Kinh doanh vài ngày chạy theo một... trend: Không bao lâu thì dẹp tiệm

Tấn Đạt
Tấn Đạt
25/11/2023 06:00 GMT+7

Thấy cái gì trở thành xu hướng (trend) trên mạng xã hội là nhiều người đầu tư mở quán kinh doanh. Tuy nhiên không ít trường hợp thua lỗ, thậm chí là dẹp tiệm, trả mặt bằng không lâu sau đó.

Có ngày chỉ vài người ghé mua

Cách đây vài tháng, khi thấy món cà phê muối "rần rần" trên mạng xã hội, anh Nguyễn Hồng Sơn (34 tuổi, ngụ Q.12, TP.HCM) chi hơn 10 triệu đồng mua nguyên liệu, thiết kế bảng hiệu, xe bán hàng lưu động… rồi thuê thêm mặt bằng nhỏ trên đường Trường Chinh, Q.12, để kinh doanh thức uống này.

"Với mức độ phủ sóng của cà phê muối, tôi hy vọng gần 2 tháng sẽ lấy lại vốn và sau đó sinh lãi", anh Sơn kể.

Đúng như anh Sơn dự đoán, chỉ sau hai tuần mức độ phủ sóng của món cà phê muối tăng nhanh chóng. Nhưng cũng vì thế mà nhiều hàng quán kinh doanh thức uống này cũng xuất hiện khắp nơi.

Không bao lâu thì dẹp tiệm - Ảnh 1.

Những nơi bán bánh đồng xu phô mai vắng khách

Tấn Đạt

"Thời gian đầu, doanh thu trung bình gần 700.000 đồng/ngày. Nhưng đến tháng thứ hai, số lượng bán được chỉ dừng ở gần 20 ly/ngày và sau đó ế ẩm kéo dài. Tôi buộc phải trả mặt bằng, thanh lý xe đẩy với giá rẻ, còn những dụng cụ chế biến, nguyên liệu thì đem về nhà…", anh Sơn than thở.

Xuất phát từ Hàn Quốc, bánh đồng xu phô mai cũng trở thành xu hướng tại VN từ khoảng tháng 9 năm nay. Trên mạng xã hội, những clip về món này đều thu hút lượt xem cao. Nhiều người trẻ cũng tranh thủ mở quán kinh doanh bánh đồng xu phô mai, tuy nhiên lượng khách không được như mong muốn.

Bánh đồng xu phô mai có gì khiến hàng dài người chờ cả tiếng mua ăn thử?

Ngoài việc thuê mặt bằng gần 20 m2 trên đường Sư Vạn Hạnh, Q.10, TP.HCM, L.T.P (29 tuổi) còn chi thêm gần 15 triệu đồng mua 2 máy nướng, các nguyên liệu bột, phô mai, trứng gà… để kinh doanh bánh đồng xu.

"Tuần thứ nhất thì khách ghé mua bánh rất đông, trung bình mỗi ngày mình kiếm được từ 600.000 - 900.000 đồng. Dần về sau, khách ít lại, có ngày chỉ được vài người ghé mua. Đến tháng thứ hai, mình thấy tình hình không ổn nên đã trả mặt bằng…", anh P. kể lại.

Chật vật chạy theo trend

Đến phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền (Q.3, TP.HCM) không khó để bắt gặp hàng loạt tiệm kinh doanh các món theo trend như trà mãng cầu, trà chanh giã tay, cà phê muối… Tuy nhiên, một số địa điểm ở đây đang rơi vào cảnh ế ẩm.

"Mấy tuần trước tôi thấy trà chanh giã tay "hot" nên cũng mua dụng cụ, nguyên liệu về mở bán. Tôi bán được vài ngày thì số lượng khách đến mua chỉ đếm trên đầu ngón tay", chị Lê Thị Trà My (32 tuổi), chủ một tiệm kinh doanh đồ uống tại phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền, cho biết.

Không bao lâu thì dẹp tiệm - Ảnh 2.

Một số người trẻ kết hợp các món theo trend để kinh doanh

Tấn Đạt

"Trước đây tôi bán trà mãng cầu và cũng chỉ được vài ngày rồi không thấy ai mua nữa. Nay lại thêm trà chanh giã tay, thật sự cũng khá chật vật để chạy theo trend", chị My tâm sự.

Đầu tháng 9, Ngô Mạnh Tiến (27 tuổi) nghỉ việc văn phòng rồi chi hơn 10 triệu đồng để mua nguyên vật liệu, mở tiệm kinh doanh bánh đồng xu phô mai trên đường Hoàng Sa, Q.Tân Bình, TP.HCM. Nhưng sau 2 tháng, số lượng tiêu thụ bánh của Tiến không đạt như mong muốn.

"Thú thật, mình có ý định dẹp tiệm, nhưng đầu tháng 11, trà chanh giã tay bất ngờ thành trend. Thế là, mình tiếp tục mua chiếc xe nhỏ, làm thêm bảng hiệu để kinh doanh. Hy vọng, sự kết hợp hai món theo trend sẽ thu hút khách", Tiến bày tỏ.

Có thể nói, thời gian đầu những đồ ăn, thức uống nào đang là trend trên mạng xã hội sẽ được nhiều người tò mò và tìm mua, tuy nhiên chỉ sau một thời gian thì những cửa tiệm kinh doanh các món này rơi vào cảnh "sớm nở tối tàn".

Bán đồ ăn theo trend, chủ quán ngã ngửa vì sự khốc liệt: 'Hết trend, khách làm ngơ'

Lý do vì sao "sớm nở tối tàn" ?

Chị Trần Thị Ngọc Yến, đồng sáng lập cửa hàng đồ ăn và thức uống Fresh Viving (TP.HCM), cho rằng bạn trẻ kinh doanh theo trend cần tìm hiểu rõ về tiềm năng của sản phẩm, đánh giá được thị trường. "Việc lười suy nghĩ, sao chép nguyên bản công thức làm các món theo trend trên mạng xã hội, không biết biến tấu... là những lý do khiến người trẻ phải chịu lỗ, thậm chí dẹp tiệm", chị Yến nói.

"Càng nhiều người tham gia kinh doanh cùng sản phẩm, thì thị phần sẽ nhỏ lại, tính cạnh tranh cao. Đồng thời, nhiều người dễ dàng sao chép ý tưởng kinh doanh, công thức làm các món theo trend, từ đó dễ gây nhàm chán cho khách vì đi đâu cũng thấy mô hình mua bán giống nhau", thạc sĩ Vũ Bạch Văn Dũng, giảng viên Khoa Du lịch, cố vấn chương trình khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, chia sẻ lý do kinh doanh các món theo trend thường thất bại.

Thạc sĩ Dũng cho rằng kinh doanh theo kiểu "bắt trend" không xấu. Tuy nhiên để tránh rơi vào cảnh "sớm nở tối tàn", lỗ vốn thì người kinh doanh cần phát triển theo hướng bền vững. Trong quá trình bán món theo trend phải tìm hiểu nhu cầu của khách, xem thử sản phẩm có còn độ "hot", cần phải thay đổi, bổ sung những gì để hoàn thiện hơn.

"Cần chú tâm đến việc tạo ra sản phẩm đặc trưng riêng cho quán từ các món theo trend, có thể là hương vị hoặc cái tên khác lạ", thạc sĩ Dũng nhấn mạnh.

Cũng "bắt trend" kinh doanh các món như trà mãng cầu, trà chanh giã tay nhưng anh Lữ Thanh Liêm, chủ quán cà phê trên đường Hòa Hưng (Q.10, TP.HCM), đã gặt hái được nhiều thành công.

Đã hơn 5 tháng trôi qua, món trà mãng cầu tại quán cà phê của anh Liêm vẫn là thức uống được nhiều người lựa chọn khi ghé đến. "Mình cũng lo sợ khách chỉ mua một lần rồi thôi nên đã cố gắng đầu tư quán chỉn chu từ cái bàn, cái ghế đến cách trang trí. Đồng thời phá cách, tạo hương vị riêng biệt trong món trà mãng cầu, phù hợp với mọi lứa tuổi. Hiện tại, trà mãng cầu được nhiều người dùng nhất, tiêu thụ gần 100 ly/ngày", anh Liêm hào hứng nói và cho biết đối với trà chanh giã tay thì bên anh thay đổi cách pha chế, nguyên liệu để thức uống mang hương vị đặc trưng của quán, người dùng sẽ nhớ đến nhiều hơn.

Muốn kinh doanh món theo trend thành công, anh Liêm cho rằng cần có kiến thức nhất định để tạo ra sản phẩm thật sự ngon và chất lượng, mang đến cho khách hàng những trải nghiệm mới lạ.

Tiến sĩ, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền, giảng viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho rằng bản chất xu hướng hay trào lưu chỉ tồn tại trong một thời gian, vòng đời nhất định. Những người tạo ra món theo trend sẽ kiếm được lợi nhuận cao trong thời gian đầu. Sau đó, nhiều người khác sẽ bắt chước, sao chép cách thức kinh doanh, dẫn đến việc cung vượt hơn cầu, làm cho món theo trend bị thoái trào.

Muốn kinh doanh thành công một món theo trend thì phải biết thẩm định xu hướng đó kéo dài bao lâu. Đồng thời, hãy chọn những trào lưu tạo ra giá trị vượt trội, mang lại lợi ích vật chất, rõ ràng cho người tiêu dùng.

Tiến sĩ, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền

Theo tiến sĩ Điền, để duy trì và phát triển lâu dài, người kinh doanh buộc phải chủ động tạo ra sản phẩm gây sự tò mò, có chất riêng làm cho khách hàng thích thú sau khi sử dụng. "Muốn kinh doanh thành công một món theo trend thì phải biết thẩm định xu hướng đó kéo dài bao lâu. Đồng thời, hãy chọn những trào lưu tạo ra giá trị vượt trội, mang lại lợi ích vật chất, rõ ràng cho người tiêu dùng", chuyên gia này cho lời khuyên. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.