Vô cảm và thiếu văn hóa đang lớn dần - Kỳ 3: Ứng xử với của rơi

22/04/2015 06:57 GMT+7

Mới đây, đoạn phim có tựa Ở VN rơi ví có được trả lại đăng tải trên mạng xã hội do một nhóm bạn trẻ tại TP.HCM thực hiện với những hình ảnh chân thực phản ánh nhiều cách ứng xử khác nhau, đã khiến người xem bất ngờ.

Mới đây, đoạn phim có tựa Ở VN rơi ví có được trả lại đăng tải trên mạng xã hội do một nhóm bạn trẻ tại TP.HCM thực hiện với những hình ảnh chân thực phản ánh nhiều cách ứng xử khác nhau, đã khiến người xem bất ngờ.
 
Chàng trai nhặt chiếc ví rơi...Chàng trai nhặt chiếc ví rơi...
Theo đó, nhân vật chính trong đoạn phim là ông Thành - người đàn ông bị khiếm thị từ năm 3 tuổi. Ước mơ của ông là được nhìn thấy những sắc màu của cuộc sống. Ông Thành đã đồng ý cùng với nhóm 4Try thực hiện một tình huống giả định: đánh rơi ví, để ghi lại những ứng xử chân thật của người đi đường.
Văn hóa ứng xử nhặt được của rơi trả người đánh mất phải được giáo dục trước tiên ở trong gia đình, cha mẹ phải luôn nhắc nhở con cái không nên lấy, xài những thứ không phải của mình
Tiến sĩ Ngô Xuân Điệp
Trưởng khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM
Biến thành của mình
Ngay đầu đoạn phim, những cảnh quay cho thấy một chàng trai trẻ sau khi nhặt được ví đã lén lút mở ví ra và lấy tiền cho vào túi mình. Chàng trai thứ 2 cũng vội vàng nhặt ví lên và nhét vào túi quần, anh ta còn không quên quay lại xem ông Thành có phát hiện ra không. Thêm một người đàn ông nữa cũng vội vàng nhặt ví rồi vừa đi vừa nhét vào túi…
Vì máy quay được đặt ở xa và giấu kỹ, nên mọi hành động diễn ra hoàn toàn tự nhiên và chân thật. Người xem không khỏi thở dài buồn bã khi nhìn thấy những người đàn ông lành lặn, khỏe mạnh và bảnh bao, trong tích tắc, lòng tham đã biến họ thành những người xấu xí. Ngay phía sau họ là hình ảnh người đàn ông khiếm thị cúi đầu chống gậy lầm lũi bước đi. Hẳn là ông Thành đang mong đợi một tiếng gọi, hay một bước chân chạy tới, với câu nói: “Bác ơi, bác đánh rơi ví này, con nhặt trả cho bác đây”.
Hàng trăm ý kiến phản hồi trên YouTube đa số đều lên án những người chỉ vì lòng tham mà nỡ lấy luôn ví của người đàn ông khiếm thị. Nick name Thùy Hương đặt câu hỏi: “Tại sao những người nhìn có vẻ bảnh bao, khỏe mạnh như vậy mà tham lam lấy đi tiền của người khốn khó?”. Một nick name khác lý giải: “Một bộ phận thanh niên bây giờ chỉ biết ăn bám cha mẹ nên đâu biết cực khổ quý trọng đồng tiền mồ hôi nước mắt của người khác. Mình 17 tuổi tuy không làm được gì nhiều nhưng tự tay đi làm để mua điện thoại và mình tự hào vì điều đó”.
Nhiều người cho rằng bài học làm người “nhặt được của rơi, trả người đánh mất” từ lúc lên năm, lên ba của người VN đã không thấm sâu vào tâm khảm nhiều người khiến lòng tham trỗi dậy làm đánh mất nhân cách. Nick name Dương Tuấn Vũ cũng kể lại một câu chuyện khôi hài: “Một hôm mình đang đi trên đường Hoàng Diệu (Hà Nội) thì có một thanh niên đánh rơi 100.000 đồng. Mình gọi í ới mà không thấy anh này quay lại đành dừng xe lại nhặt. Nhưng vừa đỗ xe, khóa xe xong, chạy ra thì thấy một chiếc ô tô sang trọng phanh gấp ngay đó. Một bác tầm 40 - 50 tuổi mở cửa nhào người xuống nhặt tờ tiền rồi đóng cửa xe nhấn ga phóng đi”.
 
... rồi vội vàng lấy tiền trong ví - Ảnh: cắt từ clip... rồi vội vàng lấy tiền trong ví - Ảnh: cắt từ clip
Cần giáo dục văn hóa ứng xử
Tiến sĩ Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nhìn nhận: “Một người nhìn thấy của rơi trên đường, chẳng hạn như chiếc điện thoại, ví… mà không biết của ai, nhặt mang về thì có thể không vi phạm pháp luật. Nhưng nếu thấy người đánh rơi mà nhặt không trả, biến thành đồ của mình thì có vấn đề về văn hóa ứng xử, đạo đức. Lòng tham thì ai cũng có, vì bên trong mỗi người luôn có tốt có xấu. Chỉ khác nhau ở chỗ có người cưỡng lại và vượt qua được, có người thì không”.
Tiến sĩ Điệp cho rằng cũng có những người có tâm lý thấy đồ của người khác đánh rơi thì rất thích, cho dù giá trị của nó không đáng bao nhiêu. “Đây không hẳn là lòng tham, cũng không vì thế mà đánh giá người đó xấu, thiếu trung thực, thiếu tử tế. Chỉ là họ có vấn đề về ứng xử”. Từ đó, ông Điệp cho rằng văn hóa ứng xử nhặt được của rơi trả người đánh mất phải được giáo dục trước tiên ở trong gia đình, cha mẹ phải luôn nhắc nhở con cái không nên lấy, xài những thứ không phải của mình. Sau đó là ở trường học, thầy cô giáo phải luôn đưa ra những tình huống đó để học sinh thấm dần, hình thành nên hành vi, tính cách.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Ngân, Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đánh giá: “Cơ chế thị trường biến con người trở nên thực dụng hơn. Ai đi làm cũng muốn có lương cao, học sinh thì muốn thi vào ngành nào để ra trường kiếm được nhiều tiền. Nhưng có người kiếm tiền bằng con đường chính nghĩa, có người đi tắt, đi ngang. Khi thấy một chiếc ví rơi ngoài đường, họ nghĩ đó là của rơi trên trời, là do mình may mắn nhặt được mà không nghĩ rằng không tìm cách trả lại cũng chính là đang cướp đi công sức, của cải của người khác. Dù xã hội phát triển đến mức nào thì chúng ta cũng cần phải phê phán cách ứng xử đó. Thầy cô giáo, những nhà trí thức, nhà văn hóa… cần có tiếng nói cảnh tỉnh, để góp phần thắng lại cỗ xe đang tuột dốc của một bộ phận có tư tưởng, nhân cách đạo đức suy giảm”.
Vượt qua lòng tham
Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả. Đoạn phim ghi lại hình ảnh ở nhiều nơi khác, người xem vô cùng xúc động khi thấy cảnh một cụ bà đội nón thấy chiếc ví rơi, đã nhặt lên và tất tả chạy tới đưa lại cho ông Thành.
Tiếp đó là những cô gái trẻ ngồi ở công viên, chàng trai đi chơi thể thao... cũng đã giúp ông Thành nhận lại ví. Đặc biệt là 2 người đàn ông khuyết tật bán vé số, một bị cụt tay phải, một bị cụt cả 2 chân, khi nhìn thấy ông Thành rớt ví đã ngay lập tức nhặt ví lên, gọi ông Thành quay lại.
Sau khi biết được hành động của mình vừa được quay phim, người đàn ông cụt chân đã lý giải rằng: “Lấy của người ta như vậy là không tốt đâu con, không đổi đời được đâu con, đừng có làm vậy, đó là của người ta, tội nghiệp người ta”.
Đây cũng chính là thông điệp mà nhóm 4Try gửi gắm: "Lòng tốt ở khắp nơi miễn là ta tin vào nó. Và vẫn còn một màu sắc mà bác Thành có thể cảm nhận được. Đó là tình người”.
Còn ông Nguyễn Anh Đức, Trưởng phòng Công tác học sinh - sinh viên, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, khẳng định: “Có nhiều người tử tế, việc tử tế xung quanh chúng ta. Chẳng hạn nhiều em học sinh, sinh viên nhặt được của rơi dù rất giá trị như tiền bạc, vẫn tìm cách để trả lại người đánh mất. Hay nhiều tài xế taxi cũng không tham lam lấy đồ mà khách hàng bỏ quên... Đó là những tấm gương tốt cần được nói nhiều hơn, nhân rộng để những ai có ứng xử chưa phù hợp phải nhìn vào để tự răn mình”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.