Bình yên dưới chân núi Ural

03/09/2005 20:09 GMT+7

Với người Việt ở Matxcơva, nếu nói tới Upha thì cảm giác về sự xa xôi không khác gì ở Sài Gòn mà nhắc tới... hóc Bà Tó. Nhưng trong khi số chị em người Việt hùng hậu ở “Mat” cũng như nhiều nơi khác của Liên bang Nga chưa lúc nào có dịp cùng nhau xem "ai Thúy Vân, ai Thúy Kiều", thì riêng cái xứ Upha tưởng xa hút đó, hai năm nay chị em đều có dịp so kè ai là hoa hậu... chính danh, miễn là tuổi từ 18 đến 28.

Người đẹp áo dài 2004 là cô Vũ Thị Huyền, còn Người đẹp Upha 2005 là cô Nguyễn Thu Hoài, đều kinh doanh trong chợ của người Việt ở Upha. Tôi không có điều kiện hỏi được Chủ tịch Ban giám khảo cuộc thi năm nay, ông Phạm Khắc Quang (Phó chủ tịch Hội đồng hương người Việt Upha), về thể thức chấm thi như thế nào. Nhưng ông Trần Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội thì cười: "Ở Upha này ai cũng đẹp hết".

Phải nhìn nhận trong sự xao động của đời sống người Việt ở Liên bang Nga - những bươn chải mưu sinh nhọc nhằn, những nỗi lo về "thẻ xanh", về an ninh thường trực, mới thấy những niềm vui chung cộng đồng như ở Upha thật đáng chú ý.

Upha, thực ra là một thành phố công nghiệp phát triển, nằm dưới chân rặng núi Ural, thủ phủ của nước cộng hòa tự trị Bashkiria thuộc Liên bang Nga. Bashkiria đa sắc tộc, có thủ đô Upha từng là cột mốc sống còn nối liền huyết mạch Đông Tây của Liên bang Xô Viết. Độc giả từng đọc Người con gái viên đại úy của Puskin, hẳn nhớ câu chuyện xảy ra trên chính mảnh đất Bashkiria nhiều huyền thoại này.

Hội người Việt ở Liên bang Nga chính thức thành lập 1 năm nay, thế nhưng Hội đồng hương người Việt ở Upha đến nay đã được 5 năm tuổi, từ hơn 600 người năm 2004 nay đã lên tới khoảng 800 người, trong số khoảng 2.000 người Việt ở Bashkiria. Hội đồng hương được Đại sứ quán Việt Nam công nhận chính thức từ năm 2000. Theo đề nghị của Hội với chính quyền sở tại, một biểu tượng Chùa Một Cột đã được đặt ngay tại vườn hoa lớn nhất ở trung tâm thành phố. Cũng như nhiều nơi bình yên khác, Hội đồng hương Upha thường xuyên tổ chức những hoạt động chung của cộng đồng vào dịp Tết Nguyên đán, Quốc khánh 2/9 hay kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Hội còn đề nghị địa phương đồng ý cho mở trường dạy tiếng Việt...

Hiện nay, ở Bashkiria có gần chục ngôi chợ của người Việt, trong đó có ba chợ ở trung tâm Upha: Trung tâm thương mại Uranpromtogo, chợ "ôtô" (do sát cạnh một chợ bán ôtô lớn của thành phố), và chợ Xácma. Nhưng lớn nhất thì chính là Uranpromtogo. Tôi đã đi qua nhiều nơi, thăm dăm ba nước quanh vùng, đã đến hàng chục Trung tâm thương mại của dân ta, thấy chợ nào cũng na ná như nhau: các quầy nho nhỏ ngăn ra chừng 7-8 mét vuông, dân vừa bán hàng vừa nơm nớp lo bị cảnh sát xua đuổi. Thế nên thật kinh ngạc trước khu Trung tâm thương mại rộng rãi này: ngoài một khu văn phòng khang trang là khu chợ, mỗi quầy bán hàng đều rộng từ 18 đến 30 mét vuông, được quy hoạch theo chủng loại. Điều đáng ngạc nhiên nhất là gần 400 quầy hàng đều không có cửa và tủ. Ban giám đốc giải thích làm như vậy để chợ thông thoáng, không hạn chế tầm nhìn, cũng chẳng lo mất hàng vì giờ đóng và mở cửa đều chuẩn. Vì thế, người buôn bán ở chợ đi làm cũng có giờ giấc đàng hoàng không khác gì... công chức nhà nước. Sân chợ rộng mênh mông nhưng không có rác rưởi. Rất nhiều trung tâm khác đều thu phí xe ra vào (chẳng hạn mỗi lượt xe vào bãi chỉ thu 10 rúp, mỗi ngày đã có khoảng 300 USD tiền xe), nhưng Ban quản trị ở đây hoàn toàn miễn phí khoản này, coi như một cách "khuyến mãi" hiệu quả nhất. Không khí làm ăn thật bình yên.

Trung tâm Thương mại Uralpromtorg

Ông Trần Ngọc Tuấn bảo: "Tình hình thuận lợi nhất là đa số bà con được chính quyền cho nhập hộ khẩu, làm ăn sinh sống hợp pháp. Điều này do sự tác động rất lớn của Hội đồng hương người Việt". Cộng hòa Bashkiria đã đón những người Việt đầu tiên vào khoảng năm 1981 - là những công nhân đến làm việc theo Hiệp định về đào tạo và hợp tác lao động. Dân sở tại hiểu và có cảm tình với Việt Nam chính vì cách sống cần cù, chịu khó và chất phác của lao động người Việt.

Trần Ngọc Tuấn, ông chủ của hai trung tâm thương mại người Việt lớn nhất và "khác người" ấy ở Upha và một số nơi khác, chủ một nhà máy sản xuất tấm lợp nylon, kiêm Chủ tịch Hội đồng hương người Việt ở Upha cho biết, dù có đến “một núi việc” như thế nhưng anh vẫn xốc vác cùng anh em hoạt động phong trào. Qua những biến động thời hậu Liên Xô cũ, Trần Ngọc Tuấn là một trong số ít người Việt đầu tiên hợp sức cùng nhau mở cửa hàng bán lẻ ở Upha, tạo ra cách thức làm ăn mới, tạo đà cho sự ra đời của một loạt các cửa hàng khác của người Việt.

Tháng 12 tới, Hội đồng hương người Việt ở Upha sẽ kỷ niệm tròn 5 năm thành lập. Một tín hiệu vui là chính quyền thành phố đã chấp thuận đề nghị của Hội: đồng ý cho xây dựng một khu nhà của người Việt. Bộn bề việc chung thế nhưng chị em người Việt vẫn sẽ đủ thời gian để chuẩn bị cho một ... cuộc thi hoa hậu vào năm sau!

Hoàng Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.