Bào ngư Bạch Long Vĩ

05/04/2009 00:29 GMT+7

Việc khai thác ồ ạt bào ngư ở Bạch Long Vĩ trong những năm gần đây khiến cho nguồn hải sản vô cùng quý giá này đang dần bị cạn kiệt...

Nghề hái ra tiền

Hiện ở khu vực đảo Bạch Long Vĩ có hai loại là bào ngư đá và bào ngư lỗ. Bào ngư đá chuyên sinh sống, bám vào các vỉa đá ngầm để kiếm thức ăn, còn bào ngư lỗ chuyên sống trong các lỗ dưới đáy biển... Lúc đánh bắt, người ta lặn xuống biển, lần theo các vỉa đá ngầm. Khi thấy bào ngư, người đi săn chỉ cần cầm móc sắt nhẹ nhàng móc vào miệng bào ngư, gẩy nhẹ ra, nhưng phải hết sức nhanh nhẹn và dứt khoát trong động tác, bào ngư sẽ co miệng, lăn ra.

Từ xa xưa, bào ngư đã được xếp cùng với nem công, chả phượng, yến sào, hải sâm, vi cá mập, gân nai, tay gấu, tạo thành “Bát trân” - 8 món ăn quý trong các buổi tiệc cung đình của vua chúa và giới quý tộc. Nhiều vùng biển ở nước ta có bào ngư sinh sống, nhưng bào ngư ngon nhất, bổ nhất và nổi tiếng nhất chỉ có ở khu vực biển thuộc đảo Bạch Long Vĩ, TP Hải Phòng. Bào ngư Bạch Long Vĩ còn nổi tiếng khắp thế giới và sánh ngang với bào ngư ở New Zealand, Mexico hay Australia...

Với đồ nghề là một bộ quần áo lặn và một chiếc móc sắt là có thể ra biển săn bào ngư được. Một tháng 3-4 lần, khi con nước xuống cạn, những ngư dân trên đảo Bạch Long Vĩ và cả những ngư dân đánh cá vãng lai ở khu vực này lại kéo nhau đi lặn tìm bào ngư...

Nếu gặp may, thì mỗi đợt thủy triều rút (khoảng từ 3-4 ngày), một ngư dân săn bắt bào ngư có thể kiếm được 15-20 kg bào ngư. Theo thời giá hiện tại thì một kg bào ngư lỗ có giá từ 400-500 nghìn đồng, còn bào ngư đá (cả vỏ) có giá từ 600-800 nghìn đồng/kg. Vì vậy nếu lặn giỏi, cộng chút may mắn, một ngư dân có thể kiếm ra được 20-25 triệu đồng/tháng là chuyện chẳng khó khăn gì.

Nguy cơ cạn kiệt nguồn hải sản quý hiếm

Những năm trước kia, khi cư dân trên đảo còn thưa thớt, việc quản lý và khai thác bào ngư ở đảo Bạch Long Vĩ do bộ đội hải quân đảm nhiệm. Lực lượng hải quân đóng trên đảo đã thành lập một đại đội chuyên bảo vệ và khai thác bào ngư mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn. Hằng năm, đơn vị này chỉ khai thác một đợt vào mùa hè (từ tháng 5 - tháng 8) và chỉ bắt những con bào ngư đã to bằng lòng bàn tay trở lên, với lớp vỏ đã chuyển sang màu đen ngà như xà cừ óng ánh. Sau khi được chế biến, bào ngư sấy khô được xuất khẩu, mang lại lợi nhuận rất cao, riêng phần ruột của bào ngư sẽ được chế biến để nấu cháo và một số món ăn bổ dưỡng cải thiện cho bộ đội.

Việc quản lý và bảo vệ vùng bào ngư sinh sống cũng hết sức nghiêm cẩn. Nếu các chiến sĩ không thuộc đội khai thác bào ngư tự ý lặn, bắt bào ngư sẽ bị kỷ luật rất nghiêm, thậm chí còn bị tước quân tịch, nếu mức độ vi phạm thường xuyên... Do được lực lượng hải quân bảo vệ tốt, nên bào ngư ở đây cũng rất to và có hàm lượng chất bổ dưỡng cao chứ không nhỏ như bây giờ.

Trung tá Đỗ Trường Sơn, Chủ nhiệm chính trị của Trung đoàn 52, người trước đây đã từng chỉ huy đại đội khai thác bào ngư trên đảo cho biết: Trước đây khi bộ đội quản lý, bào ngư ở vùng biển Bạch Long Vĩ rất nhiều và to, bình quân mỗi năm đơn vị khai thác được từ 30-40 tấn bào ngư tươi, có năm khai thác tới 45 tấn. Sau khi chế biến, sấy khô thu được từ 4-6 tấn bào ngư khô và khoảng 25 tấn vỏ. Với giá bán dao động từ 55-60 USD/kg, nguồn bào ngư đã mang lại giá trị kinh tế rất cao cho đơn vị. Nhờ có bào ngư xuất khẩu mà đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ chiến sĩ trên đảo nói riêng và Vùng A hải quân nói chung được cải thiện đáng kể.

Nhưng từ khi thành lập huyện đảo, toàn bộ ngư trường khai thác hải sản nói chung và bào ngư nói riêng được chuyển giao cho chính quyền huyện đảo quản lý. Vì vậy việc khai thác bào ngư ở khu vực đảo những năm gần đây diễn ra hết sức ồ ạt và không theo bất kỳ một mùa nào. Hễ nước triều rút là người dân lại đổ xô đi săn bào ngư.

Anh Đinh Khắc Minh, quê ở Thủy Nguyên, Hải Phòng có 8 năm định cư, trên đảo cho biết: “Ngày trước bào ngư ở đây rất to và nhiều, nhưng mấy năm trở lại đây bào ngư ít đi thấy rõ. Có lúc đi lặn cả buổi cũng chỉ kiếm được vài chục con bé xíu bằng ngón chân. Nguyên nhân của tình trạng này là do có quá nhiều người đi săn bắt, bào ngư không kịp sinh sản và trưởng thành, cộng với nguồn nước bị ô nhiễm khiến rong rêu chết, làm cạn kiệt nguồn thức ăn của bào ngư”. Mặc dù chính quyền địa phương cũng ban hành các quy định về việc cấm khai thác bừa bãi nguồn hải sản quý giá này, nhưng việc quản lý là rất khó. Mỗi kỳ nước triều rút, hàng trăm ngư dân trên đảo lại lén lút lặn bắt bào ngư, khiến cho bào ngư không kịp lớn đã bị bắt sạch để ngâm rượu.

Được biết, hiện nay đã có một số ngư dân đang đầu tư khoanh vùng nuôi bào ngư theo mô hình nuôi ngọc trai ở vịnh Hạ Long, nhưng chưa có mô hình nào thành công cả. Ông Đinh Quốc Ái, Phó chủ tịch UBND huyện đảo Bạch Long Vĩ cho biết: “Nếu quản lý tốt ngư trường và khai thác có kế hoạch thì bào ngư sẽ mang lại giá trị kinh tế rất lớn cho đảo Bạch Long Vĩ. Vì vậy trong thời gian sắp tới, ngoài việc thắt chặt quản lý việc khai thác bào ngư, chính quyền địa phương cũng động viên, hỗ trợ để các ngư dân xây dựng các mô hình nuôi bào ngư, biến ngành này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đảo Bạch Long Vĩ”. 

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.