mưa lũ, người dân phải bắc cầu tre nứa vượt suối. Nhưng khi lũ về, cầu tạm bị nước phá hủy, cuốn trôi. Nước rút chậm, đường giao thông về thôn, lối qua lại nhà văn hóa thôn Ngoàn bị ngăn cách, toàn bộ nông sản không cách nào chuyển xuống chợ tiêu thụ.
“Nhưng từ bây giờ trở đi, đồng bào ở thôn Ngoàn đã có cây cầu mới, kiên cố và chắc chắn sẽ không còn lo nước lũ cô lập như trước nữa. Mùa mưa lũ, xe máy, xe thồ yên tâm qua lại”, ông Bằng nói.
“Giải cứu” mương
Ở xã miền núi Ngọc Minh (H.Vị Xuyên, Hà Giang), mỗi nương ruộng nằm giữa núi đồi được ví như “đất vàng”. Nhưng khoảng vài năm trở lại đây, 15 ha đất nông nghiệp ở các thôn Pạu 1 và Pạu 2 liên tục gặp khó khăn trong canh tác khi con mương chính dẫn nước về các cánh đồng thường xuyên bị mưa lũ gây sạt lở, đất đá vùi lấp, làm tắc nghẽn dòng chảy.
Nhiều lần xuống đồng khảo sát, anh Chẩu Văn Huyền ngao ngán nhìn lượng đất đá sạt lở quá nhiều, muốn khơi thông phải cần nhiều nhân lực làm dài ngày. Không đành ngồi nhìn nương ruộng màu mỡ chịu cảnh khô khát, anh Huyền vận động thanh niên địa phương tình nguyện góp ngày công “giải cứu” con mương thủy lợi này.

tin liên quan

Ra quân chiến dịch Hành quân xanh năm 2016
Ngày 26.6, Thành đoàn TP.HCM tổ chức lễ ra quân chiến dịch tình nguyện Hành quân xanh năm 2016 và thực hiện hoạt động cao điểm 'Chiến sĩ tình nguyện Hành quân xanh chung tay xây dựng thành phố xanh - sạch - đẹp'.
Trong ngày ra quân, ngoài thanh niên địa phương, công trình nạo vét mương thủy lợi xã Ngọc Minh có thêm sự chi viện, giúp sức của nhiều đội tình nguyện ở các xã lân cận do Huyện đoàn Vị Xuyên điều động đến hỗ trợ.
Chị Hoàng Thanh Huyền, Bí thư Huyện đoàn Vị Xuyên, cho rằng mương thủy lợi được nạo vét khơi thông, người dân xã Ngọc Minh được hưởng lợi trực tiếp khi không còn lo ruộng đồng thiếu nước. Càng ý nghĩa hơn khi công trình này được thanh niên địa phương trực tiếp tham gia đóng góp ngày công lao động, và tổ chức Đoàn đã chọn đúng phần việc cụ thể đáp ứng mong đợi của người dân.
“Đây cũng là bài học chúng tôi luôn quán triệt Đoàn thanh niên các xã khi triển khai phong trào tình nguyện, khuyến khích lựa chọn công trình, phần việc tại địa bàn dân cư. Nếu chỉ tiếp nhận đội tình nguyện từ nơi khác đến hỗ trợ, khi họ rời đi, các công trình, phần việc khó có hiệu quả bền vững. Thanh niên địa phương dễ có tâm lý trông chờ, ỷ lại. Họ là người sinh ra và lớn lên ở đó thì phải có trách nhiệm đóng góp trí tuệ, công sức vào mỗi công trình, phần việc tình nguyện, để góp sức xây dựng quê hương”, chị Huyền chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.