Cà Mau gỡ khó cho người nuôi thủy sản

16/06/2016 11:24 GMT+7

Theo thống kê của Sở NN-PTNT Cà Mau, sau nhiều tháng “gồng mình” chống chịu với hạn hán và xâm nhập mặn , nông dân Cà Mau bị thiệt hại trên 52.000 ha tôm nuôi, tương đương hơn 260 tỉ đồng.

“Khóc ròng” vì hạn hán
Hàng ngàn nông dân Cà Mau hiện lâm vào cảnh nợ nần, túng thiếu do tôm, cá nuôi chết hàng loạt. Ở các xã Khánh Bình, Khánh Bình Tây Bắc (H.Trần Văn Thời), nhiều hộ dân chuyên nuôi cá sặc rằn (cá bổi) “khóc ròng”. Ông Nguyễn Tấn Lực (ngụ ấp Đá Bạc, xã Khánh Bình Tây Bắc) cho biết thời tiết khô hạn như hiện nay khiến cá nuôi chậm lớn do nước bị nhiễm mặn, còn những hộ chưa xuống giống cũng đứng ngồi không yên vì đã trễ lịch thời vụ.


Sau khi công bố thiên tai, tỉnh sẽ xem xét hỗ trợ cho người nuôi thủy sản, dự kiến bằng hình thức trao trực tiếp con giống có chất lượng tốt và kích cỡ lớn, nhằm rút ngắn thời gian sản xuất theo kịp lịch thời vụ

Ông Châu Công Bằng


Ông Lực hiện có 3 ao nuôi cá bổi, với tổng diện tích hơn 1.500 m2. Năm trước do giá cá bổi tăng, người nuôi lãi cao nên ông đầu tư vài chục triệu đồng thuê máy xúc đào thêm ao nuôi mới. “Không ngờ thời tiết lại diễn biến bất thường, vụ nuôi này tôi cầm chắc lỗ”, ông Lực nói. Mặc dù đã có mưa xuống nhưng lượng nước vẫn chưa đủ để nông dân tiếp tục vụ nuôi mới.
Một số hộ không trữ được nguồn nước ngọt đành phải “treo” ao. Nhiều hộ đã thả nuôi cá bổi được 3 - 4 tháng cũng đang rất lo lắng vì thiếu nguồn nước để thay đổi trong ao nuôi. Cũng trong hoàn cảnh tương tự, ông Ngô Thanh Tân (ngụ TT.Trần Văn Thời) phải bóp bụng bỏ thêm tiền mua phân thuốc xử lý nguồn nước trong 2 ao nuôi bị ô nhiễm do ảnh hưởng hạn, mặn.
Nhiều hộ nuôi tôm, đặc biệt là tôm công nghiệp cũng “méo mặt” vì hạn hán. Gia đình ông Nguyễn Văn Thật (ngụ ấp Bùng Binh 2, xã Hòa Tân, TP.Cà Mau) hiện có 4 đầm tôm công nghiệp cũng đang trong cảnh “gác” ao. Từ năm 2015 đến nay, ông nuôi vụ nào xem như lỗ vụ đó. Vào mùa nắng hạn, nước nhiễm mặn nghiêm trọng, con tôm chẳng những không lớn mà còn chết sạch.
Hỗ trợ nông dân
Ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau, cho biết nắng hạn gay gắt kéo dài làm độ mặn tăng cao, nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệch lớn, môi trường nước trong ao, vuông biến động… khiến tôm nuôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Qua thống kê nhanh, đến thời điểm này, diện tích tôm nuôi bị thiệt hại trong toàn tỉnh khoảng 52.467 ha (chiếm 19,7% diện tích nuôi). Nếu tính chi phí 1 ha tôm nuôi khoảng 5 triệu đồng thì tổng thiệt hại là trên 260 tỉ đồng. Trước tình hình tôm nuôi bị chết hàng loạt trên diện rộng, mới đây ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã ký quyết định công bố thiên tai cấp độ 2 đối với ngành nuôi trồng thủy sản (thời gian xảy ra từ ngày 1.2 - 15.5.2016).
“Con số thiệt hại trên mới chỉ là khảo sát sơ bộ, trên thực tế có thể còn lớn hơn. Sau khi công bố thiên tai, tỉnh sẽ xem xét hỗ trợ cho người nuôi thủy sản, dự kiến bằng hình thức trao trực tiếp con giống có chất lượng tốt và kích cỡ lớn, nhằm rút ngắn thời gian sản xuất theo kịp lịch thời vụ”, ông Bằng cho biết.
Ngoài việc hỗ trợ trực tiếp con giống, tỉnh còn căn cứ vào tỷ lệ thiệt hại thực tế đối với từng hộ nuôi. Chẳng hạn đối với nuôi tôm quảng canh, hộ bị thiệt hại từ 30 - 70% sẽ được hỗ trợ từ 2 - 4 triệu đồng/ha; còn thiệt hại từ 70% trở lên sẽ được hỗ trợ từ 4 - 6 triệu đồng/ha. Để giúp nông dân tái sản xuất, ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau đã thành lập 6 đoàn công tác gồm những cán bộ kỹ thuật, kỹ sư trực tiếp đến với người dân ở các huyện có diện tích tôm nuôi bị thiệt hại nặng nhất giúp bà con khôi phục sản xuất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.