Chưa đánh thuế tài sản

Việc xây dựng chính sách thuế tài sản là cần thiết, nhưng nhiều ý kiến cho rằng hiện nay chưa nên áp dụng, do người dân đã chịu 3 - 4 tầng nấc thuế để được quyền sở hữu nhà đất.

Trong chương trình xây dựng luật tại Nghị quyết số 22 của Quốc hội, Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 14 dự kiến kết thúc ngày 23.11 tới không có luật thuế tài sản. Theo trả lời báo giới của đại diện Bộ Tài chính, quy định đánh thuế từ nhà thứ 2, 3 mới là định hướng, chưa có dự thảo hoàn chỉnh và chưa áp dụng trong năm 2017.
Thuế phí “bủa vây” người dân
Bà M.Hà (ngụ Q.7, TP.HCM) đang mua căn nhà thứ 2 cho thuê để tăng thêm thu nhập, đã thở phào khi biết sẽ chưa thu thuế tài sản trong năm tới, nhưng cũng chưa hết âu lo trước sắc thuế này bởi bà đã vay gần 1,5 tỉ đồng trong thời gian 20 năm. “Tôi tính đầu tư để khi về hưu có chút thu nhập, vay tiền nhiều mà thuế tăng thì sẽ khó khăn hơn”, bà nói. Ông Trần Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nhà VN (NVN), nhận xét ít nhất trong 2 - 3 năm tới, chưa nên đánh thuế nhà thứ 2, 3. Theo đó, xét ở góc độ thuế, để được quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất, người dân đã phải đóng nhiều khoản nghĩa vụ liên quan đến thuế. Vài năm trở lại đây, những dự án bất động sản (BĐS) thu hút được tiền thật nhàn rỗi trong dân rất ít, mà chủ yếu bằng tiền vay ngân hàng. Như vậy, họ vừa trả lãi suất vừa trả các loại thuế phí cho căn nhà.


Một gia đình gồm hai vợ chồng và con cái (con chưa đủ tuổi đứng tên sở hữu tài sản) sở hữu ngôi nhà thứ 2 là bình thường. Đó là tài sản họ tích lũy và để dành cho con cái sau này. Khi mua và cho thuê bất động sản là tạo thêm công ăn việc làm, tạo giá trị gia tăng cho xã hội

Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh

Ông Thành phân tích thị trường sẽ phải chấp nhận thuế tài sản theo xu thế thế giới, nhưng cần áp dụng trong bối cảnh nền kinh tế có sức đi lên. Còn hiện nay, nền kinh tế đang èo uột, tăng trưởng GDP 6,7% trong năm nay khó đạt, đầu tư đang cần khuyến khích. Thực tế, việc nộp thuế còn tăng thêm thể hiện theo vị trí dự án. Dự án nằm ở vùng lân cận thì giá đất 12 - 15 triệu đồng/m2, vị trí nằm ở gần trung tâm thì 30 - 40 triệu đồng/m2, số tiền chênh lệch cao là do tiền sử dụng đất chiếm phần lớn, đồng nghĩa người dân đã gồng gánh một phần tiền sử dụng đất trong đó. Trong khi đó, người dân mua căn nhà thứ 2 cho thuê thì nhà nước đã có ngay 10% thuế thu nhập cá nhân và tiền thuế đất hằng năm. “Một căn nhà cho thuê 30 triệu đồng, đóng thuế hết 3 triệu hằng tháng là số tiền lớn. Thuế phí hiện bủa vây nhiều quá. Triển khai thêm sắc thuế nữa sẽ khiến tâm lý người dân nặng nề thêm”, ông Thành nói.
Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh, cũng nhận định chưa nên đánh thuế thời điểm này, và chỉ nên đánh thuế từ ngôi nhà thứ 3 trở đi. Bởi hiện nay, khi sở hữu một ngôi nhà, người dân cũng đã phải đóng rất nhiều loại thuế và phí (tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, lệ phí trước bạ, thuế thu nhập, các khoản lệ phí hành chính khác để đăng ký tài sản sở hữu), tính ra có thể lên đến 10 - 15%. Do đó, cần cân nhắc nếu không sẽ dẫn tới tình trạng thuế chồng thuế.
“Một gia đình gồm hai vợ chồng và con cái (con chưa đủ tuổi đứng tên sở hữu tài sản) sở hữu ngôi nhà thứ 2 là bình thường. Đó là tài sản họ tích lũy và để dành cho con cái sau này. Khi mua và cho thuê BĐS là tạo thêm công ăn việc làm, tạo giá trị gia tăng cho xã hội. Còn nếu họ tích lũy vàng hay để tiền ở nhà thì coi như tài sản ấy “chết” một chỗ. Khó thể gọi là đầu cơ nếu vì giữ gìn ngôi nhà do tổ tiên, ông bà để lại, mang giá trị tinh thần nên nhiều người không thể bán, trong khi họ cần mua căn nhà thứ 2 để tiện sinh hoạt”, ông Trung nói.
Không nên vội áp dụng
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, kiến nghị không nên thu sắc thuế này trước năm 2020. Ông Châu lưu ý, sử dụng công cụ thuế để điều tiết thị trường là việc nên làm, nhưng hết sức cân nhắc khi sử dụng thuế trực thu, bởi thông thường loại thuế này chỉ giải quyết tình trạng đầu cơ trong nhà đất, nhưng nó có thể khiến thị trường BĐS vừa khởi sắc chuyển nguội lạnh.
Theo TS Đinh Thế Hiển, việc đánh thuế từ nhà thứ 2 trở đi sẽ ảnh hưởng nhất định đến thị trường BĐS vốn chưa phát triển bền vững. Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước nâng hệ số rủi ro từ 150% lên 200%, nay nếu “bồi” thêm sắc thuế này thì thị trường chưa được nuôi dưỡng mà đã tận thu, người dân khó có thể hưởng ứng. “Không nên làm phức tạp thêm thị trường BĐS, làm nghẽn mạch thị trường còn đang yếu”, ông phân tích.
TS Đinh Thế Hiển đánh giá trước áp lực cải cách nguồn thu ngân sách đang khó khăn, các nguồn thu từ thuế xuất nhập khẩu giảm sút, nhiều khả năng sắc thuế tài sản sẽ được nghiên cứu và ban hành sớm. Hiện thu thuế từ đất đai (không tính lệ phí trước bạ và thuế thu nhập) chỉ chiếm khoảng 0,17% tổng thu ngân sách, còn thấp so với mức trung bình 1% ở các nước, là một trong những lý do có định hướng thu thuế tài sản trong thời gian tới. Nhưng theo ông, sắc thuế tài sản có thể áp dụng chỉ khi có cải cách và giảm bớt một số loại thuế phí có liên quan khác. Bởi nguyên tắc hoạt động của một luật thuế là mang tính lâu dài, tác động đến toàn bộ người dân, nên cần rà soát kỹ và chắc chắn để đạt được hiệu quả và có thể áp dụng thông suốt, chứ không phải vì ngân sách đang thiếu hụt mà vội vã áp dụng.
“Một vấn đề khác nữa là cơ quan quản lý hầu như không nắm được hết các dự án đầu tư, hệ thống cấp sổ đỏ, cũng như số lượng nhà. Nhà nước muốn quản lý tất cả, thể hiện với các quy định như mua bán nhà đất phải qua sàn giao dịch, không thanh toán bằng tiền mặt mà phải qua ngân hàng, phải có ngân hàng bảo lãnh… nhưng vẫn chưa kiểm soát hết được. Vì vậy, cần thời gian dài để chuẩn bị các điều kiện về cơ sở pháp lý lẫn cơ sở dữ liệu quốc gia về nhân khẩu, nhà ở. Chưa kể thu nhập bình quân đầu người trong nước mới chỉ ngang mức 2.000 USD, nhiều gia đình không đủ để trang trải cuộc sống, thì chưa nên áp dụng vội”, ông Hiển nói.
Giới đầu tư e ngại
TS Đinh Thế Hiển đặt vấn đề: Việc chồng thêm một khoản thuế nữa sẽ làm cho giới đầu tư e ngại. Mối lo ngại còn nằm ở chỗ, mức thuế đánh ban đầu là nhẹ, nhưng dần dần được nâng lên theo lộ trình, sẽ trở thành gánh nặng thuế trong thời gian tới. Vì vậy, chưa nên áp dụng thuế tài sản cho căn nhà thứ 2 trở lên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.