Điều chỉnh giá xây lắp
Giá vật liệu xây dựng tăng 30 - 60% so với cùng kỳ năm ngoái, chi phí nhân công cũng tăng khiến nhiều chủ đầu tư, đặc biệt ở các dự án BĐS đang triển khai dang dở, phải "kêu trời". Biện pháp mà hầu hết các chủ đầu tư này áp dụng là ký phụ lục hợp đồng điều chỉnh đơn giá xây lắp với khách hàng, nếu như không muốn đình hoãn tiến độ dự án hoặc "bỏ của chạy lấy người". Nhưng biện pháp này cũng không dễ dàng được chấp nhận.
Đến hạn nộp tiền cho phần xây thô, khoảng 30% khách hàng đã góp vốn mua nền đất tại khu đô thị mới Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội) không đồng ý ký phụ lục hợp đồng điều chỉnh giá xây thô và hoàn thiện mặt ngoài căn nhà lên mức giá 3,1 triệu đồng/m2. Các khách hàng này cho rằng, mức giá đó quá cao so với đơn giá 1,8 triệu đồng/m2 mà chủ đầu tư đã ký hợp đồng năm 2006; thậm chí còn cao hơn đơn giá tại khu đô thị mới Văn Khê bên cạnh...
Ông Tạ Hữu Long, Phó giám đốc Công ty cổ phần kinh doanh nhà Quảng Ninh - chủ đầu tư khu đô thị mới Văn Phú - giải thích nguyên nhân khiến doanh nghiệp này phải tăng giá xây lắp. Thứ nhất, do biến động về giá vật liệu xây dựng; thứ hai, do nền móng yếu của khu vực Hà Đông nên chủ đầu tư đã quyết định chọn giải pháp móng cọc bê tông cốt thép cho khu nhà ở thấp tầng trong khu đô thị Văn Phú thay vì móng băng đơn giản.
Ông Long quả quyết: "Chúng tôi biết, sử dụng móng cọc bê tông (giá thành xây thô mỗi căn nhà sẽ tăng thêm 40 triệu đồng - PV), cộng với tình trạng trượt giá của vật liệu xây dựng, chúng tôi sẽ gặp phải phản ứng nhất thời của khách hàng chưa hiểu. Tuy nhiên, vì lý do an toàn và sự bền vững của công trình, chúng tôi sẽ kiên quyết không chấp nhận thay đổi thiết kế để giảm giá thành như đề nghị của một số khách hàng".
Văn Phú đang là dự án có tiến độ thi công nhanh, vượt 2 tháng so với cam kết với khách hàng, tuy nhiên ông Long cũng lo lắng, phản ứng hiện thời của một số khách hàng sẽ khiến cho tiến độ của dự án bị ảnh hưởng không nhỏ.
Tìm khách mua không dễ
Anh Huân đang "ôm" 3 suất đất nền khu đô thị mới Văn Khê (Hà Đông, Hà Nội) từ thời điểm cuối năm 2007 với giá 16,8 - 17,3 triệu đồng/m2. Đây là vốn sẵn có của anh nên cũng không khó khăn lắm trong việc cầm cự suốt thời gian thị trường trầm lắng. Tuy nhiên tới nay, anh Huân cho biết "không thể tiếp tục".
Chủ đầu tư đã chính thức thông báo anh phải nộp 20% còn lại của hợp đồng góp vốn để nhận mặt bằng, sau đó anh sẽ tiếp tục phải nộp ngay 40% giá trị phần xây thô. Như vậy, tính sơ sơ anh sẽ phải nộp khoảng 600 triệu đồng cho mỗi lô đất. "Xoay xở 1,8 tỉ đồng vào thời điểm này quả còn khó hơn cả... lên trời" - anh Huân than thở. Đây cũng chính là lý do anh đang rao bán các lô đất này với giá 14 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, hơn 1 tháng qua cũng chỉ có khách "hỏi thăm" mà chưa ai chịu thỏa thuận sâu hơn.
Phó giám đốc một công ty cổ phần nhà đất cho biết, Hội đồng quản trị công ty này cũng đã quyết định giãn tiến độ của 2 trong số 3 dự án BĐS dự định triển khai trong năm 2008, đầu tiên là vì khó khăn trong việc thu xếp vốn. Nhưng quan trọng hơn, theo vị này "trong trường hợp có vốn cũng không dám mạo hiểm triển khai vì khách hàng không thể thanh toán cho các hợp đồng đến hạn". Cũng xuất phát từ khó khăn về vốn của khách hàng, ngoài việc giãn tiến độ dự án, một số chủ đầu tư đã chủ động giảm tỷ lệ góp vốn cho khách hàng, từ 30% - 40% xuống còn 10% cho mỗi đợt.
An Nguyên
Bình luận (0)