Học sinh ném dép, dồn cô giáo vào góc tường: 'Có vấn đề' ứng xử từ 2 phía

10/12/2023 07:07 GMT+7

Những ngày qua, dư luận bàng hoàng về sự việc video clip ghi lại một vụ việc học sinh ném dép, dồn cô giáo vào góc tường tại lớp 7C, Trường THCS Văn Phú (xã Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang).

Nhiều người bất bình vì hành động, lời lẽ xúc phạm của học sinh chĩa vào cô giáo Phan Thị H., dạy môn âm nhạc nhưng cũng ái ngại khi nhìn thấy cô H., hai tay cầm 2 chiếc dép đuổi, ném vào học sinh.

Nhìn vụ việc này, chúng ta thấy "có vấn đề" từ 2 phía. Học sinh có thái độ, hành động không phù hợp với giáo viên đã đành, giáo viên cũng có những hành động chưa thực sự chuẩn mực của một nhà giáo khi đứng lớp, chưa tạo được cái uy trước học trò.

Hành động của cả cô và trò đều chưa phù hợp

Các video liên quan đến vụ việc cô và trò ở Trường THCS Văn Phú khiến nhiều người trăn trở. Bởi lẽ, chuyện học sinh vô lễ hay hỗn láo với giáo viên thì không phải bây giờ mới xuất hiện mà gần như năm học nào cũng được báo chí phản ánh. Tuy nhiên, vụ việc này mang tính tập thể vì có nhiều học sinh cả nam và nữ tham gia.

Một số học sinh lớp 7C khóa cửa lớp, dùng những lời lẽ tục tĩu và thái độ xấc xược xúc phạm giáo viên. Học sinh còn dồn cô giáo vào góc tường; ném dép vào đầu, khiến cô H. ngất xỉu xuống nền gạch nhưng gần như không một học sinh nào can ngăn, không một đồng nghiệp nào xuất hiện.

Trong một video khác, hình ảnh cô giáo 2 tay cầm 2 chiếc dép xua loạn xạ rồi cũng rượt đuổi học trò chạy tán loạn và ném dép về phía một học sinh. Nhìn hình ảnh thiếu bình tĩnh này cho thấy kỷ cương trường lớp, hình ảnh giáo viên bỗng nhạt nhòe…

Với mỗi video, mọi người có góc nhìn khác nhau. Một video thể hiện sự bất lực, chịu trận của cô giáo và sự hỗn láo đến mức không thể chấp nhận được của học trò. Đoạn video khác cho thấy được sự hỗn tạp giữa cô và trò.

Vụ học sinh ném dép, dồn cô giáo vào góc tường: nên chuyển công tác giáo viên - Ảnh 1.

Nam sinh ép cô giáo Trường THCS Văn Phú (H.Sơn Dương, Tuyên Quang) vào tường rồi buông lời thách thức

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Nên chuyển công tác cô giáo

Những ngày qua, dư luận đã phản ánh, phân tích nhiều khía cạnh khác nhau của vụ việc. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng đã có những chỉ đạo; Công đoàn ngành cũng đã lên tiếng; Hiệu trưởng Trường THCS Văn Phú cũng đã bị tạm đình chỉ công tác

Trong lúc các cơ quan chức năng giải quyết vụ việc, vấn đề dạy và học âm nhạc tại Trường THCS Văn Phú sẽ diễn ra như thế nào? Nếu trường THCS là trường loại II, loại III thì chỉ có một giáo viên âm nhạc. Chỉ có trường loại I mới có hai giáo viên âm nhạc vì mỗi tuần chỉ có 1 tiết học âm nhạc/lớp.

Nếu Trường THCS Văn Phú là trường loại II, loại III thì giáo viên âm nhạc còn phải dạy học sinh lớp 7C đến hết năm học này và cả năm lớp 8 và 9. Như vậy, mối quan hệ cô-trò những năm tiếp theo sẽ ra sao? Hơn nữa, cô H. vừa bị nhà trường kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.

Sau sự việc này, liệu cô H. có còn đủ nhiệt huyết, bình tĩnh để đứng lớp nữa hay không, khi mỗi ngày đến trường phải đối mặt với vô vàn những lo lắng, bất an. Ngoài lớp 7C, liệu rằng các học sinh trong trường muốn học với cô H. hay không.

Chính vì thế, tôi nghĩ rằng ngành giáo dục H.Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang cần tính đến phương án luân chuyển cô H. sang công tác ở một đơn vị khác. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho cá nhân cô H. và học trò trong trường. Bởi lẽ vết thương lòng của cả giáo viên lẫn học sinh và trò trong sự việc này không dễ xóa nhòe trong một sớm, một chiều.

Vụ học sinh ném dép, dồn cô giáo vào góc tường: nên chuyển công tác giáo viên - Ảnh 2.

Thêm một đoạn clip về sự việc giữa nữ giáo viên và học sinh

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Thầy ra thầy và trò phải ra trò

Thiết nghĩ, môi trường giáo dục, nhất là đối với tình thầy trò thì mọi ứng xử, hành động phải thể hiện một nét văn hóa riêng. Thầy ra thầy và trò phải ra trò. Mỗi thầy cô đứng lớp phải tạo được cho mình một vị thế, một cái uy trong mắt học trò. Giảng dạy cấp học nào cũng khó nhưng cấp THCS bao giờ cũng khó khăn hơn vì cái tuổi đang "dở dở ương ương" nên thầy cô phải nghiêm khắc và mềm dẻo linh hoạt. Mọi hành động, lời lẽ trong giảng dạy, giáo dục phải chỉn chu, đứng đắn và có điểm dừng.

Đặc biệt, phải bình tĩnh trước mọi sự việc để giải quyết các tình huống sư phạm, không sa vào những sự việc không cần thiết, không phù hợp như rượt đuổi học trò.

Bên cạnh đó, hiệu trưởng, tổng phụ trách Đội; giáo viên chủ nhiệm cần có những biện pháp giáo dục, uốn nắn học trò khi các em có những hành động, hành vi không phù hợp với giáo viên.

Trong Thông tư 32 năm 2020, Bộ GD-ĐT nêu rõ những hành vi học sinh không được làm gồm: xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, người khác và học sinh khác.

Vì thế, nhà trường cần có những biện pháp giáo dục nghiêm khắc và phối hợp tốt với phụ huynh trong giáo dục học trò. Nếu không, vị thế người thầy sẽ mai một dần, nhiều thầy cô trở nên đơn độc và một bộ phận học trò sẽ tiếp tục hỗn láo. Hệ lụy của sự việc này sẽ rất lớn khi một số học sinh xem thường nội quy của nhà trường, xem thường thầy cô đang giảng dạy mình hằng ngày.

Báo Thanh Niên mở diễn đàn "Ứng xử văn minh trong học đường"

Trước hành vi ứng xử gây xôn xao dư luận của học sinh và cô giáo tại lớp 7C Trường THCS Văn Phú (xã Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), Thanh Niên Online mở diễn đàn: "Ứng xử văn minh trong học đường". Diễn đàn mong muốn nhận được những chia sẻ, trải nghiệm, khuyến nghị, ý kiến từ độc giả để có cái nhìn đầy đủ, toàn diện; giúp giáo viên, học sinh, phụ huynh có cách ứng xử văn minh, phù hợp trong môi trường học đường hiện nay.

Bạn đọc có thể gửi bài viết, ý kiến về địa chỉ thanhniengiaoduc@thanhnien.vn. Những bài viết chọn đăng sẽ nhận được nhuận bút theo quy định. Cảm ơn bạn đọc tham gia diễn đàn "Ứng xử văn minh trong học đường".


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.