Xúc phạm chú bảo vệ, hùng hổ đánh cô lao công: Người trẻ sao quá dễ kích động

21/05/2019 19:12 GMT+7

Những ngày qua, cộng đồng vô cùng bức xúc về cách hành xử của người trẻ trong 2 clip được chia sẻ về cặp đôi Việt kiều có những lời lẽ xúc phạm chú bảo vệ và người chủ cửa hàng quần áo hùng hổ đánh cô lao công.

Điều đáng buồn, theo như lời kể của người trong cuộc thì những lời lẽ xúc phạm chú bảo vệ và hùng hổ đánh cô lao công trong những clip này đều vì họ bị nhắc nhở cho những hành động không đúng của mình. Từ những sự việc đáng buồn này, nhiều người đặt câu hỏi: “Sao người trẻ bây giờ quá dễ kích động?”

“Không thể nào chấp nhận được”

“Đúng hay sai chưa nói, nhưng những từ mà cặp đôi Việt kiều trẻ đã xúc phạm chú bảo vệ là không thể nào chấp nhận được. Cứ nghe qua mà lại thấy tức anh ách, giàu sang kiểu gì cũng được sinh ra từ ba, từ mẹ. Một người đáng tuổi cha mẹ mình mà xưng hô mày tao, rồi nói những câu chẳng thể nào chấp nhận được. Tức nhất là những thái độ xem thường chú bảo vệ, nghề nào cũng là nghề, giàu có là có quyền xúc phạm người khác sao?”, Đặng Nguyễn Lan Vy  (cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học Huế) không giấu được bức xúc nói.

Vy cũng nói thêm: “Còn cái cô gái là chủ tiệm áo quần ở Quảng Trị kia nữa, xả rác bị nhắc nhở mà còn hùng hổ đánh cô lao công. Nếu như mẹ mình mà bị như vậy thì mình có đau lòng không? Sao những điều cơ bản đó mà cũng không suy nghĩ được. Dù đúng, dù sai thì sự việc đâu đến mức phải đánh nhau như giang hồ ngoài đường”.

Cũng cho rằng những cách hành xử này là không thể chấp nhận được, Trương Văn Hoài Nguyên (sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin - ĐHQG TP.HCM) bày tỏ: “Con gái mà đánh nhau là đã khó chấp nhận được rồi, lại đánh một cô lao công và chỉ vì những hành động sai của mình bị cô lao công nhắc nhở. Rồi anh Việt kiều này nói 'Chó tao nằm máy lạnh mà đứng đây nói chuyện với tụi bây à?', 'bằng chứng gì nói đi ông già'…những lời lẽ này sao có thể nói ra từ những người trẻ có ăn có học. Rõ ràng xem thường và xúc phạm chú bảo vệ không thể nào chấp nhận được”.

Ngô Bảo Ngọc (chủ nhân của dự án Ask Vietnamese) cũng bức xúc nói: “Dù đầu đuôi sự việc có thế nào đi chăng nữa nhưng về phần lớp trẻ nên tự ý thức về cách giao tiếp ứng xử với người lớn và bất kể những người có ngành nghề gì. Có thể thấy những giá trị nhân phẩm ngày nay đang bị xem nhẹ, và người trẻ càng ngày càng mất đi sự kiểm soát bản thân”.

Là vì nóng nảy?

Vì không chấp nhận được những cách hành xử này nên Vy cho rằng không thể xem đây là chuyện nóng nảy và không kiểm soát bản thân được.

“Vì rõ ràng những hành động và lời lẽ này giống như những người không được giáo dục, rất vô phép và không xem ai ra gì. Cho dù nóng nảy hay mất kiểm soát thì cùng lắm cũng không đến mức đánh một cô lao công như giang hồ vậy”.

Trần Thị Mỹ Ngọc (sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM) cũng đồng quan điểm với Vy. Ngọc bày tỏ: “Xã hội đảo điên hay con người riết rồi điên đảo hết rồi? Hết lời để nói với nhau hay sao mà lại dùng đến bạo lực. Con gái mà dùng đến bạo lực, thật không chấp nhận được. Từ 'mày' mà anh thanh niên kia dùng để nói với chú bảo vệ lớn tuổi càng nghe càng thấy phẫn nộ. Không thể là do không kiềm chế, cứ đổ lỗi cho sự không kiềm chế rồi muốn làm gì thì làm, muốn nói gì thì nói hay sao chứ?”

Trương Thị Kiều Diễm (cựu sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn) thì chia sẻ: “Mình nghĩ các bạn này là vì nóng tính và trong cơn nóng giận không kiểm soát được bản thân. Dù sao sau sự việc các bạn cũng đã chủ động đến xin lỗi, điều này chứng tỏ rằng hành động lúc đó của các bạn cũng vì quá nóng nên mất bình tĩnh. Dù mình không đồng tình với những cách hành xử này, và rất hy vọng rằng nếu là người trẻ, thì hãy làm những điều tốt đẹp, biết kính trên nhường dưới, biết đúng biết sai. Và đừng để làm rồi mới hối hận và nói lời xin lỗi, có những lời xin lỗi đã quá muộn màng và không thể cứu vãn thêm được gì nữa cả”.

Diễm cũng thở dài và nói tiếp: “Sao bây giờ các bạn trẻ dễ kích động quá vậy không biết nữa. Nhưng nhiều kích động lại đi quá giới hạn cho phép và không cứu vãn được, như vụ nhắc vượt đèn đỏ rồi xích mích rút dao đâm chết người. Ngồi ở quán cà phê hay trên bàn nhậu nhìn nhau không ưa cũng rút dao đâm giết nhau. Thật không còn lời gì để nói”.

Giá trị đạo đức và cách ứng xử đang xuống cấp trầm trọng

Nhìn nhận về những sự việc này, thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An (giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) chia sẻ: “Với tư cách là người ngoài cuộc và không trực tiếp chứng kiến sự việc từ đầu đến cuối nên chúng ta khoan nói đến chuyện ai đúng ai sai. Tuy nhiên, dưới góc nhìn cá nhân, tôi không khỏi lo lắng và buồn vì nhiều giá trị đạo đức cũng như cách ứng xử của giới trẻ hiện nay đang xuống cấp trầm trọng”.

Theo anh An có rất nhiều nguyên nhân khiến giá trị đạo đức của giới trẻ hiện nay bị lung lay và xuống cấp. Tựu chung có 2 nguyên nhân chính, đầu tiên là các yếu tố bên ngoài như đất nước hội nhập kéo theo nhiều giá trị ồ ạt du nhập vào Việt Nam, trong khi khả năng gạn lọc thông tin của giới trẻ còn hạn chế. Rồi xã hội phát triển không ít phụ huynh bị cuốn vào guồng quay công việc, cơm áo gạo tiền khiến thời gian bên cạnh chăm sóc và giáo dục đạo đức, tư tưởng cho con trẻ bị ảnh hưởng. Không những thế, thời đại 4.0 với lối sống vội - nhanh - gấp, thiên hướng về hưởng thụ dẫn đến sự lệch chuẩn trong quan niệm đạo đức, ứng xử xã hội...

Thứ hai là yếu tố bên trong, dưới góc độ tâm lý chung, khi xảy ra mâu thuẫn, cãi vã con người rất khó quản lý được cảm xúc hay tiết chế lời nói, thái độ và hành động của mình. Đặc biệt ở giới trẻ, sự từng trải, kinh nghiệm sống còn hạn chế một khi hệ thần kinh mất trạng thái cân bằng giữa hưng phấn - ức chế rất dễ dẫn đến tính sự kích động, hành xử lỗ mãng, thiếu kiểm soát.

Cũng theo anh An sâu thẩm bên trong mỗi người ai cũng có cái tôi cá nhân riêng, khi xảy ra xung đột ai cũng muốn dùng tất cả những gì có được từ lời nói, sức mạnh, tiền tài, địa vị… để bảo vệ chính kiến và chứng minh bản thân mình luôn luôn đúng

“Và điều rất đáng lưu tâm là giới trẻ hiện nay, hằng ngày tiếp xúc với những lời nói thiếu văn hóa, thóa mạ, thách đố nhau ở ngoài đời và trên mạng xã hội. Mưa lâu thấm đất, về lâu dài bị tiêm nhiễm, khi có cơ hội hay gặp phải những tình huống tương tự nó trổi dậy. Ý thức sống buông thả, đua đòi, sống phần lớn vì bản thân (vị kỷ), thậm chí ngộ nhận về giá trị của giới trẻ cũng là nguyên cơ dẫn đến hành vi lệch chuẩn như những lời nói xúc phạm chú bảo vệ, hùng hổ đánh cô lao công của các bạn trẻ trong các clip được nhiều người quan tâm những ngày gần đây”, anh An nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.