Ảm đạm ở 'thủ phủ' heo

Giá heo xuống thấp và kéo dài trong 6 tháng qua khiến hầu hết người chăn nuôi ở Đồng Nai, nơi được xem là 'thủ phủ' chăn nuôi lớn nhất nước rơi vào cảnh lao đao, phá sản, thậm chí còn phải cầm cố sổ đỏ, bán đất để trả nợ ngân hàng.

Nợ nần vì heo
Chị Lê Thị Tuyết Linh (ngụ xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, Đồng Nai) cho biết trước đây chị nuôi theo hình thức nhỏ lẻ. Đến năm 2015 thấy giá heo ngày càng cao và ổn định (trên 50.000 đồng/kg), đem lại lợi nhuận cao nên gia đình chị đã gom góp tiền và vay mượn thêm 2 tỉ đồng để mở rộng chuồng trại, đầu tư nuôi trên 1.000 con heo. Heo gần đến ngày xuất chuồng thì giá bắt đầu rớt, khiến chị lỗ nặng, mất khả năng trả nợ.
“Giá heo xuống quá thấp, hiện chỉ còn 17.000 - 23.000 đồng nên gia đình tôi phải bán đổ bán tháo nhằm gỡ gạc chút vốn. Thương lái tính đầu heo trả tiền chứ không cân ký. Cuộc sống chỉ chăm chăm vào mấy con heo giờ nó như vậy đúng là kiệt quệ hết sức lực và tài sản. Sắp tới, tôi chưa biết phải sống ra sao khi nhà cửa đều thế chấp hết cho ngân hàng để vay vốn”, chị Linh buồn bã tâm sự.
Tương tự, ông Trần Bình Mạnh (ngụ xã Quang Trung, huyện Thống Nhất) đã bỏ ra hàng tỉ đồng đầu tư xây chuồng lạnh nhưng chỉ sau một năm đã phải đóng cửa. “Khi mới nuôi, giá heo bắt đầu hạ xuống, làm tôi lỗ hàng trăm triệu đồng, buộc phải cầm sổ đỏ vay vốn ngân hàng nhằm duy trì đàn heo hi vọng giá cả ổn định trở lại. Tuy nhiên càng ngày, giá càng xuống thấp khiến tôi mất khả năng chi trả. Mỗi lần xuất bán khoảng 800 con thì mất đứt gần 1 tỉ đồng nên đành treo chuồng”, ông Mạnh nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ những hộ chăn nuôi heo gặp khó khăn mà ngay cả các chủ đại lý cám cũng thấp thỏm đứng ngồi không yên vì nợ ngập đầu. Do hầu hết các hộ đều mua thiếu thức ăn chăn nuôi đến khi xuất chuồng mới trả nợ, nhưng do heo bán ra là lỗ nặng nên chủ trại cũng không có tiền để trả cho đại lý cám.
Bà Trần Thị Thanh (chủ đại lý thức ăn chăn nuôi Minh Thúy tại xã Gia Kiệm) cho hay đến nay tổng số tiền mà các chủ trại nợ tiền cám lên đến 16 tỉ đồng. “Do các chủ trại không có tiền trả nên buộc gia đình tôi phải đi vay gần 6 tỉ đồng để trả tiền cám cho đại lý cấp trên của mình”, bà Thanh than vãn.
Tìm cách bán thịt cho công nhân
Tại cuộc họp với Bộ NN-PTNT vào ngày 27.4, nhằm tìm cách “giải cứu” đàn heo khỏi tình cảnh rớt giá thê thảm hiện nay, ông Võ Văn Chánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng hiện tại chúng ta đang vướng khâu phân phối lưu thông. Do đó, cần tìm cách giúp người dân đưa sản phẩm từ chỗ nuôi đến nơi tiêu thụ bằng con đường ngắn nhất và nhẹ chi phí nhất.
“Đồng Nai là nơi tập trung hơn 700.000 công nhân, lao động, nên tận dụng lợi thế này để tiêu thụ heo. Do đó, Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai tạo điều kiện cho người nuôi heo bán heo trực tiếp cho công nhân với giá rẻ hơn thị trường, rẻ hơn siêu thị nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn… Đồng thời xem xét các giải pháp khác như cấp đông, tiêu thụ trong lực lượng vũ trang, bếp ăn tập thể… Về lâu dài cần tái cơ cấu làm ổn định thị trường, đưa ngành chăn nuôi vào chuỗi để có kế hoạch phát triển bền vững”, ông Chánh nói.
Ông Chánh cũng kiến nghị Chính phủ đàm phán với Trung Quốc để khơi thông thị trường xuất khẩu chính ngạch và giải quyết khó khăn trong giai đoạn hiện nay bên cạnh tìm kiếm các thị trường khác để xuất khẩu heo. Về phía ngân hàng cần tiếp tục hỗ trợ người chăn nuôi bằng việc cho khoanh nợ, giãn nợ và tiếp tục cho vay.
Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đồng tình với các giải pháp và kiến nghị mà UBND tỉnh Đồng Nai đưa ra. Ông Tám cho biết vừa qua đoàn cấp cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã ngồi lại đàm phán, xúc tiến việc xuất khẩu heo qua đường chính ngạch. “Do đó, giai đoạn này người chăn nuôi không nên chán nản, chểnh mảng chăm sóc đàn heo, vì điều này rất dễ dẫn đến dịch bệnh xảy ra”, ông Tám lưu ý.
Theo ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, tổng đàn heo trên địa bàn hiện có 1,7 triệu con (giảm 16,3% so với tháng 1.2017 nhưng vẫn đứng đầu cả nước), trong đó chăn nuôi trang trại chiếm 87,5%. Từ tháng 11.2016 đến nay giá heo hơi giảm liên tục, hiện chỉ còn từ 22.000 - 24.000 đồng/kg (giảm gần 30.000 đồng so với tháng 4.2016), với giá này tính trung bình người chăn nuôi lỗ khoảng 7.000 - 11.000 đồng/kg.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.