Thực hư clip tố xoài giả Trung Quốc, hột bằng cao su

01/08/2016 20:10 GMT+7

'Tôi không biết trái xoài mà anh T.N sử dụng tố xoài giả có nguồn gốc từ đâu nhưng tôi khẳng định dù có là của Trung Quốc cũng không phải xoài giả. Làmquả xoài giả chắc chắn tốn kém hơn trồng một cây xoài thật'

Tối 31.7, thành viên có nickname Facebook D.T.N đã đăng tải lên trang cá nhân đoạn clip do anh thực hiện, với mục đích cảnh tỉnh người tiêu dùng trong việc mua và ăn loại xoài đang được bày bán khắp các chợ thời gian qua - xoài Mút. Đây là loại xoài nhỏ, có vị ngọt thanh và hạt lép, khi ăn người ta hay cầm nguyên cả trái lên để mút, nên có tên gọi như vậy.

Mở đầu clip, T.N khẳng định chắc nịch rằng loại xoài có hình dáng nhỏ bé, đang được người Việt mua nhiều này có xuất xứ từ Trung Quốc. Anh có những nhận định thiếu cơ sở, gây hoang mang dư luận như: “Mọi người nhìn thì tưởng là xoài Thái. Nhưng thật ra đây không phải là quả xoài, đây là xoài do Trung Quốc làm ra. Nếu mọi người không biết mà ăn phải thì sẽ khó lòng phát hiện được”.
Loại xoài mà T.N mang ra thử nghiệm là xoài nhỏ, có vị ngọt thanh và hạt lép. Người dân hay gọi là xoài Mút Ảnh chụp từ clip

Tiếp đến T.N bổ đôi hột xoài và phán: “Đây không phải là hột xoài. Khi cắt ra, bên trong, chúng ta thấy không có hột, thay vào đó là một lớp ni lông, tức là quả xoài này đã bị làm giả. Đây là xoài nhân tạo. Còn thịt xoài hoàn toàn được làm bằng tinh dầu, hóa chất để tạo vị”.

Khép lại clip, người đàn ông trên nhắn nhủ: “Tôi đăng lên đây để mọi người tránh mua loại xoài này. Họ làm rất là tinh vi, đúng mùa này người ta mới làm, để cho mọi người nghĩ rằng đến mùa này mới có loại xoài này. Thú thật, ăn mấy cái này nguy hiểm vô cùng”.

tin liên quan

Nữ DJ Việt khỏa thân tắm tiền có phạm luật?
'Pháp luật chỉ nghiêm cấm hành vi hủy hoại tiền Việt Nam bằng bất kỳ hình thức nào. Song, Su Tây nói rằng cô đem tiền đi tắm sau đó phơi khô xếp lại, nghĩa là cô ấy chưa có hành vi phá hủy', luật sư phân tích.

Clip thu hút sự quan tâm lớn của người xem, chỉ sau gần nửa ngày, đoạn video tố xoài giả trên đã hút hơn 2,2 triệu lượt xem, một con số khủng. Với tâm lý lo sợ dùng phải thực phẩm giả, bẩn, kém chất lượng... nhiều dân mạng vội vã tuyên bố “cạch mặt” loại xoài trên sau khi xem clip của anh T.N, dù chưa biết thực hư ra sao.

T.N cho rằng lớp màng mỏng bên trong hột xoài làm từ cao su, nhựa Ảnh chụp từ clip

Tuy nhiên, khá đông người tự nhận là dân miền Tây, có hiểu biết đa dạng về xoài, nhận định rằng lớp màng mỏng xuất hiện bên trong hột xoài là điều bình thường. Nó là lớp màng bao của vỏ hột. Để kiểm chứng đó có phải là cao su hoặc ni lông hay không, người ăn có thể thử bằng cách bóc lớp màng ra và để ngoài không khí một lúc, nó sẽ tự khô cong lại (cao su hay nhựa không như vậy).

Đông đảo cư dân mạng sau khi ngộ ra điều này đã đòi T.N tháo gỡ clip bịa đặt xoài giả, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng tới đời sống người nông dân trồng xoài. Song chủ nhân video vẫn làm lơ.

Chiều ngày 1.8, chị Phan Thục Thảo (sinh năm 1983, quê Bình Định) quyết định làm một video phản pháo lại luận điệu của anh T.N. Qua clip ngắn của mình, chị Thảo chứng minh cho người xem thấy quả xoài mút nào đang bán trên thị trường cũng có lớp màng mỏng ở hột xoài và đó là dấu hiệu của xoài thật, chứ không phải giả như anh T.N kết luận.


[CLIP] Phan Thục Thảo mổ xoài chứng minh lớp màng mỏng xất hện trong hột xoài là hiện tượng bình thường - Nguồn: Phan Thục Thảo

Chị Thảo trao đổi với Thanh Niên: “Từ lúc tôi còn nằm trong bụng mẹ, ông bà, cha mẹ tôi đã khai hoang lập nghiệp bằng nghề trồng xoài ở Bình Định. Từ bé, tôi đã thấy người dân quê mình đã trồng xoài mút, nhưng nó không cho lợi ích cao về kinh tế vì người Việt mình đa phần chuộng xoài Cát, Thanh Ca hơn. Thời gian gần đây bỗng dưng họ lại thích ăn xoài này nên đa phần người trẻ không biết, nghĩ rằng xoài có gốc gác Thái hay Trung Quốc”.

“Tôi không biết trái xoài mà anh T.N sử dụng trong clip tố xoài giả có nguồn gốc từ đâu nhưng tôi khẳng định rằng dù nó có thật là của Trung Quốc trồng đi nữa, cũng không phải xoài giả. Để làm một quả xoài giả như vậy chắc chắn tốn kém hơn trồng một cây xoài thật. Nếu làm từ một khuôn, làm sao mà cả ngàn trái xoài đều có màu sắc, hình dáng, vân này nọ khác nhau. Khi bạn nghe một điều gì đó, làm ơn kiểm chứng và dùng sự hiểu biết của mình để đưa ra kết luận”, chị Thảo bức xúc.

Dân mạng gây sức ép buộc anh T.N tháo bỏ clip tố xoài giả sai sự thật Ảnh chụp màn hình

Không thể làm ngơ, Thu Thảo chạy vội ra đầu ngõ nhà mình mua ngay mấy trái xoài cùng loại về quay clip phản pháo. Người bán xoài thấy chị mừng rơn. Bà ấy tâm sự chẳng hiểu sao mình bị ế hàng và xoài thì chín rũ cả giỏ.

“Giờ người ta sống mất niềm tin về nhiều thứ, từ vụ cam, bưởi ngâm hóa chất giờ đến vụ xoài này nữa. Mình đăng tin sai lệch gây hoang mang như thế, các trang trại điêu đứng, ai cứu họ? Chả có ai cả. Mười clip đính chính không bằng một clip đả phá”, chị thở dài nói.

Chiều ngày 1.8, dưới áp lực của cư dân mạng, người dùng Facebook T.N đã tháo bỏ đoạn clip tố xoài giả Trung Quốc, hột cao su gây chấn động mạng. Hiện tại, anh chưa đưa ra lời giải thích nào cho việc làm này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.