Vô sinh vì rượu, bia

15/01/2010 19:11 GMT+7

Rượu bia không chỉ hủy hoại các cơ quan nội tạng, mà còn là nguyên nhân dẫn đến chứng hiếm muộn, vô sinh. Nghiện rượu và sự tàn phá hệ thần kinh

Tiêu diệt tinh trùng

Gần đây, khi đến làm việc tại khoa điều trị hiếm muộn vô sinh của các bệnh viện, chúng tôi ngạc nhiên khi gặp rất nhiều cặp vợ chồng trẻ đến chữa trị dù trông các anh chồng rất cao to, mạnh khỏe. Theo các bác sĩ, trong số những người chồng trẻ bị trục trặc đường sinh nở, có nhiều trường hợp do giảm số lượng và kém chất lượng của tinh trùng. Nguyên nhân của tình trạng này là do ảnh hưởng bởi môi trường sống, chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng..., trong đó có việc lạm dụng rượu, bia.   

Bác sĩ Dương Phương Mai - Trưởng khoa Kế hoạch hóa gia đình, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, TP.HCM cho biết: “Nam giới lạm dụng rượu, bia thì khả năng sinh sản sẽ bị ảnh hưởng ghê gớm. Rượu, bia có liên quan đến việc thay đổi một số hóc-môn ở nam giới (làm giảm nồng độ globulin mang hóc-môn giới tính trong huyết thanh); cản trở sự phát triển của tinh trùng. Độc tố được tìm thấy trong rượu, bia có thể tiêu diệt các tế bào tạo ra tinh trùng trong tinh hoàn, ảnh hưởng đến kích thước tinh hoàn và làm tăng sự bất thường ở tinh trùng - tất cả đều ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Lạm dụng rượu, bia ở nam giới còn khiến tinh trùng bị hư hại - dị dạng, hay di động kém; số lượng tinh trùng thấp hơn bình thường”.

Bác sĩ Hồ Mạnh Tường - Tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh (TP.HCM) nhấn mạnh về tác hại do lạm dụng rượu, bia ở nam giới: “Nam giới lạm dụng rượu sẽ làm giảm việc tiết testosterone (nội tiết tố nam) và làm teo tinh hoàn. Giảm tiết testosterone có thể làm tăng nguy cơ rối loạn cương, giảm ham muốn tình dục, giảm việc sản xuất tinh trùng. Cũng có nghiên cứu đã chứng minh, nghiện rượu sẽ làm teo ống sinh tinh ở nam và làm giảm số tế bào sinh tinh. Điều này dẫn đến giảm kích thích tinh hoàn và giảm sản xuất tinh trùng”. Dưới góc độ y học cổ truyền, lương y Vũ Quốc Trung cho biết thêm: “Nam giới uống nhiều rượu không những ảnh hưởng chất lượng, số lượng tinh trùng, mà còn làm suy giảm khả năng tình dục”.


Ngày càng có nhiều nam giới bị vô sinh do chất lượng tinh trùng bị giảm sút - Ảnh: Thanh Tùng

Các nhà chuyên môn đã ghi nhận, ở những người đàn ông lạm dụng rượu bia thì cả số lượng và chất lượng tinh trùng đều bị suy giảm. Đây là một trong những nguyên nhân gây hiếm muộn vô sinh. Ngoài ra, nếu hàm lượng rượu trong cơ thể của người đàn ông quá nhiều, mà khoảng thời gian đó có quan hệ vợ chồng, có con thì em bé sinh ra cũng bị tác hại xấu. Bên cạnh đó, nếu một người đàn ông nghiện rượu nặng có thể bị rối loạn chức năng cương cứng dương vật và không thể quan hệ tình dục thành công, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của mình. Mặt khác, sau những cuộc nhậu say xỉn, người đàn ông thường không tự chủ trong quan hệ tình dục, dẫn đến mang thai ngoài ý muốn, bị lây nhiễm những bệnh truyền qua đường tình dục (do quan hệ bừa bãi)...

Làm trứng thôi rụng, gây sẩy thai

Bác sĩ Dương Phương Mai nói: “Nếu các bạn gái trẻ nghiện rượu lâu ngày có thể sẽ bị suy vùng hạ đồi tuyến yên - buồng trứng, dẫn đến trứng không rụng nữa, bất thường phát triển nội mạc tử cung và làm rối loạn kinh nguyệt (ít kinh). Rượu làm ảnh hưởng khả năng sinh sản của chị em, làm thay đổi mức độ estrogen và progesterone, gây vô sinh, nguy cơ sinh non cao”.

- Các nhà chuyên môn ghi nhận: để việc sản xuất tinh trùng trở lại bình thường, để tinh trùng đạt lại chất lượng ban đầu thì người lạm dụng rượu phải ngưng sử dụng rượu ít nhất ba tháng.

- Rượu bia là nguyên nhân gây ra 5% thai nhi dị tật bẩm sinh. Người ta nhận thấy, không có nồng độ rượu nào mà an toàn cho thai kỳ, tốt nhất là không nên uống rượu khi đang mang thai.

- Lạm dụng rượu trong khi đang mang thai hay dùng lượng nhỏ nhưng thường xuyên sẽ gây ra tình trạng ngộ độc rượu cấp hoặc nghiện rượu mãn tính, đều ảnh hưởng đến thai nhi.

Bác sĩ Hồ Mạnh Tường cho biết những ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của chị em phụ nữ do lạm dụng rượu: “Đã có rất nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy, lạm dụng rượu làm giảm khả năng có thai ở nữ; rượu ảnh hưởng chủ yếu lên hệ thống nội tiết và hoạt động của buồng trứng và dẫn đến rối loạn chức năng rụng trứng, làm phụ nữ khó có thai. Các bạn gái nếu uống quá nhiều rượu, khi có gia đình sẽ khó mang thai, kể cả giảm khả năng thành công trong điều trị hiếm muộn”.

Bên cạnh tác hại lên tinh trùng, buồng trứng, rượu còn được xem là “thủ phạm”, là yếu tố nguy cơ gây dị tật thai nhi. Cụ thể: “Mẹ uống rượu nhiều sẽ làm tăng nguy cơ dị tật thai và bất thường về phát triển thai nhi. Mẹ nghiện rượu trong khi mang thai có thể dẫn đến hội chứng nghiện rượu trên thai nhi (fetal alcohol syndrome) bao gồm dị dạng ở mặt, chậm phát triển tâm thần và tổn thương ở não của thai nhi”, bác sĩ Hồ Mạnh Tường nhấn mạnh.

Tương tự, theo bác sĩ Dương Phương Mai: “Nếu đang mang thai mà lạm dụng rượu, thì sẽ có nguy cơ sẩy thai, hoặc thai chết lưu trong tử cung. Phụ nữ mang thai nếu uống rượu 3 lần trong tuần thì 56% trường hợp có nguy cơ thai bị chết, suy dinh dưỡng thai nhi hay thai chậm phát triển trong tử cung”.

Hội chứng rượu bào thai

Theo các bác sĩ, phụ nữ có thai dùng 150 ml cồn có trong rượu mỗi ngày thì 1/3 trường hợp sẽ có nguy cơ sinh con bị hội chứng rượu thai kỳ (hội chứng rượu bào thai). Nếu nạp 30 - 60 ml cồn mỗi ngày thì ước tính 10% trường hợp mắc (trong 1 lon bia 330 ml thường chứa khoảng 18  ml cồn, 1 ly rượu nhỏ chứa độ 15 ml cồn). Ngay cả khi uống một lượng nhỏ rượu mỗi ngày đều có nguy cơ dẫn đến hội chứng rượu thai kỳ. Bác sĩ Dương Phương Mai nói: “Mức độ cồn qua nhau thai tương đương với mức độ cồn vào trong máu mẹ. Và nguy hiểm là thai nhi không thể đào thải nhanh được hàm lượng cồn trong máu như người mẹ, do vậy rượu sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển của bé. Hội chứng rượu bào thai làm thai nhi chậm phát triển tâm thần vận động, rối loạn hành vi... khi bé chào đời. Một khi đã mắc hội chứng rượu bào thai thì không có cách nào điều trị được. Mỗi năm tại Mỹ, có khoảng 40.000 trẻ sinh ra có hội chứng rượu bào thai”.

Do vậy, bác sĩ Hồ Mạnh Tường cho rằng: “Tốt nhất là tránh không uống rượu, bia trong khi đang dự định có con; trong thời gian mang thai, người mẹ tuyệt đối không uống rượu, ít nhất là cho đến khi em bé được sinh ra và lâu hơn nếu cho con bú sữa mẹ”.

Áp lực từ bạn bè

Theo một nghiên cứu của Viện Chiến lược và chính sách y tế, Bộ Y tế, kết quả cuộc điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên (năm 2003) cho thấy 69% nam thanh niên và 28,1% nữ thanh niên từng uống rượu, bia. Hành vi uống rượu, bia phổ biến hơn ở thành thị (56,9%) so với nông thôn (46%). Các thanh thiếu niên được hỏi cho biết khá dễ dàng tìm mua được rượu, bia (98,6%). Rượu, bia thường có sẵn và được tiêu thụ trong các hàng quán, tại nhà và thậm chí ngay tại nơi làm việc. Đối với nam thanh niên, áp lực từ bạn bè là yếu tố tác động lớn nhất tới việc họ uống rượu, bia. Tác động này cao hơn cả so với việc hút thuốc lá, sử dụng ma túy, quan hệ tình dục. Nhóm uống rượu, bia nhiều có xu hướng hút thuốc nhiều hơn nhóm uống ít rượu, bia (78,6% so với 46%). Xu hướng quan hệ tình dục nhiều hơn ở nhóm sử dụng rượu, bia (29,4% so với 10,2%). Đặc biệt, nhóm uống rượu, bia nhiều có xu hướng tham gia vào những hành vi nguy cơ cao hơn như đua xe, gây rối trật tự công cộng. Liên Châu

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.