Khi bố tôi ra tay giảm tiền điện

Đinh Thành Trung (Hà Nội)
Đinh Thành Trung (Hà Nội)
04/07/2023 07:47 GMT+7

Trước đây, tháng nào tiền điện nhà tôi cũng phải trả khoảng 3 triệu đồng. Đó là một con số không nhỏ so với thu nhập một gia đình trong thời buổi "thắt lưng buộc bụng" sau đại dịch.

Đến một ngày gồng cũng mệt, bố tôi tuyên bố chắc nịch: "Nhất định phải giảm tiền điện lại". Đó là suy nghĩ rất thực tế và cần thiết nên được mọi thành viên trong gia đình ủng hộ.

Nhưng nói thì dễ hơn làm.

Đầu tiên là phải có một mức trần thực tế. Bố tôi đưa ra là con số giảm lượng điện tiêu thụ đi một nửa, tức là hằng tháng chỉ phải trả 1,5 triệu đồng thôi.

Thế là mỗi thành viên trong gia đình nghĩ ra cách giảm điện năng tiêu thụ để hiến kế. Cuối cùng cách làm của bố là hợp lý và có khả năng hiệu quả cao nên được áp dụng.

Mọi bóng đèn trong nhà đều được thay bằng loại compact tiêu thụ điện năng thấp. Bình thường nhà vẫn dùng loại bóng đèn không có nguồn gốc rõ ràng, thậm chí còn dùng bóng đèn đỏ sáng chói nhưng tốn điện. Bố nghiên cứu đặt bóng đèn lại ở những chỗ hợp lý, chỉ sử dụng khi thật cần thiết.

Khi bố tôi ra tay giảm tiền điện - Ảnh 1.

Mở cửa sổ đón gió và ánh sáng tự nhiên sẽ giảm bớt việc dùng đèn, điều hòa hay máy quạt

QUỲNH TRÂN

Tiếp đó, công việc của mọi người nếu có thể thì cùng làm trong phòng sinh hoạt chung. Do đó đỡ tốn điện hơn là mỗi người dùng trong phòng riêng. Các thiết bị điện khác cũng vậy. Ti vi xem ở khung thời gian cần thiết rồi tắt để đỡ tốn điện. Quạt máy và điều hòa cũng tương tự.

Sau khi đi vào thực tế mới phát hiện điện tốn nhiều ở một số dụng cụ không ngờ đến, mà bình nước nóng là một trong số đó. Từ khi bố chuyển sang dùng bình năng lượng mặt trời thì bình nước nóng hầu như không cần phải bật, nhất là trong mùa hè nắng nóng.

Các thiết bị trong nhà cũng liên tục được bảo dưỡng, lau chùi vì góp phần làm giảm điện tiêu thụ như quạt cây hay điều hòa. Việc vệ sinh các thiết bị điện giúp loại bỏ bụi bẩn trên phần lưới lọc, tăng khả năng trao đổi nhiệt và gió, động cơ sẽ không cần tăng công suất do đó giảm điện năng tiêu thụ. Nhà tôi có 4 chiếc điều hòa thì bố luôn dặn dò đừng bật dưới 25 độ C vì tốn điện năng và không cần thiết.

Việc thay thế các thiết bị điện cũ bằng loại mới, tiết kiệm điện năng hơn cũng được thực hiện, như nồi cơm điện, bếp từ, tủ lạnh… Với máy giặt thì chúng tôi cũng bớt dùng hơn. Máy giặt vốn dĩ không giặt sạch được một số đồ, bình thường theo thói quen tôi vẫn thay cho cả vào, vừa không sạch vừa tốn điện. Bây giờ tôi tăng cường giặt tay, vừa sạch vừa đỡ tốn điện.

Chúng tôi giảm hẳn việc sử dụng thiết bị điện không cần thiết. Mỗi khi có việc đi ra ngoài thì đều tắt đèn, tắt quạt, tắt máy tính. Việc tắt thiết bị khi không sử dụng vừa giúp tiết kiệm điện, vừa tăng tuổi thọ của thiết bị.

Bố cũng dặn mọi người mở cửa sổ sớm để đón gió và ánh sáng tự nhiên, giảm bớt việc dùng đèn điện, điều hòa hay quạt. Việc làm này đem lại hiệu quả đáng kể vì chúng tôi giảm tương đối việc sử dụng các thiết bị điện vào ban ngày. Hơn nữa, ánh sáng và gió tự nhiên làm con người thư thái, dễ chịu hơn.

Nhà tôi còn hạn chế dùng các thiết bị điện trong giờ cao điểm, vì tiết kiệm không chỉ cho gia đình mình mà còn cho toàn xã hội. Trước đây vào giờ ăn cơm thì nhà tôi vẫn bật 2 quạt, 2 điều hòa cùng lúc gây lãng phí nhưng giờ cố gắng giảm số lượng, cùng lắm bật 1 quạt.

Kết quả thật đáng mừng. Nhà tôi thậm chí còn giảm được nhiều hơn con số 50% đã đề ra. Không chỉ tiền điện giảm mà mọi người còn thấy vui vì cũng đóng góp cho xã hội trong thời điểm năng lượng căng thẳng. Qua cuộc "cách mạng" này, bố rút ra kinh nghiệm: "Điều quan trọng nhất trong việc tiết kiệm điện của gia đình là mọi người phải đồng lòng vì lợi ích chung. Nếu có một người không tuân thủ, dùng điện lãng phí thì tiết kiệm chẳng có ý nghĩa gì", bố tôi đúc kết. 

Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen" do Báo Thanh Niên tổ chức và Tổng Công ty Điện lực TP.HCM tổ chức, là nơi để độc giả chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp về việc tiết kiệm điện, tạo thói quen sử dụng điện tiết kiệm trong gia đình, trong các cơ quan chính quyền và doanh nghiệp.

Cuộc thi dành cho các cá nhân và các tổ chức, doanh nghiệp với tổng giá trị giải thưởng là 99 triệu đồng và quà tặng. Bài dự thi gửi qua email của chương trình: tietkiemdien@thanhnien.vn hoặc gửi bằng đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen). Thời hạn nhận tác phẩm dự thi từ ngày 1.6-31.8.2023.

Thể lệ chi tiết được đăng tải trên trang thanhnien.vn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.