Hành trình đi tìm dấu ấn Trường Sơn huyền thoại

01/02/2024 13:06 GMT+7

Tỉnh Quảng Bình, nơi hẹp nhất, tính từ bờ biển đến biên giới Việt - Lào, chỉ hơn 50 km. Dải đất 'mảnh mai' này dày đặc những kỳ quan: Động Phong Nha, động Thiên Đường, hang Sơn Đoòng, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Với những người yêu văn hóa, Quảng Bình còn được biết đến với bí ẩn về những tộc người được phát hiện quanh các hang động, hay những đồng bào dân tộc thiểu số sống rải rác dọc cung đường rừng, hướng về biên giới Việt - Lào.

Hành trình đi tìm dấu ấn Trường Sơn huyền thoại- Ảnh 1.

Núi rừng Trường Sơn hùng vĩ

N.C

Những câu chuyện còn ẩn giấu trong lòng Trường Sơn huyền thoại

Đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, những bộ óc chiến lược của miền bắc Việt Nam đã có quyết định thiên tài: Sử dụng Trường Sơn để xây dựng tuyến đường vận tải từ hậu phương lớn vào tiền tuyến lớn. Đường Trường Sơn hay đường mòn Hồ Chí Minh đã ra đời… Ở đó, đường 20 Quyết Thắng là đầu mối quan trọng trong mạng lưới giao thông của đường mòn Hồ Chí Minh, là con đường huyết mạch nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn.

Để giữ cho “mạch máu” không tắc, đã có hàng vạn bộ đội thanh niên xung phong, công nhân giao thông, dân công hỏa tuyến ngày đêm bám trụ, đội bom hứng đạn. Hàng loạt địa danh trên tuyến này đã trở thành tọa độ lửa, trọng điểm máu, trong đó trọng điểm Cà Roòng - ATP (Cà Roòng, cua chữ A, ngầm Ta Lê và đèo Phu La Nhích), nay là khu vực Km 63+900 tỉnh lộ 562, được ví như “túi bom” của Trường Sơn. Máu, nước mắt và mồ hôi của những chàng trai, cô gái tuổi 20 đã đổ trên toàn tuyến 20, trên các trọng điểm Trạ Ang, dốc Ba Thang, A-ki, Cà Roòng, ATP… làm nên huyền thoại của tuyến đường.

Trường Sơn còn đó. Nhưng những con đường Trường Sơn nguyên sơ đã đưa hàng triệu người lính, hàng chục triệu tấn vũ khí đạn dược, lương thực, quân trang… từ hậu phương chi viện cho tiền tuyến hơn 50 năm trước, nay ở đâu? Có những tuyến đường đã bị thời gian xóa đi dấu tích. Có những tuyến đường đã được hiện đại hóa. Trong 5 tuyến đường ngang từ đông sang tây vắt qua đỉnh Trường Sơn, chỉ còn đường 20 Quyết Thắng bắt đầu từ phà Xuân Sơn xuyên giữa Vườn quốc gia Phong Nha sang đến nước bạn Lào, là còn khá nguyên sơ. Suốt 50 năm sau chiến tranh, con đường như hiện thân của sự cách trở và lãng quên.

Hành trình đi tìm dấu ấn Trường Sơn huyền thoại- Ảnh 2.

Cột mốc biên giới, cửa khẩu Cà Roòng, nơi người dân 2 tỉnh Quảng Bình (Việt Nam) và Khăm Muộn (Lào) qua lại bằng giấy thông hành mà không cần hộ chiếu

Năm 2022, vùng biên giới Thượng Trạch bất ngờ “hiện ra” ngôi đền tưởng niệm Liệt sĩ Trường Sơn - đường 20 Quyết thắng, trọng điểm Cà Roòng - ATP. Ngôi đền nằm ở đoạn cuối địa phận Việt Nam của đường 20 Quyết Thắng. Từ đó, những chuyến hành hương lao xao cả một vùng rừng núi. Vùng chiến địa bạt ngàn được ấm lại với khói hương hậu thế. Qua những chuyến hành hương, người ta mới thấy ở 20 Quyết Thắng một “con đường” thơ mộng, đầy sức sống giữa Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng bên cạnh một “con đường" lịch sử. Con đường nối những tọa độ lửa từng chìm trong thâm sâu của núi rừng, làm vỡ vạc một kho chuyện kể còn ẩn giấu. Từ đó, nhiều câu chuyện lịch sử đã được chép lại, nhiều sự hi sinh đã được tưởng niệm, nhiều linh hồn được khói hương.

“Hành trình tìm dấu ấn Trường Sơn huyền thoại” chính là chương trình tour kết nối những dữ liệu chưa từng công bố về lịch sử của con đường này; những câu chuyện vốn chỉ có trong ký ức rời rạc của những cựu binh và im lặng sau những cột mốc, những tọa độ vẫn bền bỉ hiện diện giữa rừng. “Đi tìm dấu ấn Trường Sơn” vào lúc này, cũng là động thái để bù đắp những thiếu sót của những người làm du lịch với hơn 4 triệu lượt khách nội địa đã từng đến Quảng Bình mỗi năm. Từ nay, câu chuyện về vùng đất này sẽ trọn vẹn hơn, sẽ là một dòng chảy liền lạc để từ đó người yêu nước Việt có thêm mạch chuyện để hiểu về nước Việt.

Hành trình đi tìm dấu ấn Trường Sơn huyền thoại- Ảnh 3.

Toàn cảnh bản Tuộc của đồng bào Ma Coong, nơi du khách sẽ dừng chân ăn trưa và tìm hiểu văn hóa người dân bản địa

Trải nghiệm hồi ức chiến tranh giữa núi rừng hùng vĩ

Thực tế, đã luôn có những hành trình đi tìm dấu ấn Trường Sơn suốt 50 năm qua. Đó là những cuộc trở lại của những cựu binh Trường Sơn, để nhớ, để kiếm tìm một tọa độ máu xương mình từng trải, và để thắp một nén nhang, hay bái vọng đến hàng vạn đồng đội đã nằm lại. Có những hành trình cá nhân. Có những hành trình được tổ chức. Nhưng chưa có một con đường du lịch nào từng trải ra với những đo lường chuyên nghiệp về lữ hành, lưu trú, và những nghiên cứu sâu sắc về văn hóa bản địa, để những chuyến trở về thôi đơn độc.

Hành trình đi tìm dấu ấn Trường Sơn huyền thoại- Ảnh 4.

Thác Bụt, nơi các cô gái Ma Coong tắm suối trước khi tham gia lễ hội đập trống nổi tiếng của 18 bản đồng bào dân tộc biên giới

Tour “Hành trình đi tìm dấu ấn Trường Sơn huyền thoại” sẽ làm điều đó, để mở những con đường vào đến các khu vực từng khó tiếp cận như phía tây đường 20 Quyết Thắng, với những cột mốc lịch sử lẫn văn hóa tộc người vừa được ghi dấu sau này ở trọng điểm Cà Roòng - ATP. Hành trình tour sẽ là một cuộc đồng hành cùng những cựu binh và các gia đình cựu binh muốn thăm lại chiến trường xưa, hương khói cho đồng đội.

Hành trình đi tìm dấu ấn Trường Sơn huyền thoại- Ảnh 5.

Những em bé đồng bào Ma Coong

Trải nghiệm về Trường Sơn luôn hấp dẫn với du khách, kể cả khách nước ngoài. Với “Hành trình đi tìm dấu ấn Trường Sơn huyền thoại", các du khách sẽ được trải nghiệm những hồi ức chiến tranh một cách chân thực giữa Trường Sơn hùng vĩ; đến với đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, nơi có những cánh rừng bạt ngàn đã từng bị bom đốt cháy 50 năm về trước, nay phục hồi xanh tươi mạnh mẽ; tham quan thác Bụt, là nơi các cô gái Ma Coong tắm suối trước khi tham gia lễ hội đập trống để tìm cho mình một ý trung nhân.

Hành trình cũng là cơ hội cho du khách tìm hiểu văn hóa và đời sống của đồng bào Ma Coong (một nhánh của dân tộc Bru - Vân Kiều), nơi có lễ hội đập trống nổi tiếng của 18 bản đồng bào dân tộc vùng biên giới. Hoạt động du lịch cũng phần nào giúp nâng cao đời sống của người dân khi họ được tham gia vào chuỗi cung ứng du lịch cùng doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Châu Á - Tổng giám đốc công ty Oxalis Holiday cho biết, việc xây dựng sản phẩm du lịch “Hành trình đi tìm dấu ấn Trường Sơn huyền thoại” mang nhiều ý nghĩa sâu sắc. Chuyến đi mang du khách đến những “địa chỉ đỏ” trong những năm chiến tranh, giúp người dân trong nước có điều kiện đi thăm viếng những di tích lịch sử, các đền tưởng niệm các chiến sĩ, thanh niên xung phong đã hy sinh trên tuyến đường 20 Quyết Thắng. Đồng thời tạo cơ hội hỗ trợ cộng đồng Ma Coong sống ở vùng biên giới Việt - Lào có cơ hội được tham gia vào hoạt động du lịch và phát triển kinh tế địa phương.

Hành trình đi tìm dấu ấn Trường Sơn huyền thoại- Ảnh 6.
Hành trình đi tìm dấu ấn Trường Sơn huyền thoại- Ảnh 7.
Hành trình đi tìm dấu ấn Trường Sơn huyền thoại- Ảnh 8.

Du khách sẽ được hòa mình vào đời sống của người dân tộc Ma Coong

Để thực hiện được chương trình này, Oxalis đã tổ chức khảo sát, sắp xếp và đào tạo người dân bản Tuộc, một bản của người Ma Coong ở vùng biên giới, để cung cấp trải nghiệm ăn trưa cho du khách tại nhà sàn của người dân; hướng dẫn cho người dân dọn dẹp vệ sinh thôn bản cho sạch sẽ, đầu tư hệ thống nước sạch từ suối đầu nguồn về bản, hệ thống chứa nước lên đến 30m3, xây dựng nhà vệ sinh tự hoại công cộng để người dân và du khách sử dụng. Đặc biệt là đào tạo cho dân bản về việc chế biến các món ăn địa phương để phục vụ khách du lịch ăn trưa.

"Tuyến du lịch này cũng góp phần làm phong phú các sản phẩm du lịch tại Quảng Bình để du khách có nhiều lựa chọn khi đi du lịch tại nơi đây" - ông Nguyễn Châu Á nói.

Hành trình đi tìm dấu ấn Trường Sơn huyền thoại- Ảnh 9.

Đồng bào người Ma Coong

Giá Tour

• Thời lượng: 1 ngày

• Giá tour: 1.450.000 đồng/người (<6 tuổi miễn phí, 6 - 11 tuổi 50% giá tour)

Để tri ân những chiến sĩ TNXP, những cựu chiến binh đã từng sống và chiến đấu trên tuyến đường 20 quyết thắng này, Oxalis Holiday sẽ miễn phí hoàn toàn đối với các cựu chiến binh, thanh niên xung phong khi họ tham gia tour cùng người thân, gia đình và bạn bè.

Oxalis Holiday sẽ vận hành tour hàng ngày và có mức ưu đãi đặc biệt cho các nhóm học sinh, sinh viên, cựu chiến binh, đoàn thể khi tham gia tour.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.