Chỉ còn vài ngày nữa là hết năm 2015 nhưng không ít doanh nghiệp niêm yết vẫn chưa trả cổ tức từ năm 2010 cho cổ đông.
Doanh nghiệp thất hứa trả cổ tức sẽ khiến nhà đầu tư giảm niềm tin vào thị trường chứng khoán - Ảnh: D.Đ.M |
Hứa thật nhiều nhưng...
Hơn 4 năm ròng rã, các cổ đông của CTCP đầu tư và phát triển du lịch Vinaconex (VCR) vẫn ngóng chờ cổ tức năm 2010. Sự thất vọng càng lớn hơn khi VCR lại tiếp tục thông báo thay đổi thời gian chi trả cổ tức năm 2010 từ ngày 31.3.2015 sang ngày 31.3.2016 do thị trường bất động sản đóng băng trong suốt thời gian dài, dẫn đến việc kinh doanh gặp khó khăn, không đạt kỳ vọng đề ra nên công ty chưa có nguồn để trả cổ tức. Đây là lần thứ 4 VCR điều chỉnh thời gian chi trả cổ tức 2010.
Tương tự, CTCP Sông Đà 9.06 (S96) ngay từ đầu năm nay cũng đã thông báo lùi thời hạn thanh toán cổ tức năm 2010 đến cuối năm 2016 vì chưa thu xếp được nguồn tiền. Hay CTCP kỹ thuật điện Sông Đà (SDE) cũng dời ngày chia cổ tức năm 2011 và 2012 đến tận cuối năm nay. Trước đó, trong suốt năm 2014, SDE đã liên tục thay đổi thời gian chi trả cũng với lý do việc thu hồi vốn chưa đạt kế hoạch. Đây là lần thứ 6 công ty gia hạn ngày thanh toán cổ tức... Thế nhưng, doanh nghiệp (DN) có số lần gia hạn cổ tức nhiều nhất lên đến khoảng 10 lần phải kể đến CTCP thiết bị phụ tùng Sài Gòn (SMA) với điệp khúc thông báo trả rồi lại hoãn.
Theo thống kê của Vietstock, từ tháng 7.2012, SMA bắt đầu thông báo trả cổ tức năm 2011 tỷ lệ 14% nhưng từ đó liên tục trì hoãn, sau đó cổ đông của công ty này chỉ mới nhận được 2%. Còn lại 12% tiếp tục được SMA "giam" tròn 10 lần, và đến giữa năm nay mới trả xong. Trước đó, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM cũng đã nhiều lần có công văn nhắc nhở SMA nhưng tình hình vẫn không có gì thay đổi, mặc dù báo cáo kiểm toán những năm trước công ty này đều có lãi. Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2015, ông Nguyễn Đình Hiền, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty SMA, phân trần: Năm 2009 - 2011, đầu tư nhà máy thủy điện bị vượt dự toán do lạm phát phi mã, kết hợp với suy thoái kinh tế kéo dài, thị trường chứng khoán suy giảm nên công ty thiếu vốn và dòng tiền mất cân đối dù kiểm toán công ty vẫn có lãi hằng năm. Từ đó dẫn tới nợ cổ tức kéo dài. Đầu năm 2015, sau khi vay bổ sung được 82 tỉ đồng đã trả dứt điểm cổ tức năm 2011. Còn cổ tức của các năm từ 2012 - 2014 sẽ được chi trả theo từng đợt. Ông Hiền cũng hứa với các cổ đông sẽ trả một phần cổ tức và lãi trái phiếu ngay trong năm nay, phần còn lại sẽ chi trả trong năm sau. Nếu trong thời gian tới không giải quyết được thì đến Đại hội cổ đông thường niên 2016 sẽ trình phương án xử lý dứt điểm.
Có thể kiện ra tòa
Mới đây, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã xử phạt ông Hoàng Văn Dư - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Lilama 45.4 (L44) 60 triệu đồng do dời ngày trả cổ tức năm 2012 và 2013 đến tận cuối năm 2016 thay vì sẽ trả vào cuối tháng 7.2015 sau nhiều lần dời lại trước đó. Việc xử phạt này đã nhận được sự đồng tình của nhiều cổ đông và nhà đầu tư (NĐT) trên thị trường. Nhưng đối với nhiều NĐT, hình thức chế tài này vẫn chưa đủ. Tại Đại hội cổ đông của Công ty SMA, có cổ đông đã yêu cầu nếu công ty không thực hiện trả cổ tức sẽ khởi kiện theo pháp luật.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải - Tổng thư ký Hiệp hội Các NĐT tài chính VN - các NĐT có thể khởi kiện khi công ty đã trì hoãn quá lâu việc chi trả cổ tức. Bởi theo luật nước ngoài, cổ tức là một khoản nợ của cổ đông. Trừ trường hợp bất khả kháng như thiên tai, chiến tranh, còn lại nếu công ty không trả thì có thể bị khởi kiện. “Cổ đông có thể thông cảm khi DN gặp khó khăn trong ngắn hạn và lùi ngày trả cổ tức 1 - 2 lần. Nhưng nếu cứ hứa quá nhiều lần từ năm này qua năm khác thì có thể cho rằng đó là hình thức lừa đảo. Vì cũng có những trường hợp DN thông báo chia cổ tức cao để đẩy giá cổ phiếu tăng lên nhằm thu lợi cá nhân. VN chưa quy định rõ trách nhiệm trong vấn đề này nên cũng chưa có hình thức chế tài chặt chẽ. Điều đó làm ảnh hưởng đến uy tín chung của thị trường chứng khoán trong mắt NĐT”, ông Nguyễn Hoàng Hải nói.
Còn theo phân tích của ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán SJC, khi DN thông báo trả cổ tức và chốt danh sách cổ đông thì ngay lập tức, giá cổ phiếu trên sàn đã bị điều chỉnh giảm xuống tương ứng (ví dụ trả cổ tức 1.000 đồng/cổ phiếu thì giá cổ phiếu sẽ bị trừ xuống 1.000 đồng). Giá cổ phiếu giảm nhưng NĐT không nhận được tiền trong một thời gian quá dài thì thiệt hại rất lớn. Đối với những DN này, các cổ đông nên đề xuất thay ban điều hành do quản lý quá yếu kém. Ông Tuấn nhấn mạnh: “Không trả cổ tức hoặc chậm trả quá lâu khiến cổ tức không còn ý nghĩa với cổ đông. Từ đó không khuyến khích NĐT tham gia đầu tư dài hạn để ăn cổ tức. Khi đó các cổ đông chỉ có giải pháp đầu tư theo giá lên xuống của thị trường và như vậy rủi ro rất cao. Cần phải có chế tài mạnh hơn với các DN nhiều lần trì hoãn trả cổ tức để tạo niềm tin cho NĐT trên thị trường chứng khoán”.
Bình luận (0)