Các dự án metro đều tăng vốn 60% - gần 200%

12/09/2014 17:36 GMT+7

(TNO) Tất cả các dự án đường sắt đô thị (metro) đang triển khai tại Hà Nội - TP.HCM đều chậm tiến độ, đội vốn ít thì 60%, nhiều thì gần 200%, thậm chí có dự án chưa triển khai đã… tăng vốn.

(TNO) Tất cả các dự án đường sắt đô thị (metro) đang triển khai tại Hà Nội - TP.HCM đều chậm tiến độ, đội vốn ít thì 60%, nhiều thì gần 200%, thậm chí có dự án chưa triển khai đã… tăng vốn.

Tại cuộc họp về tiến độ các dự án metro tại Hà Nội, TP.HCM của Bộ GTVT sáng 12.9, theo ông Nguyễn Hoằng, Vụ trưởng Vụ KH-ĐT, tất cả dự án metro đều tăng tổng mức đầu tư từ 60% đến gần 200%. Đặc biệt, dự án metro số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, dù chưa đấu thầu, thi công nhưng đã dự kiến tăng tổng vốn từ 19.500 tỉ lên 51.750 tỉ, tăng 164%.

 cát linh hà đông
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội): Ảnh - Ngọc Thắng

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, cần xác định rõ nguyên nhân tăng ở đâu. “Chúng ta cứ đổ lỗi cho giải phóng mặt bằng (GPMB), nhưng với Hà Nội, tăng tổng mức đầu tư do khách quan, nghiên cứu dự án rất sơ sài, thiếu nhiều từ hướng tuyến nhà ga, như tuyến số 3 ban đầu đặt ga ngầm ở Voi Phục, nhưng sau đó chuyển sang Kim Mã, chưa làm gì mới chỉ rà soát trên giấy đã tăng vọt gấp đôi lên 1,1 tỉ USD”, ông Hùng phân tích.

Ông Hùng cũng chia sẻ thực tế, có những dự án chưa làm gì nhưng tổng mức đầu tư đã tăng. Như tuyến Nam Thăng Long mới ký xong, rà soát lại trên giấy tờ vốn đầu tư đã tăng 2 lần, lỗi do ban đầu khi lập dự án mới là “cái vỏ” để ký kết hợp đồng vay vốn. Hiện dự án đang được thẩm tra lại mức điều chỉnh, thuê tư vấn độc lập thẩm tra tổng mức đầu tư, mục nào đáng tăng mới được tăng.

Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, toàn bộ các tuyến đều chậm 3 - 5 năm, nếu không nỗ lực thì còn chậm nữa. Các dự án đều vay vốn nước ngoài rất lớn và một phần vốn đối ứng trong nước, nhưng đều phải điều chỉnh tổng mức đầu tư. Dù vốn nào thì người dân nộp thuế cũng phải trả, giờ chưa trả thì con cháu chúng ta phải trả nợ.

Ông Thăng yêu cầu Vụ KH-ĐT chủ trì lập báo cáo, công khai rõ nguyên nhân chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư cho người dân biết, phân rõ trách nhiệm đâu là của Bộ GTVT, đâu là của Hà Nội, TP.HCM, không né tránh trách nhiệm, đổ lỗi cho khách quan.

>> Đôn đốc triển khai Dự án đường sắt đô thị đầu tiên
>> Hà Nội thúc tiến độ đường sắt đô thị
>> Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đội vốn do 'chưa có kinh nghiệm
>> Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông: Đội vốn 339 triệu USD !

Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.