Sài Gòn những ngày cuối năm trời se lạnh. Nga trở mình ngồi dậy, lưng tựa vào tường. Em đưa mắt nhìn ra màn sương trắng mỏng tang ngoài cửa sổ rồi cố kiếm tìm hình ảnh một cái cây nhà hay cánh chim trời sớm mai. Nhưng dãy nhà màu trắng xám u buồn phía đối diện đã che khuất mọi thứ.
"Đào tẩu"
Cô bé đưa tay dụi mắt. Chiếc vòng nhựa màu xanh ngọc bích mang tên em lộ ra ở cổ tay. Nó là thứ duy nhất gắn kết em với những người còn lại trong gian phòng này.
“Tối qua em không ngủ được. Em đau khắp người. Hôm qua, mẹ mua cho em một cái cây đấm lưng bằng gỗ để nếu lúc nào giật mình thức giấc nửa đêm vì mỏi, em có thể tự đấm cho mình”, Nga vừa nói vừa đưa tay xoa xoa đầu gối.
Buổi sớm cuối năm trong căn phòng đặc biệt Nga đang "sống" Ảnh Lê Ái
Giáng Sinh đã thật gần. Vậy mà chẳng người nào xung quanh Nga nhắc đến điều đó. Cô gái nhỏ nói trong lúc đưa tay vuốt lại mái tóc ngắn xoăn tít mọc vô lối: “Em không biết bên ngoài thành phố đã được trang hoàng đón Noel chưa? Chắc về đêm, phố phường sẽ đẹp lắm! Em chưa bao giờ được nhìn thấy Noel thành phố. Ở quê em, Noel các bạn toàn rủ nhau đi uống nước”.
Gần 2 năm từ Tiền Giang lên Sài Gòn sống trong “ngôi nhà chung”, Nga chưa một lần bước ra ngoài để khám phá cuộc sống người thành thị. Ở thành phố này, Nga có vài người bạn. Thỉnh thoảng vào dịp cuối tuần, họ đến thăm em với một giỏ hoa hướng dương vàng rực trên tay và những đồ ăn vặt mà em yêu thích.
Nga tiếp bạn theo cách đặc biệt lắm. Em nằm yên để bạn quạt cho mình. Dưới cánh quạt phe phẩy, Nga bắt đầu buông những lời nói đùa rồi bật cười khúc khích. Em đặt những viên kẹo vào miệng rồi để chúng tự tan dần nơi đầu lưỡi, mang theo vị ngọt hiếm hoi của cuộc sống ngoài kia vào trong căn phòng nóng bức.
Nga nửa ham thích ra ngoài dạo chơi ngắm nhìn phố phường nửa lại ngại ngùng vì sợ mọi người sẽ nhìn thấy mái tóc xấu xí và cơ thể gầy yếu của mình Ảnh Đào Ngọc Thạch
Một sớm mai nào đó, Nga được phép ra khỏi “nhà chung”. Người đàn ông trong áo blouse trắng chẩn đoán sức khỏe Nga tạm thời đã ổn định, có thể đi lại, sinh hoạt như người bình thường. Một người bạn Nga nói nửa đùa nửa thật: “Hay là mình trốn viện đi chơi Giáng sinh đi Nga ơi”.
Mắt Nga chợt sáng lên. Em hỏi lại: “Mình đi như thế nào?”
Người bạn kia đáp: “Bây giờ Nga thay bộ quần áo đồng phục ra, mặc đồ bình thường vào rồi mình cứ ung dung đi ra cổng như được xuất viện, không ai để ý đâu mà lo. Mình đi bằng xe máy hay taxi đều được hết”.
Nga bắt đầu cảm thấy kế hoạch “đào tẩu” khỏi căn phòng buồn tẻ này có vẻ khả thi. Em hỏi: “Vậy mình sẽ đi những đâu?”.
“Mình đi quanh khu Nhà thờ Đức Bà nè, rồi dạo qua những trung tâm thương mại mới mở. Về đêm, ở đó được trang hoàng lung linh như thế giới cổ tích. Nga có thể chụp ảnh với cỗ xe tuần lộc và ông già Noel, ôm những món quà thắt nơ xanh đỏ, nghe lòng mình rộn ràng với giai điệu của bài hát “Jingle Bells”. Mình có thể trở về lúc nửa đêm để ngửi mùi hương đêm riêng biệt trên những con phố Sài Gòn không ngủ…”, người bạn háo hức.
Nga say sưa lắng nghe như thể em đang cố khắc sâu những hình ảnh lấp lánh sắc màu hiện ra trong trí tưởng tượng qua lời kể của người bạn. Nhưng rồi, mắt Nga chợt buồn. Em vân vê chiếc vòng nhựa màu xanh ngọc bích gắn chặt trên cổ tay rồi nói thật nhỏ như sợ làm bạn thất vọng.
“Ước gì mình có thể làm được tất cả những điều đó với bạn nhưng chân mình yếu lắm, chỉ cần đứng một lúc là sẽ run lên và muốn ngã khụy. Mình muốn đi chơi bằng xe máy nhưng mình lại hay bị chóng mặt, nếu đi bằng xe hơi thì mình sẽ say xe. Mình biết, mình yếu lắm nên không thể liều được. Với lại, tóc của mình như thế này khiến mình cảm thấy bản thân thật xấu xí. Mình không muốn đội tóc giả để đi ra đường vì như thế sẽ nóng và bất tiện lắm… Mình ngại lắm!”, Nga thỏ thẻ.
Bệnh tật chỉ là một trong những rào cản lớn ngăn cách Nga với thế giới bên ngoài. Sự tự ti về ngoại hình và những lý do khác đang trói chặt em với căn phòng u ám này. Nga chấp nhận điều đó như một phần trong cuộc sống của mình.
Và kế hoạch “đào tẩu” đón Giáng sinh của Nga đã không thành hiện thực.
Phép màu từ ông già Noel
Như phép nhiệm màu bù đắp lại những thiệt thòi, sáng 21.12, ông già Noel đã biến một điều ước khác của cô bé thành sự thật. Em được hóa thân thành cô giáo mầm non của trường Mầm non Họa Mi 2 (quận 5, TP.HCM).
Một ngày làm cô giáo của Nga diễn ra như một giấc mơ Ảnh Đào Ngọc Thạch
|
Trong cơn mưa nặng hạt của Sài Gòn, Nga theo chân mẹ đến nơi thực hiện ước mơ trong sự bất ngờ. Em đã sống trong những giờ phút hạnh phúc nhất của đời mình khi được tập thể các em lớp mầm của trường chào đón bằng những đóa hoa tươi thắm. Các thiên thần nhỏ luôn miệng gọi “Cô Nga ơi!”. Nga kể chuyện cho các em nghe và cùng chơi trò chơi.
“Em ngỡ ngàng lắm! Đây là ngày đẹp nhất trong cuộc đời em! Em không thể nào quên! Đây sẽ là một động lực để em cố gắng trị hết bệnh để thực hiện được ước mơ của mình”, Nga nghẹn ngào nói.
Gương mặt Nga sáng bừng, ánh mắt cứ long lanh và rưng rưng trong trẻo. Ước mơ và sự thật, khát vọng và thực tại cứ thế như quyện vào tan chảy trong tim của cô bé. Hình ảnh người mẹ Nga, chị Ngọc cứ nghẹn ngào nơi cửa lớp khi bất ngờ chứng kiến đứa con gái bé bỏng nhưng luôn khát khao bừng cháy với ước mơ của mình.
Cô giáo Nga kết thúc tiết dạy cũng là lúc trời tạnh mưa. Đám trẻ lao ra ngoài vẫy tay chào Nga. Cô bé quay lại nở một nụ cười thật tươi. Những tia nắng đầu tiên sau cơn mưa rọi vào khuôn mặt xinh xắn của em, đôi mắt trong trẻo như phản chiếu cả tâm hồn phơi phới niềm vui.
Nụ cười hạnh phúc xóa tan mọi ưu phiền Ảnh Đào Ngọc Thạch
Trên chuyến xe về quê, Nga chìm vào giấc ngủ với nụ cười thoáng hiện trên môi. Giáng sinh này em đã có quà, một món quà ngọt ngào hơn cả hàng trăm những viên kẹo từng ăn. Hình ảnh ngôi nhà lá xiêu vẹo khuất sau những lùm cây xanh dần hiện ra trước mắt.
Trong khoảng sân nhỏ, có một cô bé xinh xắn giống hệt Nga nhảy cẫng lên và vẫy chào khi thấy người đang đi tới. Đó là em gái Nga, một cô bé có tấm lòng nhân hậu và luôn chắt chiu từng giây phút để được ở gần chị.
Và đó là Giáng sinh của Nga. Một Giáng sinh bên mẹ và em gái trong chính ngôi nhà thân yêu của mình. Bên ngoài căn nhà ấy, sự ấm áp yêu thương vẫn đong đầy che chở và ở bên cô bé kiên cường cho những đam mê của chính em.
Bình luận (0)