Rời quán cà phê là lên giảng đường
Có mặt tại một quán cà phê mở 24 giờ trên đường Lê Đại Hành, Q.11, TP.HCM tầm giữa khuya, chúng tôi ngỡ ngàng trước không gian đông đúc nhưng lại khá yên tĩnh. Ai cũng chăm chú vào quyển sách trước mặt. Hỏi ra mới biết họ là sinh viên (SV) các ngành y, dược đang ôn thi.
“Không phải quán cà phê 24 giờ nào cũng là địa điểm thích hợp để học đêm. SV tụi mình thường chọn những địa điểm quen thuộc và gần trường học vì phần lớn khách là SV đến học bài ôn thi, nên không gian yên tĩnh và hứng khởi cho việc học”, Lê Thị Kiều Nhi, SV năm thứ 2 Trường ĐH Y Dược TP.HCM, chia sẻ.
Không gian các quán cà phê này đều thiết kế vừa có ghế cao để ngồi, vừa có ghế dài và nằm bệt dưới đất để tiện cho việc ngả lưng nghỉ nếu mệt. Chính vì thế, nhiều SV hằng đêm lại “di cư” đến đây với túi xách đùm đề, nào là sách vở, dụng cụ phục vụ việc học, và cả áo quần để sáng mai lên giảng đường, rồi thức ăn phòng hờ khuya đói bụng.
Sau khi ổn định chỗ ngồi, “bài binh bố trận” xong là tất cả đều tập trung cao độ để học. Suốt đêm, ngoại trừ những lúc trao đổi bài vở thì mọi người không ai nhìn ai, mắt cứ hết nhìn xuống sách vở lại nhìn lên tường, miệng lẩm nhẩm ôn bài. Nhóm nào học cùng, lâu lâu lại quay sang hỏi những câu còn thắc mắc nhưng cũng trao đổi rất nhỏ để không ảnh hưởng đến người xung quanh.
|
Đến đây có đầy đủ các khóa lớp, vì thế cũng là điều kiện để trao đổi bài qua lại. Ngồi bên Nhi, thỉnh thoảng lại thấy Nhi quay xuống bàn dưới để hỏi bài SV năm 6, lâu lâu lại thấy cánh tay khều nhẹ Nhi từ phía sau: “Chị Nhi ơi, câu này em chọn đúng chưa ạ?”.
Đa phần SV đến quán từ 21 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau, có những SV đến đây ngay sau khi tan giờ học ở trường và sáng sớm hôm sau lại từ quán đến thẳng trường. Người trụ được thì trắng đêm không ngủ, nhưng những ai trụ không nổi thì 4 giờ sáng lại chợp mắt chừng 2 tiếng rồi thức dậy, lên giảng đường.
Nhưng khi được hỏi có mệt không thì đa phần đều trả lời: “Tụi mình quen rồi”.
Không học thế này thì làm sao kịp
“Chỉ tới mùa thi mới như thế này?”, câu hỏi tưởng chừng đã biết được câu trả lời, thế nhưng chúng tôi lại nghe Nhi nói: “Đúng là những lúc thi mới học như thế này, nhưng hầu như tuần nào cũng thi, cứ kết thúc môn lại thi, hết môn này đến môn khác, nên tuần nào cũng phải thức “cày” như thế”.
“Mình học đêm vì ban ngày thời gian của tụi mình không đủ để học. Khối lượng kiến thức khá nhiều, trong khi đó sáng lên giảng đường, chiều nếu không học thực hành thì đi thực tập ở bệnh viện, nên tụi mình chỉ thực sự rảnh từ 17 giờ. Vì thế, phải hẹn nhau ở quán cà phê để ôn lại những gì đã học, bổ sung cho nhau những kiến thức còn thiếu”, Nguyễn Quang Hiếu, SV năm thứ 2 Trường ĐH Y Dược TP.HCM, giãi bày.
Lý Anh, SV năm nhất Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cũng chia sẻ: “Do lịch học và thi quá dày đặc nên phải thức đêm mới học kịp được. Và chỉ có ra quán nhìn thấy bạn bè học mới có động lực, chứ ở nhà trọ dễ buồn ngủ và thường bị xao nhãng. Bên cạnh đó, có gì chưa hiểu cũng dễ trao đổi với nhau hơn”.
Hầu hết SV đều biết những “đêm trắng” này sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, nhưng dường như họ không còn lựa chọn nào tốt hơn. “Là những bác sĩ tương lai, tụi mình rất coi trọng sức khỏe, nhưng cũng chính vì sẽ là bác sĩ tương lai, nên vững kiến thức và kỹ năng luôn là mục tiêu của SV y khoa. Tranh thủ ngày tháng còn ngồi trên giảng đường, cố gắng chịu khó học tập thì sau này mới không bất lực vì thiếu kiến thức”, Nhi tâm sự.
Đừng nên học một cách bất chấp
“Đầu tiên, thật đáng mừng khi các bạn hiểu được tầm quan trọng của việc học tập và dành nhiều thời gian cho nó. Nhưng dành nhiều thời gian không có nghĩa rằng chúng ta học một cách bất chấp. Chữ bất chấp ở đây là tôi muốn nhấn mạnh việc các bạn trẻ gần như đều biết được tác hại của việc thức đêm và bắt cơ thể hoạt động quá sức, nhưng vẫn bỏ qua những nguy cơ đó”.
Thạc sĩ tâm lý giáo dục Chế Dạ Thảo (giảng viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM)
Nhiều hệ lụy cho sức khỏe
Nhiều bạn cho rằng đêm khuya yên tĩnh sẽ học hiệu quả hơn, nhưng thực tế việc thức khuya, ngủ không đủ giấc làm giảm khả năng hoạt động của não bộ, từ đó hiệu suất học tập sẽ giảm. Ngoài ra, khi các bạn thức đêm thường sử dụng cà phê, mà trong cà phê có chứa caffeine, một chất có tính kích thích. Liều cao caffeine sẽ làm tăng cảm giác lo lắng, bồn chồn, nhức đầu và chóng mặt. Caffeine có thể ảnh hưởng lên giấc ngủ, khả năng tập trung và có thể tác động đến nhịp tim. Bên cạnh đó, việc thức khuya sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy cho sức khỏe như giảm đáp ứng miễn dịch, giảm khả năng tạo kháng thể của cơ thể, tăng biến cố tim mạch và bệnh tim mạch, đặc biệt là tăng nguy cơ béo phì và nguy cơ ung thư.
Bác sĩ Lâm Vĩnh Niên (Khoa Dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM)
|
Bình luận (0)