4 cái tên đang đánh bại Apple ở Trung Quốc

27/08/2016 18:46 GMT+7

Apple đang có con đường chẳng mấy bằng phẳng ở Trung Quốc khi iPhone, sản phẩm chính của hãng, đang đối mặt với mức cạnh tranh gia tăng từ nhiều công ty nội địa.

Theo CNN, tổng doanh số Apple ở Trung Quốc giảm 33% trong quý 2/2016 so với cùng kỳ năm ngoái. Một lý do lý giải cho việc này là sự nổi lên của các nhà sản xuất điện thoại thông minh nội địa như Huawei, Oppo, Vivo và Xiaomi.
Hãng nghiên cứu IDC cho hay bốn thương hiệu lớn kể trên chiếm hơn 56% thị trường Trung Quốc. Sự phổ biến của họ đẩy Apple xuống vị trí thứ năm trong bảng xếp hạng những nhà cung ứng smartphone hàng đầu Đại lục của IDC, với 8% thị phần. Cùng lúc này, hãng mới nổi Gionee với sản phẩm điện thoại dưới 100 USD cũng có thể sớm trở thành đối thủ mới thực sự, theo Strategy Analytics.
Thành công của Apple cũng chính là điểm mà hãng này phải đổ lỗi khi nhắc đến thách thức gia tăng tại thị trường quốc gia châu Á. Có vô số mô phỏng thiết kế iPhone khiến dòng smartphone này khó nổi bật. Ngoài ra, Apple còn chật vật trong việc theo kịp các chiến lược tiếp thị của nhiều đối thủ địa phương vốn giúp tăng nhu cầu người dùng. Dưới đây là cụ thể bốn cái tên đang khiến Apple phải lao đao.
Oppo
Điện thoại Oppo Oppo
Sau khi cho ra mắt chiếc smartphone đầu tiên vào năm 2011, Oppo nổi lên thành hãng bán điện thoại lớn thứ hai ở Trung Quốc, lớn thứ tư trên thế giới. Mẫu Oppo F1s “chuyên gia tự sướng” 5,5 inch và mẫu Oppo R9 trông rất giống iPhone 6S Plus. Oppo nhấn mạnh tính năng sạc nhanh (5 phút sạc cho hai giờ gọi), tính năng máy ảnh “khủng” và mức giá thấp hơn so với hầu hết các thiết bị có thông số kỹ thuật tương tự.
Thành công của Oppo dựa trên vài điểm mạnh quan trọng: họ hiện diện ở các thành phố vừa và nhỏ, nhờ người nổi tiếng quảng bá sản phẩm và tung ra nhiều chiến dịch tiếp thị rất cụ thể. Để tiếp tục đi lên, công ty này cần thu hút thêm nhiều khách hàng rủng rỉnh hơn, ở các thành phố lớn hơn rời Apple và Samsung. Chuyên gia Nicole Peng thuộc hãng nghiên cứu công nghệ Canalys cho biết: “Đây là chiến trường kế tiếp”.
Song đây là nhiệm vụ chẳng dễ dàng. Apple có sức hút mạnh nhất trong tất cả các thương hiệu: 40% khách hàng hiện thời chọn dùng tiếp iPhone ngay cả khi họ phải nâng cấp smartphone đang có.
Vivo
Oppo và Vivo là đối thủ cạnh tranh trực tiếp AFP
Oppo và Vivo là đối thủ cạnh tranh trực tiếp, nhưng cả hai công ty đều được phát triển bởi hãng tiêu dùng khổng lồ Trung Quốc BBK Electronics, chuyên gia Peng nói. Đó là lý do vì sao Vivo và Oppo có quá nhiều điểm tương đồng trong cách tiếp thị sản phẩm của họ.
Vivo cũng nhờ những đại sứ nổi tiếng quảng bá điện thoại và có sự hiện diện rộng rãi tại các thành phố nhỏ. Thiết kế của cửa hàng Vivo khiến người dùng cảm thấy thoải mái, như ở nhà khi thử chọn đồ chơi công nghệ. Hãng IDC viết trong báo cáo: “Đây vẫn là lựa chọn thuận tiện hơn cho người tiêu dùng sống ở thành phố nhỏ hơn, vì họ có thể dễ dàng đi tới một trong các cửa hàng để nhận dịch vụ hậu mãi”.
Khi cuộc đua giành thị phần nóng lên, Oppo và Vivo có thể liên kết với nhau để đua tranh. Hiện tại, họ vẫn đang thể hiện tốt. Vivo là nhà cung ứng điện thoại đứng thứ ba Trung Quốc, có thị phần thua Oppo vài điểm phần trăm.
Huawei
Huawei AFP
Đây là thương hiệu mạnh nhất, chiếm thị phần hàng đầu tính đến thời điểm này. Huawei là nhà sản xuất đứng thứ ba thế giới, sau Samsung và Apple. Công ty vừa cho ra mắt dòng smartphone mới Honor ở Đại lục và Mỹ. Mẫu Honor 8 có khách hàng mục tiêu là những người muốn sở hữu thiết bị có màn hình lớn với mức giá trung bình. Tại Trung Quốc, Huawei quảng cáo sản phẩm của họ dựa trên các tính năng rất cụ thể.
Cũng như các đối thủ cạnh tranh, Huawei gần đây thuê người nổi tiếng quảng bá sản phẩm. Song nhà phân tích Xiaohan Tay của hãng IDC nghi ngờ chiến lược này: “Thuê người nổi tiếng quảng bá sản phẩm có thể giúp tăng doanh số trong ngắn hạn, nhưng chỉ thế này thôi thì có thể không đủ để kéo doanh số trong dài hạn”.
Xiaomi
Điện thoại Xiaomi Xiaomi
Cũng như Apple, Xiaomi có doanh số sụt giảm năm 2015. Theo IDC, hãng hiện nắm ít hơn 10% thị trường Trung Quốc, giảm từ khoảng 16% cách đây một năm. Công ty có nhiều tiếng vang tại Trung Quốc bằng cách bán sản phẩm online trực tiếp cho khách hàng. Sử dụng flash sale, các sản phẩm của Xiaomi thường cháy hàng và được nhận biết nhiều hơn. Song các đối thủ cạnh tranh của họ nhanh chóng nắm được mô hình kinh doanh này và nhân rộng nó.
Chuyên gia Tay cho hay: “Gần đây, sự thu hút của Xiaomi dường như đã qua đi. Dòng sản phẩm phổ thông Redmi của họ bán chạy nhất”. Để chống lại sự sụt giảm, Xiaomi mới đây học “chiêu” của các đối thủ cạnh tranh, bắt đầu nhờ người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm và xây dựng các cửa hàng bán lẻ.

tin liên quan

Apple thua kiện giành thương hiệu ’iPhone’ ở Trung Quốc
Hãng công nghệ Apple vừa thua kiện giành thương hiệu “iPhone” với một doanh nghiệp Trung Quốc. Tòa án Bắc Kinh phán quyết cho phép công ty nước nhà quyền sử dụng thương hiệu “IPHONE” trên sản phẩm của họ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.