Có nên 'hợp nhất' doanh nghiệp làm ăn hiệu quả?

09/03/2016 08:00 GMT+7

Cán bộ, công nhân viên Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Hàm Tân đã gửi đơn lên Thủ tướng phản ánh việc UBND tỉnh Bình Thuận ra quyết định hợp nhất (thực chất là sáp nhập) dẫn đến nguy cơ xóa sổ công ty đang hoạt động hiệu quả thứ nhì trong tỉnh.

Cán bộ, công nhân viên Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Hàm Tân đã gửi đơn lên Thủ tướng phản ánh việc UBND tỉnh Bình Thuận ra quyết định hợp nhất (thực chất là sáp nhập) dẫn đến nguy cơ xóa sổ công ty đang hoạt động hiệu quả thứ nhì trong tỉnh.

Minh họa: DADMinh họa: DAD
Cùng lúc, Bộ NN-PTNT cũng đã yêu cầu tỉnh Bình Thuận thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng về vấn đề này.
Năm 2014, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Hàm Tân (gọi tắt là Công ty Hàm Tân) đạt doanh thu 40 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 21 tỉ. Năm 2015, doanh thu công ty đạt 45 tỉ, lợi nhuận trước thuế đạt 22 tỉ. Lương bình quân đầu người đạt 11 triệu đồng/tháng.
Thế nhưng, công ty 38 tuổi này hiện đang từng bước "vững chắc" trở thành xí nghiệp hạch toán phụ thuộc sau quyết định hợp nhất của UBND tỉnh Bình Thuận do Chủ tịch Lê Tiến Phương ký ngày 16.12.2015, trước khi ông về hưu 10 ngày.
Người lao động của Công ty Hàm Tân bức xúc vì sao họ đang là doanh nghiệp đứng thứ 2 trong tỉnh về hoạt động sản xuất kinh doanh, đứng đầu tỉnh về hoạt động trong mảng lâm nghiệp, nay bỗng dưng gần như bị “xóa sổ” khiến họ có cảm giác bất an về mặt tinh thần trong khi thu nhập chắc chắn sẽ bị giảm sút trong thời gian tới.
Trước đó, Chính phủ đã có Công văn 2095/TTg-ĐMDN do Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh ký ngày 26.11.2015 căn cứ trên tờ trình của UBND tỉnh Bình Thuận và ý kiến tham mưu của Bộ NN-PTNT chỉ đạo về việc tái cơ cấu công ty lâm nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ để chọn đối tác thành lập công ty TNHH 2 thành viên trở lên trên cơ sở thực hiện theo đúng quy định pháp luật và doanh nghiệp mới phải tiếp tục giữ và phát triển thương hiệu, không được đổi tên doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo đơn phản ánh, Công ty Hàm Tân đã nhận được thông báo của UBND tỉnh về việc hợp nhất với Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Bình Thuận và Công ty Hàm Tân đang trong quá trình trở thành xí nghiệp trực thuộc.
Người lao động phản ứng và đề nghị không sáp nhập vì Công ty Hàm Tân hiện đóng ngân sách gấp 2 - 3 lần Công ty Bình Thuận, do đó họ yêu cầu các cơ quan chức năng cần làm rõ và cân nhắc lại việc sáp nhập này.
Một ý kiến nữa do người lao động đưa ra là nếu 2 công ty hợp nhất thì Công ty Hàm Tân sẽ trở thành xí nghiệp, bị rút vốn và không thể chủ động trong hoạt động, trong khi diện tích rừng do công ty mới quản lý sẽ tăng lên trải dài hơn 200 km, dẫn đến khó quản lý, nguy cơ lấn chiếm tăng cao và phát sinh cháy rừng sẽ tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chủ trương của Chính phủ trong việc tái cơ cấu ngành lâm nghiệp nhằm nâng cao tính hiệu quả trong những năm tới.
Trong khi đó, thực trạng của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Bình Thuận (cũ) trong những năm gần đây, việc quản lý rừng và đất rừng đã có những diễn biến khá phức tạp, rừng tự nhiên được giao quản lý đã bị các đối tượng bên ngoài khai thác trái phép, gây thiệt hại mất rừng gần 600 m3 gỗ. Hiện cơ quan điều tra của tỉnh đã khởi tố vụ án để tiếp tục làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan.
Tiếp nhận đơn kêu cứu của CBCNV Công ty Hàm Tân, Bộ NN-PTNT đã có Công văn 465/BNN-QLDN yêu cầu tỉnh Bình Thuận thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng theo tinh thần Công văn 2095 và nêu rõ tại Nghị định 118/2014/NĐ-CP ngày 17.12.2014 của Chính phủ không quy định hình thức hợp nhất hay sáp nhập các công ty nông, lâm nghiệp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.