Khắc phục quá tải bãi tạm giữ xe vi phạm

20/01/2024 07:31 GMT+7

Công an TP.HCM cho biết hầu hết bãi tạm giữ xe vi phạm trên địa bàn đều đang quá tải, gây khó khăn trong công tác giám sát quản lý, bảo quản phương tiện vi phạm cũng như tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.

XE VI PHẠM CHẤT ĐỐNG PHƠI NẮNG

Ngày 19.1, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, bãi tạm giữ xe vi phạm giao thông nằm trên đường Nguyễn Văn Quỳ (Q.7, TP.HCM) rộng khoảng 3.000 m², được quây kín bằng tôn cao hơn 2 m, không có mái che. Bên trong bãi xe, hàng nghìn chiếc xe nằm phơi nắng mưa. Xe máy, xe ba gác xếp chồng lên nhau, chất san sát, chật kín, ở giữa bãi xe chỉ chừa khoảng 1 m làm lối đi. Nhìn từ bên ngoài, dễ thấy cây cỏ mọc um tùm, dây leo bò lên các phương tiện bạc màu, bám bụi, cũ nát. Trong đó, nhiều phương tiện đã rỉ sét, bể bánh.

Khắc phục quá tải bãi tạm giữ xe vi phạm- Ảnh 1.

Bãi tạm giữ xe vi phạm giao thông của Đội CSGT - trật tự Công an Q.Bình Tân không có mái che

TRẦN DUY KHÁNH

Tương tự, ghi nhận tại bãi tạm giữ xe vi phạm giao thông của Công an TP.Thủ Đức (đường Thống Nhất, P.Bình Thọ, TP.Thủ Đức), hàng nghìn xe máy được dựng san sát nhau, chật kín. Do không có mái che, các phương tiện bị mưa nắng làm hoen rỉ, nhiều xe mục nát, hư hỏng... Khoảng 15 giờ cùng ngày, chúng tôi ghi nhận nhân viên trông giữ xe phải trầy trật sắp xếp, di chuyển các phương tiện trong bãi xe. Trước đó, vào năm 2021, bãi xe này từng xảy ra hỏa hoạn.

Chật cứng bãi tạm giữ xe vi phạm: Quá tải và lãng phí

Bãi tạm giữ xe vi phạm giao thông của Phòng CSGT Công an TP.HCM, rộng hơn 5.000 m² nằm trên đường Hoàng Diệu 2 (P.Linh Trung, TP.Thủ Đức) cũng không có mái che. Theo ghi nhận chiều 19.1, bãi xe này còn khá trống. Ở cuối bãi, hàng trăm xe ba gác rỉ sét nằm chất chồng lên nhau. Một số ô tô do nằm phơi ngoài trời lâu ngày nên có dấu hiệu bạc màu. Cùng cảnh ngộ, bên trong bãi tạm giữ xe vi phạm của Công an Q.Bình Tân tại giao lộ Hồ Văn Long - Võ Trần Chí, hàng nghìn xe máy cũ kỹ, rỉ sét... xếp hàng dài ngoài trời.

Chia sẻ với PV Thanh Niên, lãnh đạo một Đội CSGT - trật tự Công an TP.HCM cho hay từ sau đợt cao điểm trấn áp tội phạm năm 2023, số lượng xe vi phạm bị tạm giữ tăng nhanh, cùng với việc đấu giá xe tang vật phải qua nhiều quy trình, mất nhiều thời gian nên "xe cũ cộng xe mới" khiến kho bãi bị quá tải. Tại nhiều đội, CSGT phải tận dụng khuôn viên nơi làm việc để chứa xe tang vật. Cũng theo vị này, quy trình đấu giá tang vật phương tiện bị tạm giữ mất khoảng 2 năm, với nhiều quy định chặt chẽ.

NGƯỜI VI PHẠM BỎ PHƯƠNG TIỆN

Theo Công an TP.HCM, thời gian qua, lực lượng CSGT đã thực hiện nhiều chuyên đề xử lý các lỗi dẫn đến tai nạn giao thông. Trong đó, có chuyên đề liên quan đến người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn. Năm 2023, CSGT TP.HCM đã phát hiện, xử lý 651.585 trường hợp vi phạm (tạm giữ 1.537 ô tô, 153.493 mô tô, xe máy và 1.283 xe 3, 4 bánh). Trong các vi phạm, có 128.149 trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn (chiếm khoảng 19,67%). Do mức phạt đối với lỗi nồng độ cồn cao (có khi cao hơn giá trị phương tiện vi phạm) kèm với hình thức xử phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe nên nhiều người vi phạm đã bỏ luôn phương tiện. Đây là một trong những nguyên nhân làm gia tăng số lượng phương tiện vi phạm bị tạm giữ lâu ngày tại các kho, bãi của Công an TP.HCM và các quận, huyện.

Phòng CSGT (PC08) Công an TP.HCM cho hay bên cạnh việc người vi phạm nồng độ cồn bỏ phương tiện, thì số lượng xe "cà tàng", ba gác bị bắt giữ trong các đợt ra quân cũng bị người vi phạm "lãng quên" rất nhiều. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến các kho bãi tạm giữ xe vi phạm quá tải.

Năm 2023, CSGT TP.HCM đã tổ chức kế hoạch chuyên đề xử lý xe không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, trong đó chủ yếu là xe ba bánh, xe thô sơ, xe máy chở hàng cồng kềnh. Lực lượng CSGT phát hiện 16.491 xe máy chở hàng quá khổ giới hạn, 3.356 xe máy thiết bị kỹ thuật không bảo đảm an toàn, 2.029 xe ba bánh. Đa số người điều khiển xe "hết đát", xe "cà tàng", xe 3 ba gác vi phạm đều bỏ luôn xe khi bị CSGT lập biên bản tạm giữ phương tiện.

Khắc phục quá tải bãi tạm giữ xe vi phạm- Ảnh 2.

Phương tiện chất đống, dây leo bò quấn quanh tại một bãi tạm giữ xe vi phạm giao thông không có mái che ở TP.HCM

TRẦN DUY KHÁNH

PC08 cho biết trên địa bàn TP.HCM mỗi ngày có khoảng 500 phương tiện vi phạm bị CSGT tạm giữ (riêng các đội thuộc PC08 tạm giữ 200 xe/ngày). Tất cả số xe vi phạm nói trên bị tạm giữ tại 7 kho do PC08 quản lý.

Theo PC08, đơn vị này đã cố gắng sắp xếp các phương tiện, tang vật vi phạm hành chính tại các kho, bãi. Tuy nhiên, hiện diện tích kho bãi chưa đáp ứng nhu cầu tiếp nhận tang vật, phương tiện vi phạm. Hiện nay, PC08 còn thiếu khoảng hơn 10.000 m² kho, bãi để tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính. Bãi xe vi phạm quá tải, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ. Chính vì vậy, PC08 lắp đặt và bảo trì hệ thống PCCC theo quy định; các thiết bị bình chữa cháy đã được kiểm tra định kỳ; xây dựng các phương án PCCC tại từng kho bãi. PC08 giao cán bộ, chiến sĩ quản lý kho, bãi phải kiểm tra, vận hành hệ thống PCCC hằng tuần và kiểm tra, tháo bình ắc quy, rút hết xăng các phương tiện bị tạm giữ trước khi đưa vào bãi.

Nhiều người say xỉn bỏ xe, bãi tạm giữ của CSGT quá tải

QUY TRÌNH XỬ LÝ, THANH LÝ KÉO DÀI

Một lãnh đạo phòng nghiệp vụ của Công an TP.HCM thông tin năm 2023, công an thành phố đã tịch thu, bán đấu giá 27.571 phương tiện, trong đó PC08 đã lập hồ sơ tịch thu, đấu giá 6 đợt với 19.105 phương tiện. Trong thời gian từ năm 2018 đến tháng 3.2023, PC08 đã phối hợp với cơ quan liên quan thực hiện nhiều đợt đấu giá xe tang vật vi phạm và thu về hơn 17 tỉ đồng.

Tuy nhiên, Công an TP.HCM nhìn nhận quá trình thực hiện thủ tục đấu giá tang vật phương tiện bị tạm giữ, tịch thu liên quan đến quyền sở hữu của công dân theo quy định của Hiến pháp. Chính vì vậy, quy định về thủ tục, trình tự tịch thu, xử lý, bán đấu giá tang vật, phương tiện bị tạm giữ rất chặt chẽ, tốn nhiều thời gian. Cụ thể, để tịch thu, bán đấu giá tang vật, phương tiện bị tạm giữ thì phải thực hiện nhiều bước theo quy định của pháp luật như: tổ chức xác minh, giám định số khung, số máy phương tiện; đăng báo tìm chủ sở hữu; lập phương án xử lý tang vật, phương tiện bị tịch thu báo cáo về Bộ Công an (qua Cục Nghiệp vụ phê duyệt). Sau đó, Công an TP.HCM ra quyết định phê duyệt phương án cho bán đấu giá và tổ chức các bước bán đấu giá tài sản theo quy định.

Xem nhanh 12h ngày 21.1: Mặt đất tự bốc cháy ở Đắk Lắk | Nguyên nhân bãi xe vi phạm ở TP.HCM quá tải

Trao đổi với PV Thanh Niên, một cán bộ CSGT TP.HCM cho biết hiện nay quy trình thủ tục để thanh lý phương tiện bị người vi phạm bỏ luôn trải qua nhiều thủ tục, mất nhiều thời gian. Với một xe bị tịch thu, quy trình xử lý để thanh lý được phương tiện từ khi người vi phạm bỏ xe phải tuân thủ thời hiệu xử lý vi phạm hành chính là 12 tháng. Ngoài ra, phải trải qua các bước xác minh, thông báo, tịch thu, thẩm định giá, bán đấu giá mất khoảng 2 năm. Bên cạnh đó, không có quy định thu lệ phí trông giữ xe tạm giữ nên không có nguồn kinh phí tái đầu tư, cải tạo, sửa chữa kho bãi... Tình trạng này gây khó khăn trong công tác quản lý, vận hành, sửa chữa các bãi xe vi phạm để đảm bảo an toàn, đặc biệt là PCCC.

Đại diện Cục Cảnh sát giao thông (C08) Bộ Công an cho hay tình trạng quá tải bãi tạm giữ phương tiện vi phạm không chỉ diễn ra ở các thành phố lớn, mà tại 100% các tỉnh, thành cũng như quận, huyện, thị xã.

Về nguyên nhân dẫn đến quá tải, theo đại diện C08, do người vi phạm không đến chấp hành các quyết định xử phạt, bỏ lại tài sản của mình. Lấy ví dụ, một phương tiện sử dụng khoảng 10 - 15 năm, bán chỉ được khoảng 2 - 3 triệu đồng, tuy nhiên khi chủ xe vi phạm lỗi nồng độ cồn, bị phạt 7 triệu đồng thì họ sẵn sàng bỏ xe. Hành vi này khiến nhiều đơn vị quá tải, phải thuê bến bãi để lưu giữ phương tiện vi phạm. Có bãi có mái che, có bãi để phương tiện ngoài trời. Song, để ngoài trời thì phương tiện nhanh hư hỏng mà để trong kho cũng tự hỏng, xập xệ, xuống cấp. Do đó, lực lượng CSGT mong được gỡ vướng, đơn giản hóa trình tự, thủ tục thanh lý phương tiện vi phạm quá hạn không đến nhận để tránh quá tải bãi tạm giữ, tránh phải trả chi phí thuê bến bãi, cũng như hạn chế việc phương tiện bị xuống cấp, hư hỏng.

Về phía Bộ Tài chính, Bộ này cho biết đã dự thảo xong nghị định quy định thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân. Đến thời điểm hiện tại, nghị định này đã hoàn tất thủ tục soạn thảo, thẩm định, đang trình cấp có thẩm quyền để xem xét, ban hành.

Trong dự thảo nghị định, Bộ Tài chính đã đề xuất chi tiết phương án xử lý tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu. Cụ thể, việc xử lý tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu được thực hiện đối với tài sản của từng vụ việc. Trường hợp giá trị tài sản của một vụ việc dưới 100 triệu đồng thì đơn vị chủ trì quản lý tài sản có thể tổng hợp tài sản của nhiều vụ việc để xử lý một lần, nhưng thời hạn xử lý tối đa không quá 6 tháng kể từ ngày có quyết định tịch thu của vụ việc có quyết định tịch thu lần đầu tiên.

Dự thảo nghị định khi được thông qua được nhìn nhận sẽ góp phần giúp đẩy nhanh quy trình, thủ tục xử lý tài sản xác lập sở hữu toàn dân; từ đó góp phần hạn chế tình trạng để lãng phí các tài sản như trường hợp xe vi phạm hành chính cũ, hư hỏng.

Đan Thanh - Trần Cường

Người dân ít lựa chọn phương án đặt tiền để đảm bảo thay cho tạm giữ phương tiện

Tại buổi họp báo định kỳ về KT-XH TP.HCM chiều 18.1, thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TPHCM, cho biết thời gian qua Công an TP.HCM cũng áp dụng nhiều giải pháp nhằm giảm bớt việc tạm giữ phương tiện để hạn chế quá tải cho kho bãi tạm giữ xe vi phạm. Trong đó, cho phép người dân đặt tiền đảm bảo thay cho tạm giữ phương tiện. Thế nhưng phương án này ít được người dân lựa chọn. Nguyên nhân là người dân đặt tiền đảm bảo ở mức phạt tối đa (nên rất cao) và phải qua nhiều thủ tục để nhận lại số tiền còn dư sau khi đóng phạt.

Liên quan vấn đề này, cuối tháng 3.2023, Ban Pháp chế HĐND TP.HCM có buổi giám sát tại PC08 Công an TP.HCM về công tác quản lý, bảo quản và xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính.

Theo thượng tá Đoàn Văn Quới, Phó trưởng PC08, việc đặt tiền bảo lãnh để tự bảo quản phương tiện chưa có hướng dẫn về hóa đơn chứng từ khi người vi phạm đặt tiền, hướng xử lý đối với số tiền này, quy định xử lý trong trường hợp người vi phạm tiếp tục sử dụng phương tiện tham gia giao thông... Chính vì vậy, chưa có người dân nào đề nghị PC08 cho họ đặt tiền bảo lãnh phương tiện vi phạm về bảo quản.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.