Cổ phiếu bị “đuổi” khỏi sàn

01/09/2012 03:20 GMT+7

Từ đầu năm đến nay, đã có hàng loạt cổ phiếu (CP) đang niêm yết trên hai sàn chứng khoán bị hủy niêm yết bắt buộc. Theo dự báo, sẽ tiếp tục còn nhiều doanh nghiệp (DN) đối diện với điều này khi tình hình hoạt động không có gì sáng sủa.

Cổ phiếu bị “đuổi” khỏi sàn
CTCK SME (SME) bị thua lỗ liên tục và chỉ được giao dịch trong phiên thứ 6 hằng tuần - Ảnh: Diệp Đức Minh

Theo ước tính, đã có gần 15 CP bị hủy niêm yết từ đầu năm đến nay, chiếm 2% số lượng CP đang niêm yết trên hai sàn. Đây là số lượng CP bị đuổi khỏi sàn nhiều nhất từ trước đến nay. Thế nhưng danh sách này vẫn chưa dừng lại khi Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đã lên tiếng cảnh báo một số CP có khả năng bị hủy niêm yết vào cuối năm nay sau khi có Báo cáo tài chính năm 2012 như Công ty cổ phần (CTCP) đầu tư và xây dựng điện Meca VNECO (VES), CTCP container phía nam (VSG)... Trong khi đó, dù chưa bị đuổi khỏi sàn hay bị dọa hủy niêm yết như các DN trên, nhưng hiện số lượng CP bị đưa vào diện bị cảnh báo và kiểm soát do thua lỗ lên đến khoảng 70 CP. Trong đó có cả những tên tuổi lớn trên thị trường như CTCP Quốc Cường Gia Lai, CTCP chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (SBS), CTCP Tập đoàn công nghệ CMC (CMC)... Đó là chưa kể có khoảng 15 DN đang niêm yết cũng bày tỏ ý định hủy niêm yết tự nguyện. Như vậy danh sách CP bị hủy niêm yết có vẻ sẽ không dừng lại ở đây.

Như vậy, tổng số các công ty đã, sắp và có tiềm năng bị rút niêm yết đã lên tới hàng trăm công ty, chiếm khoảng 15% trong tổng số 705 công ty đang niêm yết trên thị trường hiện nay. Việc hàng loạt CP bị đuổi khỏi sàn không còn là chuyện mới với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, điều này đang gây lo ngại cho thị trường khi bị đuổi thì nhiều mà đầu lên sàn lại quá èo uột. Cụ thể, nếu năm 2010, TP.HCM có 80 DN lên sàn, năm 2011 còn 25 DN thì 8 tháng đầu năm nay, chưa có đến 10 đơn vị được chấp thuận niêm yết.

Sàng lọc hàng hóa ?

 

Hầu hết số CP bị hủy niêm yết đều do bị lỗ 3 năm liên tiếp. Một vài trường hợp cá biệt bị hủy niêm yết do không có giao dịch trong vòng 12 tháng liên tiếp như CTCP thương mại và dịch vụ dầu khí Vũng Tàu (VMG); hay công ty kiểm toán không đưa ra ý kiến về Báo cáo tài chính năm 2011 như đối với CTCP xây dựng số 11 (V11); CTCP Cavico Việt Nam khai thác mỏ và xây dựng (MCV) bị hủy niêm yết do liên tục vi phạm công bố thông tin.

Theo ước tính, chỉ riêng trong quý 2/2012 có khoảng 65 DN niêm yết bị thua lỗ. Những DN hai năm qua chưa thua lỗ nhưng đến năm nay cũng có thể rơi vào danh sách này như Tổng CTCP xây lắp dầu khí Việt Nam (PVX), CTCP khoáng sản Bắc Kạn (BKC)... Trong điều kiện kinh tế trong và thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là với tình hình bất động sản đóng băng thì không ít DN ngành này sẽ phải ngưng hoạt động và chuyện rớt sàn chỉ còn là thời gian. Theo các chuyên gia, đây là hậu quả của chính sách khuyến khích niêm yết dễ dãi trước đây.

Ông Phan Dũng Khánh - Trưởng phòng Phân tích và tư vấn đầu tư, Công ty chứng khoán Kim Eng Việt Nam cho rằng, các công ty bị thua lỗ qua nhiều năm bị hủy niêm yết theo quy định là tất yếu. Điều này không ảnh hưởng nhiều đến thị trường chứng khoán vì nhà đầu tư đã được cảnh báo trước. Còn ông Lê Thanh Trí - Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Bảo Minh - nhận xét, với hơn 700 CP đang niêm yết trên hai sàn hiện nay, nếu hủy niêm yết đối với 100 hay 200 CP cũng không đáng e ngại. Bởi vấn đề quan trọng nhất của thị trường là sự phân loại rõ ràng giữa hàng hóa có chất lượng và hàng hóa kém chất lượng. Cơ quan quản lý kiểm soát chặt các DN làm ăn thua lỗ và thanh lọc theo đúng quy định càng tạo được niềm tin vào thị trường cho nhà đầu tư.

Đồng quan điểm trên, TS Lê Đạt Chí - Trưởng bộ môn Đầu tư tài chính (ĐH Kinh tế TP.HCM) cho rằng, hiện thị trường cũng không còn thuận lợi để các DN lên sàn, bán CP với giá cao hay phát hành thêm ồ ạt. Vì vậy số lượng DN niêm yết ít đi là điều tất yếu. Tuy nhiên, đây là lúc cơ quan quản lý nhà nước cần phải tỏ rõ vai trò tạo lập và dẫn dắt thị trường. Phải tổ chức thị trường, quan trọng nhất là kiểm soát chặt đầu vào. Chỉ cần một DN lên niêm yết nhưng đó là DN có tiềm lực tài chính mạnh, công khai minh bạch hoạt động thì DN đó sẽ được nhà đầu tư quan tâm. Còn hơn là cho 5 DN lên thì sau đó cả 5 đều bị loại do thua lỗ hay không chịu báo cáo tài chính theo đúng quy định. Không phải cứ nhiều DN trên sàn mới là tốt. Ngay cả thị trường chứng khoán Ý cũng chỉ có hơn 100 DN trên sàn. Muốn tạo ra hàng hóa có chất lượng trên sàn thì nhà nước phải đẩy mạnh cổ phần hóa các DN lớn và bắt buộc lên sàn ngay. Như vậy, sẽ đảm bảo công khai minh bạch để dễ dàng quản lý hoạt động của các đơn vị này.

Theo một chuyên gia chứng khoán tại TP.HCM, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua 12 năm nên không cần chạy theo số lượng như thời gian đầu tiên. Điều quan trọng nhất để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia bỏ vốn vào thị trường này chính là chất lượng hàng hóa. Trong đó việc hủy niêm yết đối với những hàng hóa kém chất lượng là điều cần thiết, thậm chí không cần đợi đến 3 năm bị lỗ liên tục mà những DN chỉ mới bị lỗ trong thời hạn 2 năm nhưng vốn chủ sở hữu bị âm thì cũng không nên duy trì lâu.

Mai Phương

>> Hủy niêm yết cổ phiếu HBB từ ngày 17.8
>> Cổ phiếu MKP bị hủy niêm yết
>> Cổ phiếu đầu tiên bị hủy niêm yết trên sàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.