Cần loại bỏ tiếp 50% điều kiện kinh doanh

01/07/2017 06:19 GMT+7

Các chuyên gia cho rằng vẫn còn nhiều điều kiện kinh doanh vô lý cần tiếp tục loại bỏ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn, đóng góp tăng trưởng kinh tế.

Những đề xuất trên được đưa ra hôm qua (30.6) tại buổi công bố báo cáo rà soát các điều kiện kinh doanh và quyền tự do kinh doanh ở VN, do Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức.
Nhiều điều kiện không phù hợp
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, cho hay từ 267 ngành nghề có điều kiện kinh doanh theo luật Đầu tư 2014, đến năm 2016 đã rút xuống còn 243 ngành. Song con số các điều kiện kinh doanh của 243 ngành này lên đến 5.719 (điều kiện) là rất lớn. Trong đó, vẫn còn nhiều điều kiện kinh doanh được đặt ra mà không tuân thủ đúng nguyên tắc bảo vệ lợi ích công cộng, an ninh an toàn xã hội. Vì thế, theo ông Tuấn, tính cần thiết duy trì các điều kiện này là không cao, hoặc có thể thay bằng biện pháp quản lý khác.


16 ngành nghề có điều kiện kinh doanh chưa phù hợp, gồm: xuất khẩu gạo; kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng đông lạnh; hoạt động dịch vụ trọng tài thương mại; kinh doanh dịch vụ mua bán nợ; kinh doanh dịch vụ logistics; sản xuất mũ bảo hiểm, dịch vụ lữ hành; sản xuất, sửa chữa chai khí dầu mỏ hóa lỏng LPG; kinh doanh dịch vụ bảo dưỡng, bảo hành xe ô tô; kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển; kinh doanh dịch vụ vận hành nhà chung cư; kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành cơ sở hỏa táng; kinh doanh dịch vụ sản xuất, phát hành và phổ biến phim; kinh doanh dịch vụ biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, tổ chức thi người đẹp, người mẫu; kinh doanh dịch vụ giới thiệu sản phẩm quảng cáo.
Còn 10 ngành nghề kinh doanh có phạm vi kiểm soát không phù hợp gồm: kinh doanh thực phẩm thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Công thương; kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản; kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật; kinh doanh phân bón; nhượng quyền thương mại; kinh doanh thủy sản; kinh doanh giống cây trồng vật nuôi; kinh doanh giống thủy sản; kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế; kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực chuyên ngành của Bộ NN-PTNT.


"Như điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, việc ảnh hưởng đến an ninh năng lượng là không rõ và có thể xử lý bằng chính sách dự trữ quốc gia, trong khi điều kiện này lại tạo ra gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp (DN), ảnh hưởng cả người trồng lúa", ông Tuấn đơn cử.
Tương tự, với các điều kiện đặt ra trong sản xuất mũ bảo hiểm, ông Tuấn cho rằng nhà nước có thể kiểm soát qua chất lượng mũ lưu thông trên thị trường, chứ không cần phải quy định những điều kiện cơ sở về mút xốp… Bên cạnh đó, vì mỗi DN có thể chỉ tham gia một công đoạn trong quá trình này, nên quy định vậy là làm khó DN.
Vì lẽ đó, báo cáo của 2 tổ chức trên đưa ra kiến nghị loại bỏ 16 ngành nghề khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện; đồng thời, liệt kê danh mục 10 ngành nghề có phạm vi kiểm soát (quản lý) chưa phù hợp.
Cần đánh giá chi phí của các quy định ảnh hưởng ra sao với DN
Bình luận về báo cáo, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty luật Basico, cho rằng phải bãi bỏ khoảng 50% các điều kiện kinh doanh, chứ không chỉ ở con số 26 mà VCCI kiến nghị.
Theo luật sư Đức, dù số ngành nghề có điều kiện trên danh nghĩa đã từ 267 (năm 2014) xuống còn 243 như hiện nay, song nó không phải là giảm mà chỉ là sự "sắp xếp lại". "Như với kinh doanh vàng, trước đây 4 ngành nghề kinh doanh vàng có điều kiện là vàng miếng, vàng tài khoản, vàng nguyên liệu và kinh doanh vàng trang sức, thì nay được gộp chung thành một ngành là kinh doanh vàng", ông Đức dẫn chứng và nói thêm, nếu có 10 ngành kinh doanh có điều kiện được giảm thì có 7 ngành mới mọc lên phải chịu điều kiện, nên thực tế cuộc chiến loại bỏ điều kiện kinh doanh rất nửa vời. "Mới đây nhất, việc Bộ GTVT cấm dịch vụ đi xe chung là ví dụ. Đây là lệnh cấm thiếu căn cứ vì không có trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chứ chưa nói đến sự tiến bộ, lợi ích của loại hình này mang lại cho người dùng", ông Đức phân tích.
Chuyên gia Đặng Quang Vinh, Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), thì lo ngại vì vẫn còn quá nhiều điều kiện kinh doanh nằm trong quy chuẩn, quy hoạch. "Như sản xuất nước mắm, cơ quan quản lý đặt ra quy chuẩn từ nhà xưởng, ánh sáng..., trong khi là người dùng, tôi chỉ quan tâm chai nước mắm chất lượng tốt, an toàn, chứ họ làm gì, sản xuất ra sao tôi không quan tâm", ông Vinh nói và đề nghị cần làm rõ nội hàm thế nào là ảnh hưởng an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, sức khỏe cộng đồng, vì quản lý nhà nước thường vin vào đây để giải thích không rõ ràng khi ban hành điều kiện kinh doanh.
Ông Vinh cũng nhìn nhận, DN đăng ký thành lập trong nước rất nhiều nhưng “khai tử” cũng nhiều, mà lý do chính là môi trường kinh doanh không thuận lợi, chi phí cao, cộng với sự nhũng nhiễu của cán bộ thực thi. "Cần có đánh giá chi phí của các quy định ảnh hưởng ra sao với DN, cũng như làm sao thiết kế quy định để DN chịu ít chi phí nhất", ông Vinh kiến nghị.
Thủ tướng, Bộ trưởng yêu cầu sửa, Cục vẫn giữ nguyên quy định “hành” doanh nghiệp(?!)
Tại hội thảo “An toàn thực phẩm từ quy định đến thực tiễn, vướng mắc và kỳ vọng sửa đổi Nghị định 38”, do Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP); Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM); Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) và Hiệp hội Chè VN phối hợp tổ chức chiều 30.6 ở Hà Nội, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, cho rằng quy định thủ tục công bố chứng nhận phù hợp với quy định an toàn thực phẩm (ATTP) trong Nghị định 38/2012 quy định chi tiết một số điều của luật ATTP là một quy định trái luật, không có trong các quy định của luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và luật ATTP. Bên cạnh đó, luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật quy định chỉ có 6 thủ tục công bố tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, nhưng Nghị định 38 lại có đến 8 thủ tục, khiến chi phí hồ sơ của DN bị đội lên rất nhiều. “Nghị định 38 quy định thời gian xử lý hồ sơ là 1,5 tháng nhưng DN phản ánh phải mất 3 - 6 tháng mới được giải quyết xong”, ông Tuấn nói.
Luật sư Trần Ngọc Hân, tư vấn pháp lý cho nhóm sản phẩm thực phẩm và đồ uống, đại diện Cộng đồng DN Mỹ tại VN (AmCham), dẫn chứng ở thủ tục xin giấy tiếp nhận hợp quy, luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật quy định chỉ có 7 ngày, tính từ ngày DN nộp đủ hồ sơ, nhưng thực tế nhiều DN của AmCham phải cử nhân viên đi lại chỉnh sửa hồ sơ tới 5 lần và mất tới hơn 4 tháng mới xong một thủ tục. Bà Hân cho rằng cách làm của Cục ATTP (Bộ Y tế) theo Nghị định 38 chỉ là kiểm soát ATTP trên giấy tờ, cán bộ chỉ ngồi bàn giấy là không khả thi và đi ngược với thế giới - vốn tập trung vào công tác hậu kiểm, quản lý và giám sát.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, kiến nghị của cộng đồng DN về những bất cập liên quan đến Nghị định 38 có từ nhiều năm nay nhưng không được lắng nghe khi dự thảo sửa đổi Nghị định 38. “Cũng liên quan đến Nghị định 38, Chính phủ đã có nghị quyết yêu cầu sửa đổi; cá nhân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã nhiều lần chỉ đạo để sửa đổi, nhưng không hiểu tại sao, Cục ATTP (Bộ Y tế) là cơ quan soạn thảo sửa đổi Nghị định 38, vẫn giữ nguyên các quy định bất cập thì phải xem lại kỷ luật hành chính, trách nhiệm thực thi công vụ”, ông Cung đề nghị.
Phan Hậu
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.