Trong khi các bộ, ngành đang rà soát để loại bỏ các khoản phí, lệ phí không đúng quy định thì ở một số nơi lại "đẻ" thêm các loại phí khiến người dân bức xúc.
Người lao động bốc vác cũng bị thu phí 15% thu nhập - Ảnh: Đức Huy |
Sáng 14.2, tàu cá neo đậu ở khu vực cảng cá Phú Lạc, trên địa bàn thôn Phú Lạc, xã Hòa Hiệp Nam, H.Đông Hòa (Phú Yên) chuẩn bị đá, dầu, lương thực để mở chuyến biển đầu năm thì nhân viên của cảng cá đã ra ngăn cản vì cho rằng những tàu cá này chưa đóng phí lưu cảng.
Ông Trần Tá, ngư dân phường 6, chủ của 2 tàu cá PY 96252 TS và PY 90962 TS, bức xúc: “Tàu cá của tôi đã cập bến, cảng đã thu phí. Tôi đưa tàu ra bên ngoài đậu, nhưng khi đưa tàu vào tiếp nhiên liệu thì bị nhân viên của cảng cá Phú Lạc cản trở vì lý do chưa đóng phí lưu cảng. Tàu cá của tôi đã cập nhiều cảng, nhưng ở các cảng cá đó không hề có thu khoản phí lưu cảng nên tôi kiên quyết không đóng”.
Ông Tá cho biết, mỗi lần cập cảng mức phí là 40.000 đồng/lượt và thêm phí lưu cảng 20.000 đồng/ngày. Ngư dân Nguyễn Văn Hùng, chủ tàu cá PY 96155 TS đang neo đậu tại cảng cá Phú Lạc cũng tỏ ra rất bức xúc vì nhân viên của cảng cá Phú Lạc cản trở không cho tàu vào tiếp nhiên liệu.
|
|
Về thực tế trên, ông Nguyễn Văn Lành, Phó trưởng ban Quản lý cảng cá Phú Lạc, cho biết UBND H.Đông Hòa có thông báo thu phí lưu cảng đối với những tàu cá neo đậu trong vùng nước cảng cá Phú Lạc quản lý. Tuy nhiên, quy định này chưa thông báo công khai, rộng rãi. “Vì còn mới quá, chúng tôi rút kinh nghiệm và sẽ thông báo rộng rãi cho ngư dân biết vùng nước cảng quản lý”, ông Lành hứa.
Không chỉ thu phí lưu cảng, những công nhân bốc vác, chủ tàu cá cũng phản ánh nhân viên của cảng cá Phú Lạc thu 15% tiền phí bốc vác. Ông Trịnh Ngăn, Phó chủ tịch Nghiệp đoàn bốc vác cảng cá Đông Tác, P.Phú Đông, TP.Tuy Hòa, bức xúc: “Anh em tụi tui lao động vất vả kiếm được 1 triệu đồng thì phải đóng 150.000 đồng cho cảng cá. Vậy tụi tui lấy gì để nuôi vợ con? Chúng tôi đề nghị làm rõ chuyện này”. Bên cạnh đó, nhiều tài xế xe tải chở đá lạnh vào cảng cũng phải chịu phí 40.000 đồng/lượt nhưng biên lai không có dấu, không có chữ ký, không ghi rõ chủ xe, biển số xe nộp phí...
Chiều 16.2, ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, cho biết khi nghe phản ánh của ngư dân thì Sở xuống kiểm tra ngay, nhưng cảng cá Phú Lạc do UBND H.Đông Hòa thành lập nên quản lý về phí, lệ phí. “Sau khi kiểm tra, tôi đã gọi cho lãnh đạo UBND H.Đông Hòa và Phòng Nông nghiệp huyện giải quyết phản ánh của dân”, ông Phương nói. Trả lời Thanh Niên, ông Võ Ngọc Hòa, quyền Chủ tịch UBND H.Đông Hòa, cho biết đã chỉ đạo Phó chủ tịch UBND huyện phụ trách làm việc với Ban Quản lý cảng cá Phú Lạc để chấn chỉnh, công khai minh bạch cho người dân rõ.
Không thể thu khơi khơi
Trong khi đó, nhiều chủ tàu cá vẫn khẳng định không đồng tình với việc thu phí này. Ý kiến về việc lạm thu, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Thủy sản VN, cho rằng bất luận việc thu phí không rõ ràng, không nằm trong quy định của ngành, không thuộc chủ trương của chính quyền địa phương và đặc biệt lại không xuất biên lai đều trái quy định của luật. Năm 2015, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN thông tin, các khoản phí hiện chiếm 1% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của DN. Cho rằng việc lạm thu ảnh hưởng đến việc làm ăn kinh doanh của ngư dân, ông Trương Đình Hòe nhận định: Trước mắt các chủ tàu phải có cuộc họp thống nhất với chính quyền, nếu không đồng quan điểm, có thể kiến nghị cấp cao hơn. “Quan trọng là các khoản thu phải phù hợp với tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của ngư dân, phù hợp quy định của pháp luật”, ông Hòe nói.
Đồng quan điểm trên, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, khẳng định: “Mọi khoản thu liên quan đến tài chính đều phải nằm trong quy định của ngành tài chính. Là doanh nghiệp tư nhân, liên quan đến hoạt động kinh doanh của họ, họ có quyền thu phí dịch vụ, nếu khách hàng không đóng, không sử dụng dịch vụ của họ. Nhưng là một đơn vị hành chính công, nếu có chủ trương thu thêm, phải có giải trình rõ ràng trước với người dân. Chẳng hạn thu để bù xây dựng hạ tầng cảng mà địa phương buộc phải tự đầu tư nâng cấp nạo vét... Khi đã có chủ trương rồi, đơn vị hành chính đại diện cho quản lý nhà nước phải có biên lai thu in đơn vị chủ trương thu, con dấu đầy đủ... chứ không thể thu khơi khơi mà được. Hoặc giả người thu nếu cho rằng theo chủ trương của nhà nước, sử dụng biên lai thu kiểu mua ngoài tiệm sách cũng sai quy định”. TS Nguyễn Trí Hiếu cũng đề nghị các nhà quản lý nhân sự vụ này cần vào cuộc rà soát lại hiện tượng tự ý thu, lạm thu tại một số địa phương vốn đã xảy ra lai rai trong thời gian qua, mà nếu báo chí không phản ánh, không ai biết. TS Hiếu nhận định: “Năm 2016, tình hình kinh tế cũng chưa hết khó khăn, hoạt động kinh doanh theo hộ gia đình, cá thể, doanh nghiệp nhỏ vẫn còn đối diện nhiều thách thức, nếu cứ lạm thu, thu vô tổ chức hay thu chưa cần thiết... đều nên hạn chế tối đa hoặc dẹp bỏ. Trước mắt, các cấp, ngành và chính quyền cần tập trung để từng bước vượt khủng hoảng, khôi phục và xây dựng nền kinh tế vững chãi hơn để đón hội nhập. Không nên để những khoản thu “không đáng” ngáng nhiệt huyết làm ăn của người dân, doanh nghiệp”.
Thu phí không xuất biên lai
Sáng 16.2, PV Thanh Niên có mặt tại Trạm thu phí BOT cầu Sông Cái Nhỏ (xã Bình Thạnh, H.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) đã tận mắt chứng kiến chỉ chưa đầy 1 giờ, 2 nhân viên ngồi ở 2 đầu trạm đã vô tư thu tiền gần 100 xe máy, hơn 10 ô tô mà không đưa bất cứ biên lai nào theo quy định. Một nhân viên tuổi trung niên không mặc đồng phục của đơn vị nào liên quan đến trạm thu phí trên trả lời: “Ở đây không có quy định phải đưa biên lai thu tiền phí qua cầu, tui thu mấy năm nay rồi”. Khi được chúng tôi hỏi vậy số tiền thu được đến hết ngày ai quản lý, người đàn ông này vô tư trả lời: “Tôi thu ở đầu này, vợ tôi thu đầu bên kia. Thu tiền xong tối về tôi đưa cho vợ giữ hết, mỗi ngày khoảng trên dưới 15 triệu đồng thôi. Sau đó 2 - 3 ngày thì có người ở công ty xuống thu, chúng tôi thu được bao nhiêu thì giao hết cho công ty”.
Ông Nguyễn Hoàng Sơn, Chủ tịch UBND xã, thừa nhận việc thu phí qua trạm mà không đưa biên lai là không đúng theo quy định. Trong các kỳ họp HĐND xã, lần nào người dân cũng chất vấn về việc thu phí xe máy không theo quy định nào. Cụ thể năm 2013, thu phí xe máy 2.000 đồng/lượt, vé tháng bán 20.000 tháng, nhưng đơn vị thu phí không chịu bán 1 tháng mà buộc phải mua 1 năm. Năm 2014 đến nay vẫn thu xe máy 2.000 đồng/lượt nhưng vé tháng thì có người phải mua đến 60.000/tháng trong 6 tháng đầu năm, đến 6 tháng cuối năm thì lại bán giá 300.000 đồng/6 tháng.
Về tình trạng trên, ông Nguyễn Minh Tuấn, Chánh văn phòng UBND H.Cao Lãnh, cho biết lãnh đạo UBND huyện đã ít nhất 2 lần mời đơn vị thu phí là Công ty TNHH BOT xây dựng Đồng Tháp lên làm việc để chấn chỉnh, nhưng công ty vẫn không thực hiện. Mới đây ngày 15.2, khi UBND huyện và các ngành chức năng tiếp tục mời bà Nguyễn Kim Hoa, Giám đốc công ty lên làm việc, bà Hoa cam kết sẽ chấn chỉnh việc thu phí, niêm yết giá thu và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định.
Mai Trâm
|
Bình luận (0)