Gọi tên cá... “Triệu Phi Yến”

17/04/2013 06:51 GMT+7

Cá không kêu “gột gẹt” (rột rẹt), không táp đùng đùng mà cuốn hút bởi thân hình thanh mảnh và cách ăn mồi câu nhỏ nhẻ như hoa hậu luôn sợ mất eo.

Cá không kêu “gột gẹt” (rột rẹt), không táp đùng đùng mà cuốn hút bởi thân hình thanh mảnh và cách ăn mồi câu nhỏ nhẻ như hoa hậu luôn sợ mất eo.

>> Tương tư cá lăng hồng
>> Mùa cá nục nhớ tuổi thơ
>> Khi cá chép hóa... giòn!

Thuộc dòng cá trắng, ít người biết hơn “lòng tong cá chốt”, bỗng một ngày nó “ngự” trong nhà hàng sang trọng, điềm nhiên lên ngôi đặc sản.

Gọi tên cá... “Triệu Phi Yến” 1
Ngon quên thôi cá sát kho tiêu - Ảnh: Tạ Tri

Có dịp tương ngộ, một đàn anh sành ăn gợi ý: “Hay là đặt cho nó cái tên cá Triệu Phi Yến hoặc siêu mỏng đi!” Nghe vậy, ông chủ quán cười tươi như hoa mai... Nhật.

Theo tích xưa bên Tàu, nàng Yến mảnh mai, yểu điệu và múa đẹp đến mê hồn Hán Thành đế Lưu Ngao. “Chén rượu trên tay không sánh ra một giọt dù khi nàng xoay tròn trong vũ khúc Hàm Đan”. (Trích lời giới thiệu của Ông Văn Tùng về sách Triệu Phi Yến của Nam Cung Bắc).

Nếu nói cá siêu mỏng thì chưa thật chính xác. Bởi nó vẫn mập hơn những con cá: lẹp (cá tốp), lưỡi trâu.... Và “ngư Yến” lớn nhất có thể nặng đến 400gr.

Trước chúng hợp thành đàn “múa may quay cuồng”, trên những nhánh sông Tiền và Hậu, thuộc miền tây Nam bộ. Khi quá đói, chúng “bạo gan” lượn vào gần mé sông tìm thức ăn thừa như tấm, cám...

Đợi sẵn, dân “thổ địa” nhanh tay quăng chài. Nhưng đến lúc kéo lên, anh lại cười như mếu, vì đám cá ba ngạnh này khi đã mắc lưới thì gỡ “chằn ăn” (rất khó) lắm. Dường như không hiểu hoặc quá hốt hoảng, vài con chưa mắc lưới sâu cố nhảy tưng tưng để khoe nước da trắng loáng, vóc dáng thon thả và hoàn tất vũ điệu cuối cùng thay lời chia tay bến sông quen, con rạch cũ!

Dân câu “cơm gạo” (chuyên nghiệp) thì khổ kiểu khác, với đám cá “mình dây” vừa kể. Chúng ăn mồi (trùn đỏ, cá linh ủ...) từ tốn như “mèo nhà giàu”, không giật dây nghe bần bật như cá chốt, cá trê, nên rất khó phân biệt. Phải lão luyện lắm, mới cảm nhận được cách cá rỉa mồi, rồi khéo léo giật xéo mới mong dính “hậu Yến”. Song đó cũng là cái thú và đẳng cấp của dân sát cá (giỏi bắt cá)  “thứ thiệt”.

Cũng chính dân “rái cá” miền Tây lại đặt cho chúng tên cúng cơm khá tréo ngoe: cá sát. Do cái tên ngộ nghĩnh này, khiến nhân viên của ông chủ vừa nêu rất khó bán hàng. Vì họ chưa giải thích được tại sao cá có tên kỳ... cục vậy, có giai thoại nào hấp dẫn không, để quyến dụ khách.

Người có học thức thì lý giải rằng, có thể do cách phát âm không chuẩn của dân Nam bộ, nên đọc cá sác thành cá sát. Đó là một giống cá của rừng ngập nước (rừng Sác). Ngẫm lại vẫn không ổn. Ở rừng ngập nước, có nhiều giống cá vẫn mang tên riêng đấy thôi. Còn người bình dân thì giải thích đơn giản hơn: thân cá mỏng manh, thường lớn xác hơn cá chốt một tí nên gọi vậy cho gọn. Đúng là càng tò mò, càng rối.

Hay tạm mượn lời của một bài hát hiện đại: “yêu không yêu thì thôi...”, để tìm lối ra cho vấn đề này.

Mặc khác “đời gian dối nhiều”, xưa vua Lưu Ngao bị tiếng sét ái tình đánh trúng trong chớp nhoáng, khi gặp người đẹp Triệu Phi Yến. Vua liền ra lệnh tiến cung cả hai chị em nàng, tranh thủ hưởng thụ, rồi lâm bạo bệnh chết thảm.

Nay ta phải dè dặt hơn, rủ ông hội trưởng kén ăn cùng nếm món kho tiêu!

Ông này cũng từ tốn nghỉ ngơi, chuyện vãn khoảng bảy phút mới chịu nhón đũa:

“Ô! Mùa này đã có cá chốt rồi hả?
- Không phải!
- Ồ thịt cá dai, dẻ phụ, dẻ phụ!
- “Quạ”! Thơm ngon quá! Cho xin vài muỗng cơm.”

Vậy là an tâm đề cử thêm một mỹ hiệu khác: cá Trà Hoa Nữ cho có mùi... sông nước.

Đã nói là cá miệt vườn thì phải có rau cỏ ở lung bàu, kênh rạch theo “hộ tống” mới đúng bài. Với món chiên tươi thì có xoài hườm bằm nhuyễn, xắt sợi thả vào dĩa nước mắm chua ngọt thơm phức. Hậu vị, có xóm rau, đọt ểm trợ: cóc, chuối chát, khế, điều lộn hột... Dư vị chua chua, chan chát của chúng quấn quýt không rời độ ngọt dẻo của thịt cá.

Mùa này, vẫn có bông điên điển, dù hiếm - hàng trồng từ An Giang, Đồng Tháp. Nếu không có, thì không phải Sài Gòn!

Những chùm bông vàng tươi của một loài cây họ đậu, mọc hoang dại, từng len vào miền nhớ của bao người con Nam bộ xa quê. Đầu bông, có một lớp viền xanh nho nhỏ quấn ngang, như má lúm đồng tiền cân đối trên khuôn mặt phúc hậu của em gái miệt vườn.

Ăn bông nghe bao cung bậc âm vị trỗi lên: giòn giòn, đắng nhẹ và ngòn ngọt sau cùng. Thả nhẹ chúng vào nồi lẩu “cá Hoa Trà”, chợt thấy sáng rực tựa ánh trăng rằm! Đồng vọng, bao tiếng gọi đồng quê!

Chợt chạnh lòng về những mảnh đời bắt, câu cá đầy cơ cực. Nay cá tôm khan hiếm, cố “cằn” (càn quét) được 500 - 700gr/ngày thật “trần ai lai khổ”. Gặp cá lớn, họ chẳng dám ăn. Vì cảnh nhà khó đang “mốp như cái ấm”.

Trời thâm u kìm nén một cơn mưa!

Tạ Tri

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.