Hát bội hành tội người ta…

21/11/2016 08:34 GMT+7

Nếu nói rằng loại hình nghệ thuật truyền thống không có chỗ đứng trong lòng người trẻ thì có lẽ người ta chưa biết đến cuốn sách paper-craft Hát bội hành tội người ta của Nguyễn Thị Kiều Diễm.

Vừa tốt nghiệp ĐH Hoa Sen - TP.HCM, đồ án tốt nghiệp của Diễm không chỉ đạt­ loại giỏi mà còn giành luôn giải thưởng cuộc thi Vietnam Creative Festival.
Chia sẻ về lý do vì sao chọn hát bội làm nội dung trong cuốn sách thủ công dành cho giới trẻ đầu tay của mình, Kiều Diễm nói: “Ban đầu đây là đồ án tốt nghiệp của tôi. Mọi người đều dựa vào thế mạnh để chọn làm cái tốt nhất, thế mạnh của tôi là thiết kế paper-craft. Ở nước ngoài, paper-craft thường phản ánh văn hóa của chính đất nước họ. Trong khi đó, môn nghệ thuật này hoàn toàn mới lạ ở VN. Các bạn ở nước ta muốn chơi phải mua hoặc lên mạng tải từ các nguồn ở nước ngoài về. Từ thế mạnh của mình và từ tình hình thực tế chưa có mẫu paper-craft nào của người Việt, nên tôi đã quyết định thực hiện cuốn sách thủ công này. Hát bội là đề tài rất hay mà từ trước đến giờ chưa có ai khai thác theo hướng này nên tôi chọn để làm paper-craft”.
Ý tưởng là một chuyện, nhưng để mang ý tưởng đó ra thực tế là một con đường không hề bằng phẳng. Hành trình ấy có khi làm cho người ta nhụt chí nếu ngọn lửa đam mê chưa đủ mạnh. “Khi bắt tay vào làm, để tham khảo tôi phải đặt sách craft book từ các trang như Amazon để tham khảo thêm. Đến khi thiết kế các mẫu thì tôi phải tự mò hết vì muốn hỏi cũng không được, bởi ở VN chưa từng có người làm qua chuyện này. Cứ thế vừa thiết kế, tôi vừa thực hành bằng cách gấp đi gấp lại nhiều lần để tạo hình nhân vật. Thời gian ấy, tôi gặp nhiều khủng hoảng vì sai rất nhiều, cứ in ra để gấp, gấp thì lại bị sai”, Kiều Diễm chia sẻ.
Có thật Hát bội hành tội người ta… 1
Theo tính toán của tác giả Nguyễn Thị Kiều Diễm thì để hoàn thành một mô hình trong Hát bội hành tội người ta, người chơi phải mất ít nhất 4 đến 4 tiếng rưỡi. “Để hoàn thành một nhân vật hát bội cần phải có dao rọc giấy, dao mô, kéo, keo dán, keo thỏi, keo sữa và tấm lót. Cắt các mẫu mô hình của nhân vật hát bội. Rồi gấp các đường gạch nối theo chỉ dẫn của mẫu mô hình sao cho các đường cấn không quá mạnh tay hoặc quá yếu để các đường gấp sắc nét. Dán các vị trí đã được đánh số thứ tự theo chỉ dẫn trong hướng dẫn mô hình nhân vật. Dĩ nhiên là người chơi cần phải có tính tỉ mỉ và kiên nhẫn nữa. Trong quá trình gấp mô hình chắc rằng sẽ có người phải thốt lên rằng “hát bội hành tội người ta!”.
Để hoàn thành cuốn sách này, bạn Nguyễn Thị Kiều Diễm, một người đại diện cho thế hệ trẻ đã phải tốn không ít thời gian để tìm tòi và nghiên cứu về bộ môn hát bội. “Sách về hát bội ở Việt Nam cũng rất ít. Tôi phải tìm kiếm ở các nhà sách mới lẫn các nhà sách cũ. Cuốn sách của tôi dựa trên nội dung nghiên cứu từ ba cuốn sách Mặt nạ tuồng của Nguyễn Vĩnh Huế, Hát tuồng - Lý Tuần Khắc Dụng và Nghệ thuật hát bội Việt Nam của Nguyễn Lộc - Võ Văn Tường. Ngoài ra, tôi còn tham khảo ý kiến của họa sĩ NSND Hoàng Song Hào. Thầy đã góp ý và chia sẻ cho tôi tư liệu để tôi hoàn thành việc thiết kế tạo hình nhân vật”, Kiều Diễm cho biết. Theo bạn Nguyễn Thị Kiều Diễm thì cuốn sách Hát bội hành tội người ta được bạn hoàn thành trong vòng hai tháng rưỡi. Tất nhiên đó là chưa kể đến một tháng bạn loay hoay lựa chọn đề tài. Hát bội không phải là sự lựa chọn đầu tiên của Kiều Diễm mà đó là truyện cổ tích. Nhưng trong quá trình tìm hiểu thì bạn đã đổi hướng và bén duyên luôn với hát bội.
Hát bội hành tội người ta…2
Hát bội có rất nhiều tuồng nổi tiếng nhưng bạn Kiều Diễm chỉ chọn ra hai tuồng để tạo hình. Tuồng đầu tiên là Sơn Hậu - vở tuồng cung đình kinh điển của VN thường được các đoàn hát trình diễn trong Lễ Kỳ Yên của các đình làng. Tuồng cuối cùng là vở tuồng mà ai cũng biết - Nghêu sò ốc hến. “Cuốn sách này thực chất là cuốn sách thủ công. Khi cắt ra và xếp hết các nhân vật thì cuốn sách chẳng còn có giá trị gì nữa. Các bạn trẻ ngày nay không có điều kiện tiếp xúc nhiều với hát bội. Nếu cho các bạn chơi xếp mô hình này, có thể các bạn thấy rất thú vị nhưng các bạn sẽ không hiểu vì sao nhân vật này lại có râu dài, mặt đỏ hay nhân vật kia lại đội mũ thất phụng mà không phải là đội mũ cửu phụng. Vì lý do đó nên tôi quyết định chia cuốn sách làm hai phần. Một phần trình bày thông tin về lịch sử hình thành và phát triển của hát bội, phần kia là để cắt dán mô hình. Khi chơi, chắc chắn sẽ hiểu vì sao nhân vật lại được tạo hình như vậy. Điều đó sẽ làm bạn thấy hứng thú hơn khi chơi”, bạn Kiều Diễm tiết lộ về nội dung cuốn sách.
Khi tìm hiểu thêm về cuốn sách, người chơi sẽ biết hát bội hay còn gọi là tuồng là loại hình nghệ thuật sân khấu có truyền thống độc đáo đã có từ lâu đời của dân tộc ta. Môn nghệ thuật này phát triển cực thịnh vào thời Nguyễn. Và câu: “Hát bội hành tội người ta. Đàn ông bỏ vợ, đàn bà bỏ con!” đã ra đời ở thời điểm đó. Có ba loại tuồng. Tuồng phò là tuồng theo tích của Trung Hoa, như các vở Tống sử, Hộ sanh đàn, Trầm hương các, Bao công xử án Quách Hòe, Chung Vô Diệm... Tuồng đồ là tuồng không theo tích của Trung Hoa như Quần tiên hiến thọ, Quần phương hiến thụy, Lý Phụng Đình... Tuồng hài là dòng tuồng dân gian, gắn với hiện thực cuộc sống “bụi bặm đời thường”. Như các vở Nghêu sò ốc hến, Thằng Ngáo...
Cuốn sách còn cung cấp thêm cho người chơi những thông tin căn bản nhưng không phải ai cũng biết như các kiểu râu trong hát bội. Bởi ở môn nghệ thuật này nhân vật nào mang kiểu râu gì thì tùy thuộc vào tính cách của họ. “Chỉ cần nhìn rầu là biết họ ác hay thiện. Ví dụ như râu ria đỏ chỉ dành cho các nhân vật như Tôn Quyền còn râu ba chòm đen dài thì dành cho các võ tướng có cốt cách văn thần như Đổng Kim Lân hay Đào Phi Phụng”, bạn Kiều Diễm tiết lộ. Phục trang cho các nhân vật trong hát tuồng cũng là một câu chuyện thú vị mà càng tìm hiểu sẽ càng thấy thú vị. “Cũng là hia tuồng nhưng hia ở mỗi vùng miền, thậm chí là ở mỗi tỉnh, mỗi nhà hát lại khác nhau. Hia Trung bộ xuất xứ tại Bình Định có độ cao từ 2 - 3 phân, loại 5 phân dành cho các diễn viên hạn chế về chiều cao, mũi hia cong vút như mũi thuyền. Trong khi đó hia Nam bộ xuất xứ từ khu vực đồng bằng sông Cửu Long thì thon gọn, không có mũi hia cong vút”.
Nguyên liệu và dụng cụ vẽ mặt trong hát bội gồm âu bột trắng (phấn chì), âu bột đen (ô yên), âu bột đỏ (kim ngân), dầu dừa (trộn vào bột), cọ vẽ nét, son, cọ phủ phấn, phấn nền và gương. “Khuôn mặt hát bội cũng dựa vào các khuôn mặt ngoài đời. Từ nhiều loại da trong thực tế mà hát bội cách điệu và đưa vào cách vẽ mặt cho các nhân vật của mình. “Màu sắc chỉ xuất thân”. Màu trắng là các nhân vật mang màu da trắng xuất thân từ thành thị, màu đỏ là nhân vật xuất thân từ vùng biển, nhân vật vùng núi thì có màu đen, xanh. Màu da trên gương mặt cũng có thay đổi theo tuổi tác và hoàn cảnh sống. Các nhân vật tốt thường có những đường nét khoáng đạt, màu sắc tươi sáng . Còn các nhân vật xấu có màu đen dữ tợn”, bạn Kiều Diễm nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.