Khó giảm lãi suất nếu không 'bung' room tín dụng

Thanh Xuân
Thanh Xuân
24/05/2023 16:36 GMT+7

Các ngân hàng thương mại chưa có động thái gì sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm loạt lãi suất điều hành.

Chần chừ chưa vội giảm lãi huy động

Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng sáng 24.5 giảm nhẹ 0,04 - 0,16% so với ngày 23.5. Lãi suất tiền đồng không kỳ hạn còn 4,34%/năm, 1 - 2 tuần còn 4,5 - 4,58%/năm, 1 tháng còn 4,8%/năm, 3 tháng còn 5,68%/năm, 1 năm còn 7,7%… thị trường liên ngân hàng có tác động nhẹ sau quyết định giảm lãi suất điều hành từ NHNN.

Theo đó, mức trần lãi suất huy động tiền đồng của các ngân hàng đối với tiền gửi kỳ hạn từ 1 đến 6 tháng giảm từ mức tối đa 5,5%/năm xuống 5%/năm; kỳ hạn dưới 1 tháng giữ ở mức 0,5%/năm. Đồng thời, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với ngân hàng giảm từ mức 6%/năm xuống 5,5%; lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5%; lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên ở mức 3,5%/năm.

Ngân hàng ‘canh’ giảm lãi suất - Ảnh 1.

Lãi suất huy động chưa vội giảm trong ngày 24.5

NGỌC THẮNG

Các mức lãi suất này có hiệu lực từ 25.5, thế nên các ngân hàng thương mại vẫn chưa có động thái giảm lãi huy động trong sáng 24.5 ở các kỳ hạn dưới 6 tháng về tối đa 5%/năm. Vào giữa tháng 5, 4 ngân hàng thương mại lớn gồm Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank đã giảm lãi suất huy động tiền gửi xuống 0,3%/năm, kỳ hạn 3 tháng còn 5,1%/năm. Các ngân hàng khác như Techcombank huy động kỳ hạn từ 1 - 5 tháng ở mức 5,5%/năm; ACB 5,3%/năm; VPBank từ 5,2 - 5,3%/năm… Một số ngân hàng cho biết, mức chênh lệch giữa lãi suất thực tế đang huy động và trần lãi suất mới 5%/năm không nhiều nên cũng chưa vội điều chỉnh xuống khi chưa đến ngày hiệu lực. Ngân hàng vẫn giữ mức lãi huy động đến cuối ngày để giữ nguồn vốn huy động đang có, sợ điều chỉnh giảm trước sẽ bị ngân hàng khác hút vốn về.

Sự cạnh tranh trong huy động vốn giữa các ngân hàng thể hiện rõ khi lãi suất từ kỳ hạn 6 tháng trở lên nhảy vọt cao hơn dưới 6 tháng từ 1 - 2%/năm. Mức lãi nhiều ngân hàng thương mại cổ phần huy động kỳ hạn 6 tháng ở mức 6 - 7%/năm, kỳ hạn 12 tháng từ 7 - 8%/năm. Một số ngân hàng "đi đêm" huy động lãi cao nhất lên 9%/năm.

Lãi suất điều hành vẫn cao hơn năm 2020

Việc giảm lãi suất của NHNN nhằm giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận vốn, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh. Thế nhưng, dù đây là lần giảm lãi suất thứ 3 liên tiếp của NHNN nhưng vẫn còn ở mức cao. Lãi suất điều hành hiện nay còn cao hơn thời điểm tháng 9.2020 khi dịch Covid-19 bùng phát từ 0,5 - 1%. Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn cao hơn 1%, lãi suất chiết khấu cao hơn 1% và lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với ngân hàng cao hơn 0,5%.

Ông Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn tài chính trường Đại học Kinh tế TP.HCM nhận xét lãi suất điều hành giảm cũng là tín hiệu tốt cho thị trường. Thế nhưng, vấn đề nội tại của các ngân hàng chưa được giải quyết cũng sẽ khó có thể giúp lãi vay đi xuống. Lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu hay cho vay bù đắp thiếu hụt thanh toán của NHNN thường giải quyết bài toán thanh khoản của các ngân hàng thương mại. Ngân hàng phải có giấy tờ có giá thì mới có thể tiếp cận được dòng vốn này. Nguồn vốn ngân hàng cho vay vẫn chủ yếu huy động từ khu vực khách hàng. 

Theo dữ liệu NHNN tính đến cuối tháng 4, huy động vốn của các ngân hàng tăng 1,78%, chỉ bằng gần 50% so với tốc độ tăng trưởng tín dụng 3,04%. Ông Nguyễn Hữu Huân cho rằng, khi tốc độ huy động vốn của ngân hàng thấp hơn cho vay thì khả năng chi phí vốn huy động khó kéo giảm xuống. Trong chi phí vốn, lãi suất huy động hiện chiếm tỷ trọng lớn. Chỉ 1 - 2 ngân hàng đang cần vốn để xử lý các vấn đề nội tại của họ mà huy động lãi cao hơn các ngân hàng khác thì mặt bằng lãi suất chung khó giảm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Huân cho rằng, một số ngân hàng hiện nay đã sử dụng hết hạn mức (room) tín dụng thì khó có thể điều chỉnh giảm lãi vay trên thị trường. Các ngân hàng lớn big 4 có dòng vốn rẻ, dồi dào mới có điều kiện giảm lãi vay xuống. Thế nhưng, họ cũng cẩn trọng trong việc, không phải khách hàng nào cũng có thể tiếp cận. Chính vì vậy, doanh nghiệp mới tìm đến khối khách hàng thương mại có lãi suất cao hơn. Trong khi room tín dụng hạn hẹp, một số ngân hàng còn phải xử lý vấn đề về trái phiếu nên lãi suất vay khó có thể giảm. Nếu không sớm giải quyết câu chuyện room tín dụng hiện nay thì khả năng tình trạng như năm 2022 sẽ lập lại. Ngân hàng hết hạn mức cho vay sẽ đẩy lãi suất đầu ra lên cao.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.