'Đệ nhất' cam sành Vĩnh Long

25/10/2016 06:04 GMT+7

Với kỹ thuật trồng cam sành đem lại lợi nhuận hàng tỉ đồng mỗi năm, ông Phan Văn Chung vinh dự là nông dân duy nhất của tỉnh Vĩnh Long được tuyên dương danh hiệu Nông dân sản xuất giỏi năm 2016 tại Hà Nội.

Lãi tiền tỉ mỗi năm
Ông Chung (43 tuổi, ngụ ấp Phạm Thị Mến, xã Trà Côn, H.Trà Ôn, Vĩnh Long) kể năm 1990, từ 5.000 m2 đất vườn cha mẹ cho, ông bắt đầu học cách trồng cam. Lúc này nông dân trồng cam trong xã Trà Côn chỉ đếm trên đầu ngón tay nên gặp rất nhiều khó khăn về kỹ thuật và đầu ra. Tuy nhiên, với niềm đam mê, ông đã tìm đến bạn bè và nhà vườn các xã lân cận để học hỏi kinh nghiệm, đồng thời xem thêm sách vở. Sau nhiều năm chịu khó, cuối cùng ông Chung đã có được những mùa cam bội thu. Tích góp tiền lời, năm 2000, ông mua thêm 2 ha đất trồng cam, nâng tổng diện tích vườn cam lên 2,5 ha. Đến năm 2014, ông tiếp tục thuê 12 ha đất phát triển quy mô sản xuất.
Theo tính toán của ông Chung, với giá cam hiện nay từ 20.000 - 25.000 đồng/kg, doanh thu từ mỗi công cam (1.000 m2) trên 100 triệu đồng/năm, như vậy tổng doanh thu từ vườn cam của ông khoảng 13 tỉ đồng/năm, lợi nhuận hơn 6,5 tỉ đồng.
'Đệ nhất' cam sành Vĩnh Long 1
... và thăm vườn cam 6 năm tuổi của mình
Với lợi nhuận hàng tỉ mỗi năm, nhiều người gọi ông Chung là “đệ nhất cam sành”. Tuy nhiên, bên cạnh quy mô và lợi nhuận khủng từ nghề trồng cam, điều khiến nhiều người nể phục hơn ở ông Chung là khả năng biết xử lý cho cây ra trái nghịch vụ để bán được giá cao. “Lý do tôi chọn cam sành vì đây là loại cây ngắn ngày, mau cho trái, dễ xoay đồng vốn. Tuy nhiên, nghề trồng cam không đơn giản muốn theo đuổi là được, nó không phải như cây dừa, cây chuối, cứ xuống giống rồi đợi đến ngày thu hoạch. Bởi cây cam là loại “cây nhà giàu”, chỉ cần bỏ vài tuần không chăm sóc là cây sẽ rụi tàn ngay. Đây cũng chính là lý do lúc nào tôi cũng ở ngoài vườn cam canh thời tiết, tỉa cành, bón phân, phun thuốc, tưới nước”, ông Chung chia sẻ.


Để giữ cho cây cam không bị mất sức, chỉ nên để khoảng 60% số lượng trái đậu khỏe, còn lại cắt bỏ, tạo cành tỉa nhánh giúp cây phát triển tốt


Ông Phan Văn Chung, nông dân giỏi tỉnh Vĩnh Long


Không quá tham nhiều trái
Theo ông Chung, có được thành công như vậy là nhờ biết áp dụng kỹ thuật và tích lũy kinh nghiệm từ nhiều năm. “Thay vì để mật độ trồng cây quá dày (trung bình 5.000 cây/ha), vườn cam của tôi trồng thưa hơn. Cây giống đều tự tay tôi chiết nhánh hoặc mua từ những cơ sở uy tín, không mua hàng trôi nổi… Nhờ đó mà vườn cam rất thông thoáng, cây không bị che chắn ánh nắng, vươn cành xanh tốt…”, ông Chung chia sẻ và cho biết thêm: sau 2 năm trồng, cam bắt đầu cho trái. Tuy nhiên, để giữ cho cây không bị mất sức, chỉ nên để khoảng 60% số lượng trái đậu khỏe, còn lại cắt bỏ, tạo cành tỉa nhánh giúp cây phát triển tốt.
Với kỹ thuật trồng như trên, cùng sự sát sao với vườn cam, ông Chung “không lo lắng về các bệnh hại độc nhất trên cam sành, nhất là bệnh vàng lá, gân xanh (loại bệnh chưa có thuốc đặc trị)”. Đặc biệt, cam thu hoạch cho trái to, đẹp, đều, không có chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nên thương lái tự tìm đến tận vườn mua, ông không phải đem bán lẻ như trước đây.
Thành công với vườn cam, nhưng điều đáng quý ở ông Chung là luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với bà con. Thời gian qua, ông đã dành nhiều thời gian giúp đỡ thanh niên địa phương, bạn bè các tỉnh lân cận về kỹ thuật trồng, chăm sóc cam sao cho đạt hiệu quả cao nhất. “Tôi đang hỗ trợ kỹ thuật miễn phí cho nhiều hộ dân, hợp tác xã trồng cam ở H.Châu Thành A, Hậu Giang. Do nhiều nguồn thông tin, họ đã tìm đến nhờ và tôi luôn sẵn sàng chia sẻ”, ông Chung nói.
Ông Võ Văn Vũ, Trưởng ban Kinh tế Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long, xác nhận ông Chung là người có kinh nghiệm trồng cam sành rất hay và độc đáo. Năm 2015, ông được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2010 - 2015. Ngoài việc đại diện cho nông dân tỉnh đi Hà Nội dự lễ tuyên dương Nông dân sản xuất giỏi năm 2016, ông Chung còn được Hội Nông dân VN đề nghị Thủ tướng tặng bằng khen.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.