Khách mời tham gia buổi giao lưu trực tuyến gồm: anh Trần Văn Hiếu - Chuyên viên Phòng Marketing Công ty S-Telecom; chị Phạm Thị Phương Loan - Giám đốc Nhãn hàng Cao cấp Unilever Vietnam; chị Phạm Thị Thắm - Chuyên viên tư vấn nghề nghiệp VietnamWorks.com.
* DE THEO DUOI NGHE NAY, EM CAN TRANG BI NHUNG KI NANG VA KIEN THUC NAO? XIN CAM ON (MINH, 21 tuổi, Nam, 48 TRAN HUNG DAO P LE BINH QUAN CAI RANG TP CAN THO, SINH VIEN)
- Anh Trần Văn Hiếu - Chuyên viên phòng tiếp thị S-Telecom (S-Fone): Để theo nghề Marketing, về mặt kiến thức, bạn cần trang bị những kiến thức căn bản về Marketing như nhu cầu, về môi trường Marketing, về quảng cáo... Về mặt kỹ năng, cũng như những nghề khác bạn cần trao dồi kỹ năng về giao tiếp, đặc biệt là cách thuyết phục người khác.
* Công việc Trade Maketting là làm công việc như thế nào? Để làm tốt cần trang bị những kiến thức gì? Các kỹ năng? (Trần Bá Duy, 32 tuổi, Nam, E3 Mậu Thân TP.Cần Thơ, nhân viên)
- Chị Phạm Thị Phương Loan - Giám đốc Nhãn hàng Cao cấp Unilever Vietnam: Công việc Marketing gồm rất nhiều hoạt động nhưng nói tóm lại là: xây dựng và phát triển nhãn hiệu, nghĩa là mình sẽ đưa nhãn hiệu đến với người tiêu dùng và được chấp nhận, yêu mến và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người tiêu dùng. Hiện nay một số bạn nhằm lẫn công việc phát tờ rơi, tờ bướm ở ngoài đường là Marketing nhưng thật ra thì không hẵn như vậy (nó chỉ là một phần rất nhỏ).
Trade Marketing là một phần công việc tất yếu để xây dựng một nhãn hiệu, đẩy mạnh sức cạnh tranh về mặt phân phối. Trade Marketing sẽ làm việc trực tiếp với các hệ thống phân phối gồm kênh phân phối hiện đại (siêu thị, department stores...) và kênh phân phối truyền thống (chợ, shop bên đường...). Trade Marketing sẽ xây dựng các hoạt động (khuyến mãi, trưng bày, khách hàng bí mật, và chiến lược phân phối... ) để hỗ trợ các kênh phân phối này trong việc đưa hàng hoá để người tiêu dùng nhanh nhất và rộng rãi nhất.
Vì làm việc trực tiếp với các kênh phân phối nên bạn cần có kinh nghiệm về Sales, hiểu rõ những động lực, quy trình hoạt động của hệ thống này. Ngoài ra, nắm rõ chiến luợc tiếp thị của nhãn hiệu là vô cùng quan trọng để có thể xây dựng và thực hiện các chiến lược cho Trade.
* Thưa chuyên gia! Tôi có người em gái, hiện đang là SV ĐH Thương Mại Hà Nội, chuyên ngành Marketing. Tôi 4 câu hỏi như sau: 1. Sau khi ra trường, SV Marketing có thể xin vào làm việc tại các cơ quan, hay các doanh nghiệp như thế nào? 2. Công việc chính của nhân viên Marketing là gì? 3. Với chuyên ngành Marketing, thì công việc như thế nào là phù hợp với con gái? Tôi đang băn khoăn về vấn đề: công việc của người làm Marketing không được phù hợp với con gái, nhất là sau khi lập gia đình.Mặc dù theo quan điểm của tôi biết rằng trong tương lai, nghề Marketing sẽ rất phát triển,nhưng nó phù hợp với nam giới hơn. 4. Để phát triển trong lĩnh vực này, thì SV Marketing phải chuẩn bị những hành trang như thế nào? Xin chân thành cảm ơn chuyên gia. (Bùi Thị Thu Huyền, 24 tuổi, Nữ, Thanh Hà - Hải Dương, nhân viên Kế toán)
Các chuyên gia đang trả lời các câu hỏi của bạn đọc. Ảnh Đào Ngọc Thạch
- Chị Phạm Thị Thắm - Chuyên viên Tư vấn VietnamWorks:
1. Hầu như tất cả các công ty hay doanh nghiệp nào cũng cần làm marketing, tuy nhiên tùy theo quy mô và yêu cầu của từng công ty, phòng Marketing có thể lớn hoặc chỉ là một người, thậm chí kiêm nhiệm thêm nhiều việc khác nữa. Các công ty thường có hoạt động marketing mạnh mẽ là công ty hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), các công ty dịch vụ, các tập đoàn lớn...
2. Marketing là một lĩnh vực rộng lớn, bao gồm quản trị marketing, quan hệ công chúng, nghiên cứu thị trường, quảng cáo... Mỗi người thông thường chỉ chuyên sâu vào một lĩnh vực nào đó, và công việc cụ thể của từng nhân viên cũng rất khác nhau. Nếu một công ty nào đó tuyển nhân viên marketing, bạn cần quan tâm đến mô tả công việc cụ thể cho vị trí đó.
3. Mình không nghĩ rằng marketing chỉ thích hợp cho bạn nam. Rất nhiều bạn nữ có gia đình vẫn làm marketing. Chọn hay không chọn nghề marketing, đó là thiên hướng nghề nghiệp của từng người.
4. Để nâng cao tính cạnh tranh khi đi xin việc, sinh viên nên tham gia các hoạt động đoàn - hội và tranh thủ đi làm thêm. Nhà tuyển dụng rất đánh giá cao những người có khả năng tổ chức, khả năng thuyết phục, đầu óc nhạy bén, hiểu biết về văn hóa, con người...
* Có phải nghề marketing chi dành cho những người được đào tạo bài bản trong trường lớp? Khi về già thì ngành này có còn thích hợp không? Để làm nghề này em cần phải có những tố chất gì? (nguyễn đức nghĩa, 26 tuổi, Nam, tổ 25, ayunpa,Gialai, công chức)
- Chị Phạm Thị Phương Loan - Giám đốc Nhãn hàng Cao cấp Unilever Vietnam: Thật ra không hẳn vậy. Ở Unilever - một trong những công ty hàng đầu về hàng tiêu dùng và được xem là số một về marketing, bạn sẽ tìm thấy rất nhiều anh chị thành công trong nghề marketing mà trước đó (đại học) họ không hề được đào tạo về marketing. Để thành công với marketing thì đương nhiên bạn cần có kiến thức về marketing. Nhưng quan trọng hơn cả là bạn phải nhạy bén với cuộc sống, đam mê với nghề, có sáng tạo và thích thử thách. Theo tôi, nghề marketing không chọn tuổi bạn ạ, khi nào bạn còn yêu nghề, còn những tố chất marketing thì bạn vẫn làm tốt công việc này.
* Nghiên cứu Marketing là gì? "Nghiên cứu marketing" và "nghiên cứu thị trường" là giống hay khác nhau? (Vũ thị Bích Hà, 33 tuổi, Nữ, Hà nội, Cán bộ)
- Anh Trần Văn Hiếu - Chuyên viên phòng tiếp thị S-Telecom (S-Fone): Có rất nhiều định nghĩa về marketing, tuy nhiên có thể hiểu đơn giản marketing là khoa học nghiên cứu về nhu cầu và cách thỏa mãn những nhu cầu đó thông qua hoạt động sáng tạo, sản xuất sản phẩm dịch vụ, định giá, phân phối và tiếp thị sản phẩm đó ra thị trường. Vì vậy, nghiên cứu marketing là một quá trình nghiên cứu các yếu tố liên quan của quá trình marketing. Nghiên cứu marketing có nghĩa rộng hơn nghiên cứu thị trường. Nghiên cứu thị trường chủ yếu là việc nghiên cứu các yếu tố bên ngoài có liên quan đến thị trường như: nhu cầu, thị hiếu, thói quen của người tiêu dùng về một sản phẩm dịch vụ cụ thể nào đó. Nghiên cứu thị trường chỉ là một phần của nghiên cứu marketing.
* Ra trường ngành sư phạm ngoại ngữ và hiện đang đi dạy, có cơ hội nào cho tôi để trở thành 1 nhân viên Marketing? Tôi tin mình sẽ thành công trong lĩnh vực này nhưng có công ty nào chịu mở cửa cho 1 người không có kinh nghiệm và bằng cấp như tôi? Tôi phải làm gì để hồ sơ dự tyển của mình không bị loại ngay từ vòng sơ tuyển? (Anh Thu, 14 tuổi, Nữ, HCMC, giáo viên)
- Chị Phạm Thị Thắm - Chuyên viên tư vấn VietnamWorks: Sẽ khó khăn cho bạn đấy vì dạy học và marketing là hai ngành khá khác biệt nhau. Bạn có thể thử sức ở một số công việc mà bạn có thế mạnh về ngoại ngữ như copywriter và những công việc có tiếp xúc, trao đổi với khách hàng. Bạn có thể tham gia khoá học về marketing để có kiến thức và nhất là sẽ tăng khả năng thành công ở vòng sơ tuyển.
* Em xin phép được hỏi: em ngoại giao không được tốt lắm, có thể nói là kém, nhựng em rất yêu thích nghề Marketing. Vậy em có thể theo nghề này đuợc không và em cần phải làm gì trong truờng hợp này? (thu hiền, 22 tuổi, Nữ, Hung Yen, thủ quỹ)
- Chị Phạm Thị Phương Loan - Giám đốc Nhãn hàng Cao cấp Unilever Vietnam: Tôi chưa hiểu rõ ý của bạn về "ngoại giao không tốt lắm". Thật sự, marketing không phải là nói suông hay khoa trương. Marketing cần có tính logic trong việc truyền đạt. Ở Unilever, có rất nhiều bạn không có tài ăn nói (tôi cũng nằm trong số đó) nhưng vẫn đang làm tốt công việc marketing đấy chứ. Để có thể theo được nghề marketing, tôi nghĩ ngoài kiến thức về marketing thì bạn hãy xác định mình có những tố chất nào phù hợp với marketing (như nhạy cảm với cuộc sống, tính sáng tạo, khả năng lãnh đạo, đam mê...). Một môi trường hoạt động marketing chuyên nghiệp sẽ giúp bạn rèn luyện và phát triển rất nhiều về các kỹ năng marketing.
Chị Phạm Thị Thắm. Ảnh Đào Ngọc Thạch
* Em làm việc trong lĩnh vực kinh doanh, nhưng muốn tìm hiểu và nghiên cứu sâu về nghề marketing. Hiện nay, có một số trung tâm dạy ngắn hạn (2 tháng), em không biết là có nên học hay không? Và tư liệu để tìm hiểu sâu, rộng cho ngành học này ở đâu? (Lê Hoàng Vũ , 26 tuổi, Nam, 150-152 NQ, P.5 Q10, Kinh Doanh )
- Chị Phạm Thị Thắm - Chuyên viên tư vấn VietnamWorks: Học không bao giờ thừa, vấn đề là hiệu quả so với thời gian và chi phí bỏ ra. Học về marketing sẽ giúp ích cho công việc kinh doanh của bạn, đặc biệt là nếu bạn mong muốn tìm hiểu sâu hơn về ngành này.
Sách về marketing hầu hết là sách dịch. Bạn hãy dạo một vòng ở các nhà sách trước nhé. Nếu bạn có thể đọc được tiếng Anh, có rất nhiều sách đang được "chia sẻ" trên mạng. Bạn có thể vào các forum hoặc tìm bằng từ khoá trên công cụ tìm kiếm.
* Theo anh/chị, những người làm marketing phải thuyết phục được người lãnh đạo của mình như thế nào khi tiến hành một chương trình marketing vì một chương trình marketing chưa được diễn ra thì rất khó định lượng và định tính được sự thành công cũng như thất bại của chương trình đó? (Nguyễn Qua Bang, 24 tuổi, Nam, 476/25 Huỳnh Văn Bánh, P.14, Q. Phú Nhuận, Marketing)
- Anh Trần Văn Hiếu - Chuyên viên phòng tiếp thị S-Telecom (S-Fone): Bạn nói rất đúng. Trong bất cứ lĩnh vực nào, không ai có thể biết chắc chắn rằng một việc gì đó là 100% thành công hay thất bại. Một chương trình marketing cũng vậy, tất cả các số liệu "lịch sử" chủ yếu được dùng để "dự đoán" tương lai. Vì vậy, để thuyết phục được lãnh đạo, thì các trường hợp "giả định" thành công của bạn phải cao hơn rất nhiều so với các trường hợp giả định thất bại, sự đánh đổi giữa "cái được" của thành công phải lớn hơn nhiều so "cái mất" của thất bại.
* Là một người đang làm công tác đoàn thể trong 1 cơ quan nhà nước, rất thích nghề marketing, tôi có nên không làm công tác đoàn thể nữa, chuyển sang làm công tác kinh doanh không? (Gia Trực, 41 tuổi, Nam, 05 Trần Hưng Đạo, Tam Kỳ, Chuyên viên ngành điện lực)
- Chị Phạm Thị Thắm - Chuyên viên tư vấn VietnamWorks: Dựa trên kinh nghiệm làm công tác đoàn thể của mình, anh có thể tìm hiểu thêm về công việc trong lĩnh vực quan hệ công chúng (PR). Chuyển nghề càng xa thì càng phải đầu tư nhiều công sức, thời gian cũng như tiền bạc. Chúc anh thành công.
* Em tốt nghiệp ĐHKHXH&NV (ngành Hàn Quốc học). Hiện em đang làm thông dịch viên cho một công ty Hàn Quốc (ở bộ phận Marketing). Em muốn học thêm về chuyên ngành này để có thể phát triển ở lĩnh vực này. Có thể cung cấp cho em thông tin về một số chương trình học về chuyên ngành này (nếu là chương trình liên kết với nước ngoài mà học ở Việt Nam thì càng tốt, vì em muốn vừa học vừa làm)? (Tuong Vi, 22 tuổi, Nam, 686/72/43 CMT8 Q3, Thong dich vien)
- Chị Phạm Thị Thắm - Chuyên viên tư vấn VietnamWorks: Bạn có thể tham khảo các chương trình của ĐH Kinh tế, thông thường kéo dài dưới 1 năm. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo những khoá học khác trên web site http://edu.vietnamworks.com. Chúc bạn thành công trong lĩnh vực mình yêu thích.
* Là một giáo viên trẻ dạy về marketing, theo bạn, tôi nên làm gì để có nhiều kiến thức thực tế về lĩnh vực này nhằm truyền đạt cho sinh viên để không đơn thuần là lý thuyết suông? (Đinh vân nga, 25 tuổi, Nữ, Hà Nội, Giáo viên)
- Chị Phạm Thị Phương Loan - Giám đốc Nhãn hàng Cao cấp Unilever Vietnam: Tôi nghĩ bạn có thể tìm đọc thêm một số sách về marketing như: Creating Brand Loyalty, Tipping Points, 22 Marketing principles... Đây là những quyển sách viết rất kỹ về những lý thuyết marketing và có những tình huống cụ thể minh họa rất tốt.
Ngoài ra, bạn có thể tìm cơ hội trao đổi thêm với một số người đang làm marketing để được chia sẻ thêm kinh nghiệm, hoặc bạn có thể mời họ đến để chia sẻ kinh nghiệm của họ với sinh viên của minh để minh hoạ 1 phần nào đó trong bài giảng của bạn. Tôi cũng được biết một số giáo viên có cộng tác thêm với một số công ty về Nghiên cứu thị trường hoặc bản thân họ tự làm kinh tế có liên quan đến marketing. Bạn thử xem có cơ hội như thế không nhé. Chúc bạn thành công!
* Luc con la sinh viec, em rat thich giao tiep va em nghi rang em rat thich hop voi nganh marketing.Nhung bay gio di lam roi thay minh lam viec nay khong duoc tot lam, khong muon giao tiep nhieu, khong biet em co nen tiep tuc theo duoi cong viec marketing nay nua khong? Xin cho em mot loi khuyen. (Le Thanh Tuyen, 24 tuổi, Nữ, 180-182 Ly chinh thang,q3, marketing)
- Chị Phạm Thị Thắm - Chuyên viên tư vấn VietnamWorks: Trong những năm đầu làm việc, nếu phát hiện ra mình hợp hay không hợp với một ngành nào đó là điều hết sức bình thường. Trung bình một người trải qua 3-4 công việc mới có thể khám phá hết về bản thân mình. Bạn không cần phải theo đuổi một công việc, nếu thấy không còn phù hợp. Quan trọng là lần sau phải lựa chọn chính xác hơn lần trước để tránh phải đầu tư lại từ đầu.
Anh Trần Văn Hiếu. Ảnh Đào Ngọc Thạch
* Theo học nghề Maketing có cần phải nói nhiều, nói hay, như người ta vẫn gọi là "dụ" không? Nếu học đại học ngành Maketing ra, có thể làm ở vị trí nào trong công ty? Em nghe nói mới học Maketing ra là phải đi tiếp thị sản phẩm, có đúng không? Xin cảm ơn. (Kỷ Ái Mỹ, 21 tuổi, Nữ, 624 Quốc lộ 1A, P.4, Tân An, Long An, Sinh Viên)
- Anh Trần Văn Hiếu - Chuyên viên phòng tiếp thị S-Telecom (S-Fone): Có một câu nói vui rất hay của marketing ít nhiều liên quan đến từ "dụ" của bạn như sau: "Marketing là thuyết phục người ta mua cái người ta không cần với khoản tiền người ta không có". Không phải "nói nhiều" mà "dụ" được như bạn nghĩ, mà phải nói đúng cái người ta cần nghe. Tuy nhiên, trên hết là sản phẩm của bạn phải đủ tốt, đủ đẹp và đáp ứng một nhu cầu nào đó của người mua. Vì mục đích cuối cùng của marketing là không chỉ bán được hàng mà phải làm cho người mua quay lại mua tiếp khi họ cần sản phẩm đó ở lần sau.
* Xin chào, tôi hiện là nhân viên marketing cho một đơn vị xuất khẩu thuỷ sản. Khi làm công việc này tôi mới nhận ra rằng marketing cho mặt hàng thuỷ hải sản thật không dễ, rất khó khi áp dụng những phương thức marketing thông thường. Vậy tôi xin hỏi: nguyên lý riêng cho marketing thuỷ sản thì như thế nào? Xin cám ơn các chuyên gia rất nhiều vì đã đọc thư của tôi. Chúc sức khỏe! (candy, 25 tuổi, Nữ, Can Tho, Nhân viên Marketing)
- Chị Phạm Thị Phương Loan - Giám đốc Nhãn hàng Cao cấp Unilever Vietnam: Về lý thuyết, marketing có những nguyên tắc cơ bản như nhau song thực tế thì mình phải vận dụng linh hoạt cho thích hợp với từng ngành nghề. Theo tôi được biết, có một số sách viết về marketing cho ngành Dịch vụ, Y tế, hay Khách sạn nhưng chưa nghe nói đến marketing cho Thủy sản. Bạn thử tìm đến một địa chỉ bán các loại sách về marketing trên đường Vườn Chuối (gần đầu đường Nguyễn Đình Chiểu, bên trái) để xem có thể tìm thấy thông tin cần thiết không nhé. Chúc bạn may mắn!
* Em chua hieu ro ve nghe marketing, vi co nguoi noi nghe do la di lam tiep thi, co nguoi noi la thiet ke ra nhung thanh pham moi la cho cong ty cua minh. Em muon duoc giai thich ro ve marketing. (Thao Ly, 18 tuổi, Nữ, 4b/65.khu pho 9.phuong Ho nai.Bien Hoa-Dong Nai, Hoc sinh)
- Chị Phạm Thị Thắm - Chuyên viên tư vấn VietnamWorks: Thiết kế và cải tiến sản phẩm là một phần của marketing. Khi cần thiết phải dịch ra tiếng Việt, marketing được dịch là "tiếp thị". Công việc bán hàng hưởng hoa hồng cũng thường được gọi là "tiếp thị" vì thế gây nhầm lẫn. Thật ra ý nghĩa không giống nhau.
* Làm thế nào để trở thành một chuyên viên marketing giỏi? Cần học hỏi những gì để bổ sung cho nghành nghề này? Các công ty thuộc lĩnh vực nào cần đến nó? Có nên theo đuổi nó không khi mà tôi học kỹ thuật ra ? Tôi rất băn khoăn cho công việc của tôi, không biết tưong lai ra sao nữa? Mong cho lời khuyên! (lê đức tiềm, 25 tuổi, Nam, 01 hùng vương Nha Trang, dịch vụ chuyển phát nhanh)
- Chị Phạm Thị Thắm - Chuyên viên tư vấn VietnamWorks: Người làm marketing nhất thiết phải nắm vững sản phẩm và thị trường của công ty mình. Đối với các công ty hoạt động trong lĩnh vực máy móc, công nghệ... thì người làm marketing thường có chuyên môn ban đầu về kỹ thuật. Bạn hãy trang bị thêm cho mình kiến thức về marketing, và cũng có thể bắt đầu tìm việc ngay từ bây giờ. Chúc bạn thành công.
* Xin chia sẻ những vấn đề không thể thiếu khi phỏng vấn ứng viên vào vị trí marketing. Xin cho biết cụ thể, càng chi tiết càng tốt, đây là vốn quý bổ sung kiến thức cho tôi. Thành thật cám ơn. (võ văn nhân, 52 tuổi, Nam, công ty nhatico - quận 9, phụ trách tổ chức nhân sự)
- Chị Phạm Thị Phương Loan - Giám đốc Nhãn hàng Cao cấp Unilever Vietnam: Xin được phép trả lời dựa vào thực tế phỏng vấn ứng viên vào vị trí Marketing tại công ty Unilever như sau: Có 2 trường hợp: sinh viên mới ra trường và người đã có kinh nghiệm đi làm. Đối với sinh viên mới ra trường thì Unilever sẽ xét tuyển theo tiêu chuẩn xét tuyển Quản trị viên tập sự. Trong trường hợp này thì học lực sẽ được xem xét cùng với các kỹ năng hoạt động xã hội, đội nhóm, tính sáng tạo, lãnh đạo... để đánh giá tiềm năng, tố chất marketing của ứng viên.
Trong trường hợp thứ 2, người đã đi làm nơi khác thì kinh nghiệm thực tế về marketing của ứng viên sẽ được chú trọng. Ứng viên cần thể hiện kinh nghiệm, khả năng làm việc của mình qua những câu trả lời về marketing mà mình đã từng làm hoặc gặp phải. Bên cạnh đó một số tiêu chí khác cũng sẽ được xem xét để đánh giá mức độ phù hợp ở từng cấp bậc cụ thể (vị trí Trợ lý nhãn hàng hay Quản lý nhãn hàng...).
Chị Phạm Thị Phương Loan
* Cho em hỏi thế nào là một chương trình khuyến mãi thành công? (le tran manh, 24 tuổi, Nam, 211/69B ly thai tong P. hiep tan Q. tan phu, NVBH)
- Chị Phạm Thị Phương Loan - Giám đốc Nhãn hàng Cao cấp Unilever Vietnam: Bất cứ một hoạt động Marketing nào cũng đều có những mục tiêu cụ thể mà công việc đó phải đạt được khi hoàn tất. Thông thường một chương khuyến mãi được thực hiện nhằm mục đích tăng mức độ thâm nhập của nhãn hàng, nâng cao mức độ trung thành của nhãn hiệu... Một chương trình khuyến mãi thành công là phải đáp ứng mục tiêu của chương trình khuyến mãi được đề ra trước đó.
* Anh/chị có thể cho biết để trở thành một nhà marketing giỏi thì cần những kỹ năng gì? Sinh viên mới ra trường cần có những kiến thức nào để được tuyển dụng vào vị trí Marketing? (Lê Tấn Cần, 24 tuổi, Nam, 77 Hoàng Văn Thụ- Đà Nẵng, Sinh Viên )
- Chị Phạm Thị Phương Loan - Giám đốc Nhãn hàng Cao cấp Unilever Vietnam: Ngoài kiến thức tốt về marketing, theo chị, tính nhạy cảm với cuộc sống, đam mê, tính sáng tạo, khả năng lãnh đạo là vô cùng cần thiết cho một người làm marketing. Tại Unilever, chúng tôi có chương tình tuyển Quản trị viên tập sự cho marketing. Theo đó, học lực của sinh viên sẽ được xem xét cùng với một số khả năng khác như: khả năng phân tích, khả năng truyền đạt, hoạt động tập thể, sáng tạo... để đánh giá ứng viên. Bạn có thể tìm thêm thông tin về chương trình này tại www.unilever.com.vn. Chúc bạn thành công!
* Tôi có đọc quyển sách "Quảng cáo thoái vị và PR lên ngôi". Vậy theo các anh chị: quảng cáo và PR, cái nào quan trọng hơn trong thời điểm hiện nay? Và đối với những ngành hàng nào thì cần quảng cáo nhiều hơn PR và ngược lại? Sao tôi thấy hầu hết các công ty hàng tiêu dùng lại tích cực quảng cáo hơn? Có phải do vòng đời sản phẩm ngắn? (Nguyễn Thanh Bình, 25 tuổi, Nam, Bình Thủy, Cần Thơ, Marketer)
- Anh Trần Văn Hiếu - Chuyên viên phòng tiếp thị S-Telecom (S-Fone): Không thể khẳng định quảng cáo và PR, hoạt động nào quan trọng hơn. Quảng cáo hay PR đều là công cụ marketing để truyền tải thông điệp của nhà quảng cáo đến với đối tượng mục tiêu. Tuy nhiên, quảng cáo thiên về giới thiệu thông tin sản phẩm dịch vụ, trong khi đó hoạt động PR thiên về mục đích xây dựng niềm tin và hình ảnh công ty hơn. Thông thường PR là giai đoạn sau của quảng cáo, vì để xây dựng được niềm tin về một thương hiệu, trước tiên người tiêu dùng cần được nhận biết sản phẩm, thương hiệu đó là gì. Vì vậy, quảng cáo và PR không thể thiếu trong marketing, không hoạt động nào có thể thay thế được hoạt động nào, mà sự phối hợp của nó sẽ tăng cường hiệu quả cho toàn bộ quá trình truyền thông tiếp thị. Thông thường, đối với những ngành mà khách hàng là giới công ty thì người ta thường chú trọng hoạt động PR hơn.
* Marketer la gi? event la gi? ung dung thiet thuc event nhu the nao trong hoat dong kinh doanh o tp hcm hien nay? (ma xuan vinh, 29 tuổi, Nam, 231/51c duogn ba trac p1 q8, tour guide)
- Chị Phạm Thị Phương Loan - Giám đốc Nhãn hàng Cao cấp Unilever Vietnam: Marketer/marketeer là từ chỉ những người làm việc marketing nói chung. Có nhiều từ cụ thể khác cho biết công việc của người ấy là gì. Event là hoạt động tổ chức sự kiện, ví dụ Ngày hội tóc đen huyền của nhãn hàng Sunsilk, hay lễ hội Vẻ đẹp rạng rỡ của nhãn hàng Pond's... Event là một trong những hoạt động marketing, giúp thông đạt một số thông tin về sản phẩm mới, một tin tức mới... Thông qua đó, event giúp xây dựng hình ảnh của nhãn hiệu và tạo dựng mối quan hệ khắng khít giữa người tiêu dùng với nhãn hiệu đó.
* Chuyên ngành Makerting khác với ngành quản trị kinh doanh như thế nào. Tại sao có những SV học ngành QTKD ra trường lại làm makerting. Hai ngành này có mối quan hệ ra sao? Nếu học ĐH marketing có thể học lên cao học QTKD và ngược lại được không? Marketing gồm những chiến lược nào? Tại sao marketing lại là một trong những ngành "hot " nhất hiện nay? (Võ Xuân Vinh, 26 tuổi, Nam, Gò Vấp, Kinh Doanh)
- Anh Trần Văn Hiếu - Chuyên viên phòng tiếp thị S-Telecom (S-Fone): Marketing là một hoạt động trong tổng thể rất nhiều hoạt động của một doanh nghiệp. Quản trị kinh doanh (QTKD) cũng như điều hành một doanh nghiệp, vì vậy chuyên ngành QTKD cung cấp cho sinh viên kiến thức rộng liên quan đến nhiều hoạt động của doanh nghiệp như kế toán, tài chính, sản xuất và marketing.
Chuyên ngành Marketing là một chuyên ngành hẹp, sinh viên cũng được đào tạo một số môn trong chuyên ngành QTKD nhưng ở đây sinh viên được học sâu hơn về các môn marketing. Hai ngành này hoàn toàn có thể chuyển đổi cho nhau khi lên cao học. Hiện nay hoạt động marketing là hoạt động rất quan trọng, có thể nói là quyết định sự thành bại của các doanh nghiệp. Đặc biệt với tốc độ phát triển công nghệ thông tin như hiện nay, khi khả năng về kỹ thuật và công nghệ giữa các doanh nghiệp không chênh lệnh nhiều lắm thì hoạt động marketing càng đóng một vai trò cao hơn. Vì thế, nhu cầu việc làm của ngành này cũng tăng lên, thu nhập của nghề marketing cũng tăng lên. Đó chính là những lý do khiến "nghề marketing" trở thành một trong những nghề "hot" nhất hiện nay.
* Chào chị Phạm Thị Phương Loan! Qua gần 7 năm làm marketing, tôi cảm thấy nghề này thường thiếu tính bền vững hay nói cách khác là "bạc", chị nghĩ sao? (nguyen nhu dung, 29 tuổi, Nam, gia lam ha noi, kinh doanh)
- Chị Phạm Thị Phương Loan - Giám đốc Nhãn hàng Cao cấp Unilever Vietnam: Chào bạn! Thật sự thì Loan không hiểu ý bạn "bạc" là như thế nào. Tuy nhiên, xin được chia sẻ một chút về mặt tình cảm khi làm nghề marketing. Làm marketing sẽ cho mình nhiều cảm xúc lắm, trong một ngày mình có thể trải qua nhiều thái cực khác nhau. Khi event của bạn thành công chẳng hạn, bạn sẽ rất vui (có khi còn vui hơn khi được tỏ tình - như lời một người bạn tâm sự). Khi vào siêu thị, bạn sẽ sung sướng thế nào khi thấy khách hàng cầm sản phẩm của mình lên xem xét hay đọc thông tin. Chưa hết vui, thì lại giật thót mình khi thấy khách hàng ấy bỏ sản phẩm mình xuống, cầm sản phẩm của đối thủ lên. Và rồi sau đó thấy đau lòng biết bao khi sản phẩm được chọn không phải là của mình.
Những cảm xúc như vậy xảy ra rất nhiều, rất nhiều, nhưng nó không là bạn nhụt chí mà ngược lại sẽ thổi bùng ngọn lửa chinh phục trong con người bạn. Những phấn đấu không mỏi mệt của mình, cộng với sự hỗ trợ của đồng nghiệp, công ty thì nhãn hiệu của mình sẽ được đón nhận và tin yêu. Với Loan, như vậy là hạnh phúc đó bạn. Chúc bạn tìm được niềm vui, hạnh phúc trong công việc!
* Tra loi nhu anh Hieu ve ky nang trong "nghe Marketing" la cach thuyet phuc nguoi khac thi toi cho rang giong nhu "nghe tiep thi". Trong nghe Marketing co bao gio anh nghi toi cac chien luoc khong? (Lê Ngọc Trí, 38 tuổi, Nam, 213/43 Thủ Khoa Huân - Tp.Phan Thiết - Bình Thuân., Bảo hiểm Bảo Việt)
- Anh Trần Văn Hiếu - Chuyên viên phòng tiếp thị S-Telecom (S-Fone): Thật ra "chiến lược" không thuộc về kỹ năng. Kỹ năng tức là khả năng thao tác để thực hiện một việc gì đó. Người ta thường hiểu "chiến lược" là một cái gì đó rất rộng, rất xa. Nói một người có đầu óc "chiến lược" là người biết "nhìn xa trông rộng". Tuy nhiên, cụ thể và dễ hiểu hơn, "chiến lược" thật ra chỉ là "việc định hướng" về một vấn đề gì đó. Ví dụ chiến lược Marketing của một công ty đôi khi chỉ phát biểu như sau: "Trong 2 năm đầu tiên, sản phẩm của công ty sẽ có mặt ở khắp các thành phố lớn ở Việt Nam".
* Xin hỏi anh Hiếu: Mạng di động S_fone tuy đã thực hiện nhiều chương trình marketing nhưng hiện nay vẫn phát triển không nhiều. Vậy như thế nào thì người ta gọi là một chương trình marketing thành công. (trần thanh tú, 22 tuổi, Nam, đà nẵng, kinh doanh)
- Anh Trần Văn Hiếu - Chuyên viên phòng tiếp thị S-Telecom (S-Fone): Thành công đơn giản là đạt được mục tiêu mà chương trình marketing đó đã đặt ra.
* Kính gửi chị Loan, GĐ Nhãn hàng Unilever. Em có câu hỏi này muốn xin ý kiến của chị. Gần đây, em thấy Unilever có các chương trình khuyến mãi rất lớn và rất hấp dẫn. Ví dụ gần đây nhất là Chương trình Tặng trang sức (có sự tham gia của ca sĩ Thu Minh, Đoan Trang và Hiền Thục) hoặc chương trình kết hợp với hệ thống Phở 24 của nhãn hàng Kem đánh răng PS. Đây có phải là 1 trong các chiến lược marketing và thúc đẩy bán hàng cho các sản phẩm vào giai đoạn cuối của chu kỳ và sắp tới sẽ tung ra rất nhiều các sản phẩm mới về chất lượng cũng như mẫu mã. Vậy làm thế nào 1 người làm việc trong lĩnh vực marketing có thể "nghĩ" đến các chương trình marketing như thế này ạ? Cần phải học hỏi và trau dồi như thế nào ạ? Em cám ơn chị. (Bích Trâm, 24 tuổi, Nam, Q.1, Nhân viên Kinh doanh)
- Chị Phạm Thị Phương Loan - Giám đốc Nhãn hàng Cao cấp Unilever Vietnam: Không hẳn là nhãn hiệu nào có nhiều hoạt động khuyến mãi là nhãn hiệu đó đi vào đoạn cuối của chu kỳ đâu bạn. Mỗi chương trình khuyến mãi được đề ra là nhằm phục vụ cho một mục đích nào đó. Ví dụ như chương trình tặng trang sức như bạn nói là chương trình Festival Tóc Hè. Bạn biết rồi đó, mùa hè thì nóng nực lắm nên mái tóc của bạn cần chăm chút nhiều hơn và kỹ hơn. Quà tặng này, theo Loan nghĩ, là nhằm cảm ơn sự ủng hộ của bạn dành cho các nhãn hiệu chăm sóc tóc của Unilever cũng như giúp bạn làm đẹp cho mình. Để có thể làm ra được những chương trình như thế này thì điều đầu tiên và quan trọng nhất là những người marketing phải hiểu được khách hàng của mình muốn gì, thích gì. Do đó, người làm marketing phải không ngừng cọ sát với thực tế, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người tiêu dùng và phải có khả năng đón đầu hay tạo ra trào lưu.
Do số lượng câu hỏi bạn đọc gửi về quá nhiều mà chương trình chỉ diễn ra trong 2 giờ nên chỉ đáp ứng được một số câu hỏi chung nhất. Các câu hỏi chưa được trả lời trong chương trình này chúng tôi sẽ tiếp tục chuyển cho các chuyên viên và sẽ đăng tải trong thời gian sớm nhất.
TNO
(thực hiện)
Bình luận (0)