Nhiều doanh nghiệp 'không thể ngồi yên' được nữa khi ngành thuế
ngày càng 'đẻ' ra nhiều quy định không rõ ràng, lắt léo với thủ tục phức
tạp để trì hoãn việc hoàn thuế.
Đại diện doanh nghiệp làm thủ tục tại cơ quan thuế - Ảnh: Ngọc Thắng |
Đại diện Công ty TNHH Nghệ Thắng (Bình Dương) cho biết đang chuẩn bị hồ sơ để khởi kiện Chi cục Thuế Thuận An (Bình Dương) vì đã ra quyết định không hoàn thuế cho công ty. “Chúng tôi chỉ muốn yên ổn làm ăn nhưng cơ quan thuế đang ép doanh nghiệp (DN) phải đi kiện”, vị này bức xúc.
Ngưng xuất khẩu vì “hoàn thuế trần ai quá”
|
“Chúng tôi đã làm mọi cách, từ chứng minh ngành nghề hoạt động không phải ngành nghề cấm, không phải ngành nghề có điều kiện, có đầy đủ hồ sơ hóa đơn, chứng từ... Nếu chúng tôi sai thì Sở KH-ĐT Bình Dương sẽ ra quyết định phạt, nhưng đến nay Sở vẫn không phạt. Từ mức hoàn thuế 750 triệu đồng, cả năm qua DN dồn lại tăng thêm khoảng 4 tỉ đồng. Nếu không kiện đòi lại, chúng tôi sẽ mất oan cả 4 tỉ đồng!”, người này kiên quyết.
Còn ông Đinh Công Khương, Giám đốc Công ty thép Khương Mai, cho hay ông không được hoàn 200 tỉ đồng tiền thuế trong 5 năm qua vì những lý do rất “trời ơi”, lúc thì tồn kho nhiều, lúc thì hồ sơ khai báo phương tiện vận chuyển không đúng... Đến cuối năm ngoái, cơ quan thuế thông báo tạm dừng giải quyết hoàn thuế để chốt số liệu hết năm, sang năm 2016 làm tiếp. “Những năm qua, có năm giá thép rớt 50%, xuất khẩu thép chỉ lãi 1 - 2%, DN phải đi vay tiền để hoạt động, vậy mà ngành thuế treo của tôi đến 10%. Trước đây chúng tôi vừa xuất khẩu vừa bán nội địa, nhưng hoàn thuế trần ai quá nên đã ngưng xuất khẩu. Lần này, nếu cơ quan thuế vẫn trì hoãn trả tiền, chúng tôi chỉ còn đường kiện ra tòa”, ông Khương cho biết.
Nhiều DN bức xúc cho rằng quy định hoàn thuế ngày càng rối rắm, trì hoãn trả tiền DN. Lúc đầu cơ quan thuế lấy lý do để giảm thủ tục hành chính tăng thời gian hoàn thuế lên 3 tháng, rồi sửa lại 1 năm mới hoàn cùng những quy định phức tạp (không trả lại tiền mà chỉ được khấu trừ kỳ sau; từ 300 triệu đồng trở lên mới được hoàn thuế đối với dự án đầu tư, ít hơn thì chuyển vào kỳ kê khai tiếp). Mới đây nhất, dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thuế GTGT “đẻ” ra những quy định lạ lùng như không hoàn thuế nếu DN chưa góp đủ vốn điều lệ; hoàn thuế trước, kiểm tra sau nếu người nộp thuế không vi phạm pháp luật trong 2 năm...
Thiệt hại tiền tỉ mỗi ngày
Một trong những lý do trì hoãn thuế là quỹ hoàn thuế đã bị “cháy” nhiều năm nay. Theo số liệu, năm 2014 cơ quan thuế tiếp nhận gần 22.100 hồ sơ đề nghị hoàn thuế với số tiền trên 98.970 tỉ đồng. Năm 2013 còn chuyển sang là 1.816 hồ sơ với số tiền hoàn là 8.746,5 tỉ đồng do quỹ hoàn thuế đã hết tiền. Tổng cộng thuế phải hoàn năm 2014 là 107.700 tỉ đồng nhưng cơ quan thuế chỉ hoàn được 82.350 tỉ đồng. Trong năm 2015, tổng số tiền đã chi hoàn thuế GTGT qua Kho bạc Nhà nước từ dự toán 2015 là 85.000 tỉ đồng, chưa kể số tiền đã chi trong năm 2015 từ dự toán ứng trước năm 2016.
Làm một phép tính đơn giản sẽ thấy, DN đang thiệt hại lớn từ việc chậm hoàn thuế. Đơn cử tính riêng năm 2014, tổng số tiền ngân sách nợ DN là 17.237 tỉ đồng phải chuyển sang năm 2015 “xử lý tiếp”. Nếu ngân sách cũng bị phạt do chậm hoàn tương tự DN bị phạt do chậm nộp thuế với mức phạt 0,05%/ngày, thì DN đã mất 8,6 tỉ đồng mỗi ngày.
Ông Chung Thành Tiến, Giám đốc Công ty kế toán Đồng Hưng kể ông đã chứng kiến nhiều DN gian nan đi đòi nợ thuế mà phải quay về tay không. Có lẽ vì thế nên ngành thuế đưa ra nhiều quy định tréo ngoe để “trốn” hoàn thuế cho DN. “Quy định DN không vi phạm pháp luật cụ thể là vi phạm gì, chẳng lẽ chạy xe ngoài đường bị phạt là không được hoàn thuế? Như vậy thì vô lý quá. Cơ quan nhà nước cần tuân thủ các nguyên tắc của thuế GTGT. DN vi phạm nội dung nào, chế tài phù hợp theo nội dung đó, không thể dắt dây theo kiểu sai cái này sẽ bị cái kia, làm khó DN”, ông phân tích.
Ông Mai Thanh Tòng, thuộc Hội Kế toán và kiểm toán VN (VAA), phân tích: Bắt nguồn từ chỗ một số DN xấu xí, gian lận thuế lấy tiền của ngân sách, nên ngành thuế đưa ra một chính sách hoàn thuế khắt khe nhằm bịt đường DN xấu nhưng lại cột chân người làm đúng. Trước đây, VN áp dụng thuế doanh thu, người bán hàng cứ bán hàng là nộp thuế, dẫn đến việc thuế chồng thuế. Sau đó bỏ thuế doanh thu, chuyển sang thuế GTGT với ưu điểm tránh thuế chồng thuế. Tuy nhiên, những quy định phức tạp đã làm sai lệch bản chất của thuế GTGT. Khi đưa ra thuế GTGT là nhằm tránh thuế chồng thuế, khuyến khích DN xuất khẩu (thuế xuất khẩu bằng 0%), cạnh tranh được với các nước. Bản chất của thuế GTGT là “tôi đã nộp thuế đầu vào thì sau khi khấu trừ đầu ra còn bao nhiêu nhà nước phải trả lại ngay trong tháng đó”.
“Nếu cứ tiếp tục cách làm luật này, các văn bản về thuế nói chung, văn bản thuế GTGT nói riêng càng lúc càng thụt lùi so với những ưu việt của thuế GTGT với thuế doanh thu trước đây. Chưa nói tới việc làm chính sách như vậy là chạy theo đứa ăn gian, nếu mai đây nó đổi cách khác thì lại tiếp tục chạy theo”, ông Chung Thành Tiến bức xúc.
Tháo gỡ trước 15.3
Trả lời báo chí cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định, trước 15.3 sẽ ban hành chính sách để tạo điều kiện thuận lợi nhất hoàn thuế lại cho DN.
Theo ông Tuấn, kinh phí hoàn thuế của toàn bộ ngành thuế trên tài khoản hoàn thuế là 3.800 tỉ đồng. Tuy nhiên, có hiện tượng nơi thừa nơi thiếu. Hiện TP.HCM chỉ còn 92 tỉ đồng trong quỹ hoàn thuế, nhưng Hà Tĩnh số dư tài khoản quỹ này còn trên 1.100 tỉ đồng, dẫn tới tình trạng dư luận có lúc cho rằng quỹ hoàn thuế không còn để xử lý hoàn thuế. Trong 2 tháng đầu năm 2016, cơ quan thuế đã giải quyết 3.100 hồ sơ hoàn thuế trên tổng số 13.000 tỉ đồng hoàn thuế. Trong đó, 52% là hoàn thuế trước kiểm tra sau, 48% thực hiện kiểm tra trước, và hoàn thuế sau. Số DN bị chậm hoàn là 287 hồ sơ.
Anh Vũ
|
Bình luận (0)