Buông lỏng quản lý vàng nữ trang
Một trong những lý do quan trọng không thể xử lý hành vi gian lận tuổi vàng hiện nay, theo các cơ quan quản lý là do Việt Nam chưa có Bộ tiêu chuẩn thống nhất về vàng trang sức, nên không biết dựa vào đâu để xử phạt. Thực trạng này tồn tại từ vài năm nay kể từ khi NH Nhà nước "buông" quản lý kinh doanh vàng trang sức, thị trường này bị thả nổi, không thuộc trách nhiệm trực tiếp của bất cứ một cơ quan nào.
Theo TS Vũ Đình Ánh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường và giá cả, nếu phân biệt rạch ròi thì vàng đạt tiêu chuẩn quốc tế là vàng khối, vàng thỏi có chất lượng từ 99,5% và khối lượng từ 1 kg trở lên, có nhãn hiệu của nhà sản xuất vàng được hiệp hội vàng, Sở giao dịch vàng quốc tế công nhận, dùng để dự trữ ngoại hối do NH nhà nước quản lý. Vàng nữ trang mua - bán trên thị trường như vòng, nhẫn, dây, hoa tai... được xem như một loại hàng hóa phải do cơ quan quản lý thị trường đứng ra chịu trách nhiệm quản lý, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng ban hành, giám sát chất lượng. Ông Ánh cho biết thêm, theo quy định của Bộ Công thương, Cục Quản lý thị trường và chi cục ở các địa phương có trách nhiệm quản lý, giám sát hàng lậu, hàng giả, hàng kém phẩm chất... trong đó có mặt hàng vàng trang sức. "Khi các DN kinh doanh vàng này có hành vi gian lận, các cơ quan quản lý thị trường có quyền kiểm tra, xử lý vi phạm", ông Ánh nói.
Suốt một thời gian dài, các cơ quan quản lý không xử lý được một trường hợp gian lận nào của các DN, cửa hàng kinh doanh vàng, bạc. Đó là chuyện lạ và bất bình thường.
|
|
Ông Đỗ Gia Phan, Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam |
Ông Đỗ Gia Phan, Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, cho rằng không ban hành được tiêu chuẩn vàng thống nhất đúng là đã gây khó khăn cho các đơn vị quản lý thị trường xác định hành vi gian lận của các DN này, nhưng không thể vin vào đó để buông lỏng quản lý, giám sát. Suốt một thời gian dài, các cơ quan quản lý không xử lý được một trường hợp gian lận nào của các DN, cửa hàng kinh doanh vàng, bạc. Đó là chuyện lạ và bất bình thường. Theo ông, sở dĩ tình trạng trên tồn tại do không cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý nên thị trường bị thả nổi, DN cứ gian lận hết năm này qua năm khác. Ông Phan cho rằng, nếu Tổng cục Đo lường chất lượng kết hợp với quản lý thị trường cùng kiểm tra, xử lý vài trường hợp, chắc chắn các DN sẽ không dám gian lận tràn lan như vậy. "Các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc, không thể đùn đẩy trách nhiệm gây thiệt hại tới quyền lợi người tiêu dùng trong một thời gian dài như vậy", ông Phan nói.
Cơ quan có trách nhiệm không có... chuyên môn
Trả lời Thanh Niên về trách nhiệm quản lý các DN, cửa hàng kinh doanh vàng trang sức, ông Lưu Tiến Long - Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cũng thừa nhận từ trước tới nay chưa xử lý được một vụ gian lận nào về tuổi vàng. Lý do ông Long đưa ra vì cơ quan quản lý thị trường không có chuyên môn, cũng như các phương tiện cần thiết để xác định được tuổi vàng bao nhiêu, gian lận như thế nào. "Khi các đơn vị chuyên môn xác định được hành vi gian lận tuổi vàng, chuyển kết quả sang bên quản lý thị trường thì chúng tôi mới chứng minh được đó là hành vi gian lận thương mại làm cơ sở xử lý các DN này", ông Long nói.
Ngay sau khi Báo Thanh Niên thông tin về tình trạng vàng kém chất lượng tràn lan trên thị trường, một độc giả đã điện đến báo hỏi thăm phải kiện cửa hàng kinh doanh vàng ở đâu. Độc giả này cho biết đã mua một sợi dây chuyền vàng trắng 3 chỉ, có giấy mua bán ghi là vàng 7 tuổi rưỡi, giá 5 triệu đồng. Khi đem sợi dây đi bán, tiệm vàng này đã đóng cửa. Tiệm vàng khác chỉ thu lại sợi dây 2,25 triệu đồng vì vàng không phải 7 tuổi rưỡi mà thấp hơn. Đây cũng là tình trạng phổ biến hiện nay trên thị trường vàng và người tiêu dùng không biết "gõ cửa" nơi đâu để đòi quyền lợi. |
Về Bộ tiêu chuẩn thống nhất chất lượng vàng trang sức, ông Phó Đức Sơn - Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam, thuộc Tổng cục Tiêu Chuẩn đo lường Chất lượng chỉ khẳng định, Viện đã ban hành những bộ tiêu chuẩn về phương pháp thử vàng và màu sắc, con dấu. Tuy nhiên, một bộ tiêu chuẩn thống nhất về vàng nữ trang trên danh mục quyết định về công bố tiêu chuẩn quốc gia thì chưa có.
Để tự bảo vệ mình, ông Phan khuyến cáo người tiêu dùng phải cảnh giác, cẩn thận khi mua bán. Thứ nhất, mua vàng ở những DN có thương hiệu, vàng có đóng dấu rõ ràng. Thứ hai, khi mua bán phải có hóa đơn, chứng từ phòng khi phát hiện vàng kém phẩm chất, gian lận tuổi dùng để làm căn cứ khiếu nại với các cơ quan quản lý. "Trong trường hợp không thể khiếu nại, thì có thể kiện các DN làm ăn bát nháo", ông Phan nhấn mạnh.
Theo một chuyên gia vàng, vẫn có thể xử phạt các DN gian lận tuổi vàng bởi trên thực tế, nữ trang vàng đóng dấu 18k thì hàm lượng vàng chiếm 70% - 75%. Nếu hàm lượng vàng trong sản phẩm đó chỉ ở mức 68%, 65% và thậm chí là 51% thì có thể xử phạt được rồi. Hay với vàng trắng (khác với bạch kim) tương đương 14k (hàm lượng vàng 58,3%), nếu hàm lượng vàng thấp hơn thì cũng là gian lận. Đó là chưa kể, nhiều nơi đóng dấu 18k nhưng tuổi vàng chỉ đạt 41%, thậm chí 25%. "Biết là gian lận thì có thể xử phạt được rồi" - chuyên gia này nói.
Ông Huỳnh Trung Khánh - Phó chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam cho biết, việc xử phạt hành chính không có tác dụng gì khi mức lợi nhuận từ kinh doanh đem lại cao hơn nhiều. Ở nước ngoài, kinh doanh nữ trang kém chất lượng bị phạt rất nặng. Chẳng hạn ở Hồng Kông, chủ tiệm vàng có thể bị phạt đến 500.000 đô la Hồng Kông, trường hợp không có tiền đóng thì có thể bị phạt tù. Hơn nữa, các tiệm vàng trong nước hiện nay khá đông, chỉ tính riêng tại TP.HCM đã lên đến 3.000 công ty kinh doanh vàng, nên việc kiểm tra không hề đơn giản. |
Anh Vũ - Thanh Xuân
Bình luận (0)