Hồn Việt trên đất khách

27/07/2012 04:10 GMT+7

Lang thang giữa Paris đô hội của nước Pháp hay Berlin của Đức, bạn sẽ có dịp hòa mình vào không khí thân quen, nó khiến bạn cứ ngỡ mình đang đứng tại một khu phố nào đó ở Việt Nam.

Sau 10 ngày công tác ở châu Âu, rất thèm món ăn Việt, nên khi đến Paris tôi nhờ ngay cô bạn đồng nghiệp định cư tại đây dẫn đến khu chợ người Việt. Vừa đặt chân lên ga tàu điện ngầm ở quận 13, Paris, tôi ngỡ như mình đang ở Việt Nam, bởi không chỉ tên cửa hiệu bằng tiếng Việt, mà còn đến giọng nói đâu đó vẳng lên thấy thân quen và cảm giác ấm áp ùa về. Có thể kể ra đây hàng loạt cái tên Việt như: siêu thị Chợ Lớn, hay hàng loạt quán ăn như: phở 13, phở - bánh cuốn 14, phở Sông Hương, phở Hòa Pasteur, phở Mùi, phở Bida Việt Nam… Đến siêu thị lớn nhất cho người châu Á là Tang Preres cũng bán toàn thức ăn Việt… Dĩ nhiên khi vào những nhà hàng, siêu thị này, bạn tha hồ nói tiếng Việt. Trong siêu thị có bán đủ thứ từ rau tươi, trái cây, thịt cá, các loại gia vị mà các gia đình người Việt hay dùng, cho đến các món ăn làm sẵn.

Ở siêu thị Chợ Lớn, hàng hóa khá phong phú: Từ xà lách, tần ô, rau muống, cải xoong, dền, giá đỗ, cà chua, dưa leo, chanh, ớt, tỏi cho đến các loại rau ăn kèm với phở, mì Quảng hay món bún bò... Rồi đến các loại mắm khác nhau như mắm nguyên chất, mắm cá... Đến đây, bạn có thể bắt gặp đồng hương bất cứ lúc nào. Anh Quốc Tuấn lập nghiệp tại đây được hơn 15 năm cho biết gia đình anh bán bánh cuốn ở chợ Place de L’eglise - ngoại ô Paris nên anh thường đến khu siêu thị này mua bánh cuốn sẵn về bán cho tiện… Chị Kiều Trinh có chồng là người Pháp cho biết, vào những ngày cuối tuần, gia đình chị hay tìm xuống quận 13 để ăn uống và mua sắm, đến nỗi ông chồng đi ăn riết món ăn Việt thành “nghiện”.

Thông thường, vào các ngày cuối tuần, những siêu thị này rất đông. Nhà chú Hiếu, cô Diệu có 3 người con, các ngày trong tuần đi làm nên cô thường đi chợ cuối tuần. Gia đình cô lập nghiệp ở Paris gần 20 năm và từ đó đến nay các bữa ăn gia đình luôn giữ những món ăn truyền thống Việt. Với cô, đi chợ cũng là dịp để gặp mặt đồng hương và… nói tiếng mẹ đẻ. “Nhiều khi đi chợ chỉ tốn chừng 30 phút, nhưng mất đến vài tiếng để “tám”. Những khách hàng ở siêu thị này hầu như quen nhau hết” - cô Diệu cho biết.

Cũng giống như siêu thị, thực đơn ở những nhà hàng Việt tại quận 13 cũng phong phú không kém và thường đầy đủ 3 thứ tiếng: Pháp, Việt và Anh. Giá cả cũng tương đối rẻ so với ở trung tâm Paris: ví dụ như chả giò quy ra tiền Việt là 115.000 đồng; bánh bột lọc 130.000 đồng; bún chả giò 180.000 đồng; phở 200.000 đồng…

Hay như chợ Đồng Xuân tại Berlin (Đức), không khí Việt hiện diện trên từng quầy hàng. Và Đồng Xuân đã trở thành cái tên thân quen đối với bất kỳ người Việt nào, thậm chí đối với du khách Việt khi đã đến Đức thì cũng cố gắng ghé chợ này để biết không khí Việt ở nước ngoài. Cũng giống như chợ xứ mình, các quầy hàng ở đây được phân theo chủng loại, như trái cây, hàng thịt hay hàng rau, hàng vải… Có thể thấy là không thiếu bất kỳ loại rau trái Việt nào, tuy nhiên giá cả hơi cao, một gói rau thơm nhỏ đến 50.000 đồng.

Trái cây đại đa số là các loại chuối, táo, dứa, dưa hấu, nho... gần như bán quanh năm. Các loại trái cây này được ghi bằng nhiều thứ tiếng như Việt, Thái, Hoa… Người đi chợ thậm chí cũng có thể tìm thấy khoai lang đã được nấu chín và đóng bao bì, người mua chỉ cần đem về bỏ vào lò vi sóng hâm nóng lên là có thể tận hưởng ngay mùi vị quê nhà. Ngay cả quầy văn phòng phẩm, báo chí tiếng Việt tại Đức cũng có. Tuy nhiên theo cô bán hàng ở đây thì báo tiếng Việt ngày càng ít người mua nên cô cũng ngại đặt. Cô lý giải, có lẽ giờ người ta lên mạng đọc được rất nhiều thông tin bên nhà, mà lại nhanh, còn chờ để có tờ báo đọc thì phải mất vài ngày sau nên đối tượng mua báo tiếng Việt cũng chỉ vài người lớn tuổi…

Lê Hân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.