Từ hai bàn tay trắng sau ngày xuất ngũ, anh Nguyễn Tuấn ở xã biên giới Ia Krái, H.Ia Grai (Gia Lai) đã tự xây dựng nên cơ nghiệp sau không ít lần 'lên thác xuống ghềnh'.
Anh Nguyễn Tuấn từ tay trắng tạo cho mình cơ nghiệp - Ảnh: Trần Hiếu |
Anh thợ sửa xe máy Nguyễn Tuấn ở vùng quê nghèo H.Triệu Phong (Quảng Trị) lên đường nhập ngũ, đóng quân nơi miền đất lạ với anh: Lữ đoàn pháo binh 40, Quân đoàn 3 ở Gia Lai. Tây nguyên, miền đất ngỡ như thoáng qua trong cuộc đời quân ngũ hóa ra lại là nơi anh mưu sinh, lập nghiệp.
Khởi nghiệp với chiếc ba lô và đồ nghề sửa xe
Anh Tuấn kể: “Nhà đông anh em, đến 6 người, lại không có điều kiện theo học nên đến lớp 9 phải ở nhà phụ ba mẹ kiếm sống. Lúc đó nghề sửa xe máy đang thịnh, vậy là mình đi học. Họ học nhiều năm mới ra nghề, mình học mới hơn 2 năm đã vững, bắt đầu mở làm riêng. Có lệnh nhập ngũ, vậy là đi. Năm 1994 thì xuất ngũ. Trở về quê được gần một năm, quay lại với nghề sửa xe máy, xe đạp nhưng làm ăn ngày càng khó. Có bà con ở xã Ia Krái về quê rủ rỉ “nghề sửa xe máy trong đây còn chưa nhiều, có thể kiếm sống được. Có gan có chí thì đi”. Anh quyết định: “Xách ba lô và đồ nghề sửa xe máy, mình lên Ia Krái khởi nghiệp”.
Thuê một căn nhà ọp ẹp của người dân, anh Tuấn bày đồ, hành nghề sửa xe đạp, xe máy. Lúc đầu chỉ lác đác vài khách, đủ qua ngày đạm bạc. Nhưng có điều khó là tiếng của anh khác ở vùng này. Nhiều khi anh nói người dân không nghe được, phải nói chậm hoặc nhiều lần họ mới hiểu. Đặc biệt gặp khách người bản địa, họ không hiểu, chỉ cười.
Tiệm xe máy của anh Tuấn sửa uy tín, chất lượng. Tiếng lành đồn xa, nhiều người dân khi xe bị hư đã lặn lội từ làng xa đưa đến cho “ông thợ trọ trẹ”. Rồi anh mở bán thêm hàng gia dụng và phụ tùng xe. Sau 4 năm, anh Tuấn mua được nhà và an tâm định cư trên vùng đất mới, lập gia đình.
Làm “gã khùng” nơi biên viễn
Năm 2010, anh Tuấn khiến mọi người choáng váng và ngạc nhiên khi tuyên bố xin đất, tự bỏ tiền túi ra xây chợ. “Lúc đó mình cứ nghĩ người dân xã này buôn bán dọc đường theo kiểu tự phát, nguy hiểm đến tính mạng, mất an toàn giao thông, buôn bán manh mún và nhiều lý do khác. Tất nhiên, làm chợ thì phải nghĩ đến thu tiền. Nhưng mình tính sẽ không thu của dân nhiều, một sạp hàng chỉ vài trăm ngàn. Có một ít vốn trong tay, mình vay thêm ngân hàng 2 tỉ đồng, huy động thêm vài tỉ từ người dân bên ngoài nữa để xây nên khu chợ gần 7 tỉ đồng”, anh Tuấn kể.
Nhiều người bảo anh Tuấn “khùng” khi liều bỏ ra cả đống của để xây chợ. Chỉ trong một năm, khu chợ rộng hơn 3.000 m2 với khu nhà lồng thoáng đãng và hàng loạt ki ốt cùng nhiều công trình phụ trợ khác trên khu đất rộng gần 1 ha đã hoàn thành. Chợ có vị trí thuận lợi nhưng do thói quen, người dân không muốn vào chợ dù được chính quyền động viên, khuyến khích. Anh Tuấn một phen hoảng vì tiền tỉ lỡ đầu tư, lấy tiền đâu trả lãi và gốc cho ngân hàng, rồi tiền vay bên ngoài nữa?
Nhưng trời không phụ công người, sẵn có nghề trong tay, anh mở tiệm bán xe máy. Tiệm rất đắt hàng, xe bán không kịp. Được đà, từ khu nhà có sẵn trong chợ, anh Tuấn mở thêm một siêu thị mini bán đủ các loại hàng tạp hóa, gia dụng. Siêu thị này đắt khách bậc nhất ở khu vực biên giới. Ngoài siêu thị, anh còn có xe chở hàng đi bỏ sỉ khắp nơi.
Mới đây, anh còn ký hợp đồng giao miễn phí khu nhà lồng của chợ cho UBND xã Ia Krái trong thời gian 2 năm để đưa dân vào buôn bán. Anh nói đó là cách mình làm cho dân hiểu thiện ý và cũng là sự tri ân của anh đối với vùng đất này. Ông Dương Mah Tiệp, Chủ tịch UBND H.Ia Grai, nói: “Chính quyền luôn khuyến khích những việc như anh Tuấn làm. Anh Tuấn cũng góp phần trong phong trào nông thôn mới của xã, của huyện. Ngay từ khi anh Tuấn có ý tưởng thuê đất để xây chợ, chúng tôi đã luôn ủng hộ. Chúng tôi đang nghĩ cách vận động người dân vào họp chợ trong khu chợ của anh Tuấn, vừa hợp vệ sinh lại đảm bảo an toàn giao thông. Việc làm của anh Tuấn đáng được tuyên dương vì đã nghĩ cho cộng đồng. Người dân cần ủng hộ anh ấy”.
Bình luận (0)