Mua nhà bán đấu giá, 10 năm sau bị... đòi lại

05/12/2005 00:23 GMT+7

Dẫu biết rằng chuyện bán đấu giá tài sản hiện nay có nhiều kết cục "dở khóc dở cười", nhưng kết cục như của vợ chồng bà Oanh thì quá hy hữu: mua được căn nhà, có quyết định nhận nhà, chính thức dọn vào ở và cũng được nhập hộ khẩu vào căn nhà mà mình đã mua, vậy mà gần 10 năm sau bị cơ quan chức năng "mời" ra để… giao cho người khác (!?).

Nhà mua đấu giá chưa chắc đã hợp pháp

Năm 1996, biết tin Phòng Thi hành án (THA) tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Dương) thông báo bán đấu giá căn nhà 70 đường Văn Công Khai, P.Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một nên vợ chồng bà Ngô Kim Oanh đến đăng ký tham gia. Căn nhà được thông báo nguồn gốc là của bà Lê Minh Châu, do thiếu nợ 9 người không có tiền trả nên bị phát mãi để trả nợ. Ngày 12.7.1996, Phòng THA tổ chức đấu giá căn nhà trên (theo định giá căn nhà này trị giá 69 triệu đồng). Có 5 người tham gia buổi đấu giá và qua 18 vòng "đấu" căng thẳng, cuối cùng vợ chồng bà Oanh mua được căn nhà với giá 95 triệu đồng. Sau hai lần nộp đủ tiền, ngày 15.7.1996, vợ chồng bà Oanh có quyết định được nhận nhà, chính thức dọn vào ở và cũng được nhập hộ khẩu từ đó.

Sau khi được nhập hộ khẩu, hai vợ chồng bà Oanh cứ tưởng là mình sẽ được "an cư lạc nghiệp" với căn nhà mua được. Thế nhưng, khi vợ chồng bà làm thủ tục xin hợp thức hóa căn nhà thì mới phát hiện ra ngôi nhà mình đang ở có đến... hai chủ: người bị nợ phải bán đấu giá căn nhà cũng là chủ nhà nhưng trước đó người này đã có thỏa thuận bán căn nhà cho người khác. Gần 10 năm qua, vợ chồng bà Oanh suốt ngày viết đơn kêu cứu khắp nơi để vãn hồi tình hình bởi họ có thể trở thành "kẻ vô gia cư" bất cứ lúc nào...

Thi hành án chồng thi hành án!

Mọi rắc rối của gia đình bà Oanh bắt đầu từ sai sót của các cơ quan nhà nước: Phòng THA tỉnh thì tổ chức bán đấu giá, giao nhà cho vợ chồng bà trong khi trước đó 1 năm, Đội THA thị xã Thủ Dầu Một đã công nhận sự thỏa thuận giữa ông Đặng Văn Nga và bà Lê Minh Châu theo một hướng khác. Theo đó, ông Nga nhận nhà và nộp cho Đội THA 25 lượng vàng để THA cho bà Châu. Tuy nhiên, khi ông Nga mới nộp 15 lượng vàng thì Đội THA đã có công văn đề nghị Sở Xây dựng cấp "giấy hồng" cho ông Nga. Nhận được giấy tờ sở hữu, ông Nga không nộp tiếp số tiền còn lại nên 9 nạn nhân của bà Châu đã phản ứng gay gắt, khiếu kiện khắp nơi.

Thấy vụ việc kéo dài gây dư luận không tốt, Phòng THA đã rút hồ sơ lên xử lý và ra thông báo bán đấu giá để lấy tiền THA trong khi giấy tờ nhà vẫn đứng tên ông Nga! Và, sai lầm này đã khiến gia đình bà Oanh trở thành nạn nhân khi ngay tình nhảy vào mua tài sản đấu giá "tưởng là của người này nhưng lại là của người khác". Gia đình bà Oanh đã phải gánh chịu nỗi thống khổ suốt một thời gian dài, muốn đi không xong bởi không mua được nhà khác, muốn ở cũng không yên vì ông Nga khởi kiện đòi nhà do ông đứng tên. Việc làm thoạt nhìn như hợp pháp của Phòng THA tỉnh hóa ra lại sai "cơ bản" vì tổ chức bán đấu giá không đúng đối tượng, người đứng tên trên tài sản không phải là người bị THA.

Thiệt hại ai chịu?

Trong công văn số 16 ngày 20.8.1998 gửi một số cơ quan chức năng như: Phòng Quản lý đô thị thị xã Thủ Dầu Một, Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương..., Phòng THA tỉnh Bình Dương khẳng định: "Đội THA thị xã đã có sai sót, trong khi ông Đặng Văn Nga chưa nộp đủ số tiền mua nhà đã có công văn đề nghị cho ông Nga được hợp thức hóa nhà" đồng thời yêu cầu Sở Xây dựng thu hồi lại giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đã cấp cho ông Nga.

Sự việc càng phức tạp hơn khi các cơ quan chức năng “nhảy” vào thì phát hiện: giấy nộp tiền 50 triệu đồng của vợ chồng bà Oanh nộp trước ngày đấu giá một ngày (ngày 11.7.1996) và biên bản đấu giá không có chữ ký của bà Oanh... Tuy nhiên, chồng bà Oanh (người trực tiếp tham gia đấu giá) khẳng định: "Ngay sau khi đấu giá xong, những người tổ chức đấu giá kêu lấy tiền lên nộp liền nên tôi ba chân bốn cẳng chạy về nhà lấy tiền. Khi nộp tiền, tôi không để ý ngày ghi trên biên lai vì tin tưởng do Phòng THA ghi, chỉ khi xin trích lục lại biên lai thì mới phát hiện có sai sót. Cũng không ai kêu chúng tôi ký tên vào biên bản gì cả, làm sao chúng tôi biết được mà đòi ký!". Rõ ràng, phía bà Oanh có sai sót do thiếu hiểu biết về pháp luật nhưng trách nhiệm chính vẫn thuộc về đơn vị tổ chức bán đấu giá vì đã để xảy ra những sai sót về mặt thủ tục.

Khó hiểu nhất, vào ngày 28.4.2005, Cục THA dân sự (thuộc Bộ Tư pháp) có văn bản chỉ đạo THA tỉnh thuyết phục, động viên ông Nga và phía bà Oanh tự thỏa thuận với nhau về quyền sở hữu và thanh toán chênh lệch giá trị tiền sửa chữa nhà, tức là đương sự tự giải quyết hậu quả mà không hề thấy trách nhiệm của Phòng THA tỉnh, Đội THA thị xã ở đâu. Tiếp theo sau đó, Cục THA dân sự lại có công văn 443/TP-THA "kỳ lạ", đề nghị THA tỉnh Bình Dương ra quyết định hủy việc bán đấu giá cho bà Oanh và giao ngôi nhà trên cho ông Nga mà không hề đề cập cụ thể đến việc giải quyết "hậu đấu giá" ra sao. Thực thi công văn này, THA dân sự tỉnh Bình Dương mới đây đã ra quyết định hủy kết quả bán đấu giá căn nhà gần 10 năm về trước, buộc bà Oanh phải giao lại căn nhà cho THA (để giao trả lại cho ông Nga) và bà Oanh có trách nhiệm liên hệ với THA để nhận lại 95 triệu đồng. Cần biết rằng, 95 triệu đồng của thời điểm gần 10 năm về trước có thể mua một căn nhà mặt tiền ở Thủ Dầu Một, nhưng với số tiền đó bây giờ thì... Thiết nghĩ, sẽ không có khiếu kiện kéo dài, nếu các cơ quan chức năng dũng cảm nhận trách nhiệm về sai lầm của mình và quan tâm đến quyền lợi người dân.

Hữu Phú - Lê Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.