Hành trình đến giảng đường từ cao nguyên đá

Vũ Thơ
Vũ Thơ
22/02/2024 08:30 GMT+7

Là người dân tộc Lô Lô (dân tộc rất ít người) trên cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, nữ sinh Sùng Thị Vân đã có một hành trình đáng ngưỡng mộ, để trở thành sinh viên của Học viện Hành chính Quốc gia.

Quyết tâm rời xa gia đình để đi học

Sùng Thị Vân (19 tuổi), hiện là sinh viên năm nhất của Học viện Hành chính Quốc gia. Tại Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc tiêu biểu toàn quốc năm 2023, do Ủy ban Dân tộc tổ chức, Vân là một trong những gương mặt tiêu biểu thuộc nhóm dân tộc rất ít người được vinh danh.

Hành trình đến giảng đường từ cao nguyên đá- Ảnh 1.

Nữ sinh Sùng Thị Vân mặc trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Lô Lô trong Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc tiêu biểu toàn quốc năm 2023

NVCC

Sinh ra và lớn lên ở cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, nơi còn nhiều khó khăn, Vân đã có được những thành quả đáng tự hào. Gia đình Vân đã phải vất vả nuôi con ăn học, nên ngay từ nhỏ, Vân rất cố gắng để không phụ lòng bố mẹ. Lúc học tiểu học và THCS, cô học trò nhỏ đã nỗ lực đạt nhiều giải thưởng học sinh giỏi cấp huyện các môn khoa học tự nhiên như: vật lý, sinh học.

Không chỉ học giỏi, Vân tích cực tham gia công tác Đội, nhiều năm liền là Chỉ huy Đội của Trường tiểu học Đồng Văn A và Trường THCS Đồng Văn. Nhờ các thành tích đó, năm lớp 9, Vân được xét tuyển vào Trường phổ thông vùng cao Việt Bắc đóng tại Thái Nguyên. Đây là một bước ngoặt trong hành trình phát triển bản thân của em và cũng là quãng thời gian Vân phải vượt lên chính mình. Để đi học ở ngôi trường mới này, Vân phải rời xa gia đình và sống tự lập khi mới 15 tuổi.

"Ngày đầu tiên được bố mẹ đưa đến trường, em còn rất nhiều bỡ ngỡ. Từ nhà em ở TT.Đồng Văn đến TP.Hà Giang đã hơn 100 km, sau đó lại bắt xe đi tới TP.Thái Nguyên, phải mất hơn 10 tiếng mới đến trường. Lúc đầu, đến một môi trường mới, em rất háo hức. Nhưng khi bố mẹ ra về thì em thấy hụt hẫng và nhớ nhà vô cùng", Vân kể.

Tuy nhiên, lúc ấy Vân đã tự nhủ: "Cần phải nỗ lực thật nhiều vì xuống đây là cho tương lai của mình. Đây là cơ hội tốt để phát triển bản thân". Rồi cô bé tự vượt qua nỗi nhớ nhà, cùng bạn bè học cách sống tự lập, tự chăm sóc bản thân và sớm hòa nhập với môi trường mới.

Lan tỏa giá trị truyền thống của dân tộc Lô Lô

Nhờ có năng khiếu văn nghệ và kỹ năng làm công tác Đội, Vân xung phong tham gia đội văn nghệ xung kích của trường và làm Bí thư chi đoàn của lớp.

Hành trình đến giảng đường từ cao nguyên đá- Ảnh 2.

"Với ngôi trường có tới 3.000 học sinh, em đã được gặp gỡ rất nhiều bạn mới và hoạt động Đoàn đã cho em rất nhiều kỹ năng, trải nghiệm để trưởng thành", nữ sinh chia sẻ. Đặc biệt khi vào học ở đây, Vân lại thích các môn học xã hội hơn như văn, sử, địa và đặc biệt là giáo dục công dân. Vân cho biết năm lớp 11, em thi học sinh giỏi cấp trường, được giải khuyến khích môn giáo dục công dân. Tại kỳ thi đại học năm 2023, Sùng Thị Vân trúng tuyển vào Học viện Hành chính Quốc gia với 27 điểm (khối C) và là một trong số ít sinh viên dân tộc thiểu số trúng tuyển với số điểm này.

Chia sẻ về việc lựa chọn học những môn xã hội, Vân cho biết em rất có hứng thú với các môn học này, bởi đây cũng là môn học gần gũi với đời sống. "Giáo dục công dân dạy chúng em về phẩm chất đạo đức, pháp luật cơ bản và những kiến thức của môn học đều có thể áp dụng được vào thực tiễn", Vân nói.

Với vốn hiểu biết về văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số, Vân tham gia và thiết kế các chương trình văn nghệ đậm đà bản sắc của người vùng cao, lan tỏa giá trị truyền thống đến các bạn trẻ. Nữ bí thư chi đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ để thu hút sinh viên tham gia. Đồng thời em cũng là diễn viên múa trong nhiều tiết mục văn nghệ của trường, trong đó những điệu múa Tày, múa Mông đã "hút hồn" rất đông khán giả trẻ.

"Em muốn mang bản sắc văn hóa của dân tộc của mình đến với các bạn trẻ. Đặc trưng bộ trang phục của người dân tộc Lô Lô là được thêu tay với những hoa văn rất sặc sỡ. Để có được bộ trang phục này, người phụ nữ Lô Lô đã phải mất hàng năm thêu thùa. Vì thế, em rất tự hào khi được mặc trang phục truyền thống để biểu diễn", nữ sinh chia sẻ.

Cũng nhờ công tác Đoàn, Vân đã có cơ hội lan tỏa văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc mình và đã giúp em phát triển bản thân. "Nhờ hoạt động Đoàn, em đã có kỹ năng mềm, năng nổ hơn, tự tin hơn, trưởng thành hơn rất nhiều", Vân tự hào nói. Hiện Vân đang theo học ngành quản lý nhà nước, với mong muốn trở thành người có kỹ năng quản lý, để quay về quê hương, giúp cho cao nguyên đá Đồng Văn quê em ngày một phát triển. "Em rất mong muốn sau khi học tập, có thể trở về quê hương để cống hiến và làm việc", Vân chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.