Tính đến tháng 6, Sở GT-VT TP.Đà Nẵng quản lý 27 tàu chở du khách được cấp phép hoạt động vận tải theo tuyến cố định trên sông Hàn. Theo Đội CSGT đường thủy (Công an TP.Đà Nẵng), hơn 70% tàu là được cải hoán từ tàu cá, tàu hàng, đò của các hộ dân. Hầu hết đều đã cũ được sửa chữa, cơi nới.
Ông Hồ Văn Tý, Giám đốc Công ty CP Kỹ thuật biển S.Tech cho biết để chuyển đổi mục đích sử dụng tàu, cải hoán đòi hỏi rất nhiều thủ tục nghiêm ngặt, chủ tàu tuyệt đối không được tự thực hiện. Theo đó phải thuê công ty thiết kế, tính toán, sau khi có bản vẽ thì gửi cơ quan đăng kiểm của địa phương hoặc Trung ương tùy phân cấp, cơ quan đăng kiểm phê duyệt thì mới được thi công.
“Quá trình cải hoán ở xưởng, nhà máy, đơn vị đăng kiểm cùng chủ tàu giám sát, đủ điều kiện mới được hạ thủy. Khi nghiệm thu thực hiện hàng loạt các yêu cầu như chạy đường trường, thử độ nghiêng lệch, cân bằng mới được cấp chứng chỉ, cấp sổ…”, ông Tý phân tích. Theo ông Tý, ngay cả cải hoán thành đò ngang chở khách cũng đã yêu cầu khắt khe nên tàu du lịch còn nghiêm ngặt hơn nhiều, đồng thời chất lượng và độ an toàn của tàu cải hoán chắc chắn không thể đảm bảo bằng tàu đóng nguyên bản theo mục đích sử dụng ban đầu.
Đồng quan điểm, ông Mai Văn Chính, Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty TNHH MTV đóng và sửa chữa tàu Hải Sơn cho hay, hồ sơ cải hoán sau khi được thẩm định thì các đơn vị đóng, sửa tàu mới nhận thi công, tuy nhiên khi đã thay đổi công năng thì luôn có những hạn chế nhất định trong vận hành. “Có nhiều tàu khi Đội chúng tôi áp sát kiểm tra mới gỡ mái che, vốn dùng để khách leo lên ngắm cảnh…”, một thành viên Đội CSGT đường thủy cho biết.
Cơ quan đăng kiểm, cấp phép cũng thiếu kinh nghiệm
Chủ một triền đà đóng, sửa chữa tàu (đề nghị giấu tên) đặt vấn đề, đơn vị đăng kiểm có nên chấp nhận cho cải hoán tàu cá thành tàu chở du khách, bởi lẽ hiện nay hầu hết tàu cá quá cũ, không còn đi biển được thì mới bị bán để cải hoán. Chất lượng máy tàu kém nhưng do chỉ chạy trong sông Hàn, nếu chết máy thì kéo về bờ dễ dàng nên thường chủ tàu rất chủ quan. Trọng tâm của tàu cá nằm ở khoang chứa cá nhưng khi cải hoán lại mở rộng khoang, dựng thêm tầng 2 và du khách đều muốn ngồi trên cao để ngắm cảnh, dẫn đến mất cân bằng rất nguy hiểm.
Tại cuộc họp xử lý vụ việc sáng 6.6, theo báo cáo của Sở GTVT, về vấn đề đăng kiểm cho tàu cải hoán, căn cứ quy định, các tàu du lịch cải hoán từ loại tàu khác nếu vẫn đảm bảo thiết kế, quy chuẩn kỹ thuật thì vẫn được đăng kiểm và cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, không hài lòng với lý giải này, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ minh chứng là trường hợp tàu Thảo Vân 2 đã dựng thêm mái, dồn quá đông khách lên trên, mất cân bằng dẫn đến lật úp.
“Nghị định thì chúng ta có đủ nhưng thực tế quản lý quá nhiều bất cập, chính cơ quan Nhà nước đăng kiểm, cấp phép cũng không có kinh nghiệm, thiết kế cũng vậy. Tàu cá hoán cải làm mái bằng là để che nắng mưa nhưng lại đưa khách lên ngồi, nên khi phê duyệt thiết kế, kiểm định an toàn phải tính lại. Những tàu cá đã cải hoán thì phải điều chỉnh mái bằng thành mái vát không ngồi được, cố định số ghế, nếu chở quá thì nghiêm trị” - ông Thơ nói.
Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ quyết liệt yêu cầu dừng chạy tàu du lịch trên sông Hàn từ 7 đến 10 ngày để rà soát toàn bộ, đồng thời thành phố không cấp phép mới các trường hợp đăng ký cải hoán. Tuy nhiên quá trình này phải thực hiện nhanh để không ảnh hưởng hoạt động du lịch.
Bình luận (0)